vĐồng tin tức tài chính 365

Có nên thu thuế khoản trợ cấp thất nghiệp?

2023-06-12 12:20
Có nên thu thuế khoản trợ cấp thất nghiệp? - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại Công ty PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù miệt mài kiến nghị nhưng ba năm qua bất kể dịch giã, khó khăn, người làm công ăn lương vẫn không được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân. 

Đến khi thất nghiệp lại bị tạm khấu trừ thuế khoản trợ cấp, theo các chuyên gia là thiếu tính nhân văn. Chủ trương nuôi dưỡng nguồn thu cần nhanh chóng cụ thể hóa ở chính sách thuế thu nhập cá nhân.

Tạm thu, tới thu nhập chịu thuế mới phải nộp

Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) thông báo cắt giảm 6.000 công nhân vì giảm đơn hàng. Đây là lần thứ hai trong năm 2023, doanh nghiệp này cắt giảm lao động với số lượng cả nghìn người.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2%, trong khi cùng kỳ tăng 8%. 

Sản xuất công nghiệp còn khó khăn hơn thời kỳ đại dịch COVID-19. Lao động ngành công nghiệp giảm ở cả khu vực doanh nghiệp quốc doanh, ngoài quốc doanh và FDI. Thời gian qua, một số lao động thất nghiệp vẫn băn khoăn vì bị tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với trợ cấp thôi việc.

Về vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc (làm ít nhất 12 tháng) mỗi năm nửa tháng lương, với trợ cấp mất việc là một tháng lương.

Tham chiếu theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, các khoản phụ cấp, trợ cấp mà công ty trả theo đúng quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội thì không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

Có nên thu thuế khoản trợ cấp thất nghiệp? - Ảnh 3.

Công nhân làm việc tại Công ty PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với PouYuen, công ty đã trả một khoản ngoài quy định nên phải tính thuế thu nhập cá nhân trên phần vượt chế độ này. 

Với phần chi vượt thì công ty phải tạm khấu trừ theo nguyên tắc: nếu khoản chi được chi trả trước thời điểm kết thúc hợp đồng lao động thì công ty khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Nếu khoản chi trả từ 2 triệu đồng/lần trở lên và được chi sau thời điểm kết thúc hợp đồng lao động (người lao động thực tế đã nghỉ việc) thì công ty khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10%.

Tuy nhiên, phần này chỉ là tạm khấu trừ và công ty phải cấp chứng từ khấu trừ cho người lao động. 

Cuối năm khi quyết toán sẽ tính tất cả tổng mức thu nhập trong năm và các khoản giảm trừ, nếu thu nhập không đến ngưỡng phải chịu thuế thì cơ quan thuế sẽ hoàn trả số tiền thuế dư đã tạm nộp.

"Như vậy, ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất, tiền trợ cấp mất việc, thôi việc theo luật không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Thứ hai, phần chi thêm chế độ thì cơ quan thuế tạm thu 10%, sau đó cuối năm quyết toán. Nếu thiếu thì Nhà nước thu thêm, còn thừa thì Nhà nước trả lại.

Năm 2020, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành công văn 7303 trả lời Công ty PouYuen về vấn đề này và hiện nay vẫn sẽ thực hiện theo tinh thần công văn này", đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết.

Có nên thu thuế khoản trợ cấp thất nghiệp? - Ảnh 4.

Số thu thuế thu nhập cá nhân từ năm 2018 đến nay, năm sau luôn cao hơn năm trước - Nguồn: Bộ Tài chính - Đồ họa: N.KH.

Lẽ ra phải khuyến khích

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc PouYuen trả cho người lao động bị mất việc vượt quy định là rất nhân văn, cần phải nhân rộng vì thể hiện sự chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp với người lao động.

Theo các chuyên gia, người lao động đã bị mất việc, thu nhập thường xuyên hằng tháng bị mất. Sau này dù có tìm được việc làm mới cũng khó có thể có được mức thu nhập như cũ, mà lại khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân từ khoản thu nhập trợ cấp mất việc là không hợp lý.

Tất nhiên trên lý thuyết đây chỉ là tạm khấu trừ, hết năm khi quyết toán, nếu phát sinh số thuế nộp thừa thì người lao động sẽ được hoàn lại. Thế nhưng, trên thực tế họ bị "giam" tiền mất một năm, sau đó lại vất vả đi làm thủ tục hoàn thuế. Chưa kể không phải ai cũng am hiểu thủ tục hoàn thuế nên nhiều trường hợp chấp nhận mất khoản tiền này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng cần phải sửa đổi ngay quy định tính thuế thu nhập cá nhân đối với trợ cấp thất nghiệp vì đây không phải là tiền lương.

Người lao động không mong muốn nhận được khoản tiền này. Họ nhận được trợ cấp đồng nghĩa với việc bị thất nghiệp, là khó khăn, phải bươn chải để đi tìm một công việc mới... Nhưng tìm việc lúc này là vô cùng gian nan vì doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày... bị cắt giảm đơn hàng do kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Cần phải sửa đổi ngay quy định tính thuế thu nhập cá nhân đối với trợ cấp thất nghiệp vì đây không phải là tiền lương. Người lao động không mong muốn nhận được khoản tiền này. Họ nhận được trợ cấp đồng nghĩa với việc bị thất nghiệp, là khó khăn.
Ông Lưu Bình Nhưỡng

Mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng đã quá lạc hậu

TS Nguyễn Ngọc Tú (chuyên gia cao cấp về thuế) phân tích bản chất của thuế thu nhập cá nhân rất nhân văn. Đối với thu nhập của người lao động, thuế thu nhập cá nhân chỉ thu đối với phần thu nhập trên ngưỡng nào đó. 

Các nước họ cũng đưa ra ngưỡng tính thuế này, từ Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đến các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... đều áp dụng ngưỡng tính thuế chứ không riêng chỉ Việt Nam.

Như hiện nay, ngưỡng tính thuế thu nhập cá nhân với tiền công tiền lương là phần thu nhập trên 11 triệu đồng. Điều này được hiểu là thuế thu nhập cá nhân đánh vào những người có thu nhập trên mức trung bình chứ không đánh vào người nghèo.

Nhưng thông tư 111 năm 2013 của Bộ Tài chính lại hướng dẫn trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác được miễn thuế theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Luật thuế là luật thuế sao lại chiếu sang Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội?

Có nên thu thuế khoản trợ cấp thất nghiệp? - Ảnh 7.

Công nhân khu trọ đường Lê Đình Cẩn, quận Bình Tân, TP.HCM ở nhà trông con, chờ xin việc làm mới - Ảnh: HỮU HẠNH

Liên quan đến người lao động, hai văn bản này quy định những mức như lương, trợ cấp tối thiểu để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Còn chính sách thuế thì căn cứ đúng vào bản chất của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Nên với hướng dẫn của Bộ Tài chính chỉ cho trừ đối với khoản trợ cấp tối thiểu mà Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động quy định cho thấy người làm chính sách không cởi mở, vì sự tiến bộ của xã hội.

"Ở các khu công nghiệp, người lao động đa số là nghèo. Nhà còn chưa có mà ở, con còn phải gửi cha mẹ già ở quê chăm, ăn bữa nay còn lo bữa mai, nay lại bị thất nghiệp. Nhận được khoản trợ cấp lúc tuổi đã ngoài 40 thì ai mà vui vẻ sung sướng gì!", ông Tú nói.

Thêm nữa, theo ông Tú, chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với khoản trợ cấp thất nghiệp không bảo vệ quyền lợi của người lao động, bởi tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động được doanh nghiệp trợ cấp là cho cả quá trình đóng góp sao lại có thể tính thuế trong một năm. Như vậy là gây bất lợi cho người nộp thuế.

Ông Tú đề xuất Bộ Tài chính cần sửa ngay thông tư 111 để không thu thuế thu nhập cá nhân với những khoản trợ cấp thất nghiệp, mất việc làm. Các nước còn trợ cấp, hỗ trợ cho người thất nghiệp...

Theo các chuyên gia, bất hợp lý còn ở chỗ dù rất chặt chẽ khi tạm khấu trừ cả khoản trợ cấp thất nghiệp, nhưng trong suốt hai năm qua khi dịch COVID-19 tác động nặng nề nhưng Bộ Tài chính chưa đề xuất chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương dù đã có nhiều kiến nghị.

Thực tế từ năm 2020 đến nay giá cả đã tăng rất nhiều và mức 11 triệu đồng/tháng không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống hiện nay, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Do vậy, nâng mức giảm trừ cho cả người lao động lẫn người phụ thuộc để giúp người lao động vơi bớt khó khăn. Đồng thời cần cho phép người lao động được trừ học phí cho con vì hiện nay người nước ngoài được trừ trong khi người trong nước lại không.

* Ông Lưu Bình Nhưỡng (phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):

Sẽ báo cáo đề nghị chỉnh sửa chính sách

Doanh nghiệp cực chẳng đã mới phải sa thải hàng nghìn lao động. Dù tình hình khó khăn nhưng họ đã rất nhân văn, hy sinh lợi ích của mình để bù đắp phần nào cho người lao động bằng một khoản tiền trợ cấp. Trái lại, chính sách thuế lại tận thu, thu cả thuế thu nhập cá nhân tiền trợ cấp của người bị mất việc.

Nên chính sách thuế này là không đúng đạo lý, không có tính nhân văn. Do vậy, tôi đề nghị người lao động bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với khoản trợ cấp mất việc sớm có văn bản kiến nghị lên Quốc hội, lên Ban Dân nguyện. Ban Dân nguyện sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉnh sửa chính sách này. Không thể thu thuế đối với khoản hỗ trợ, trợ cấp của người lao động dành cho lao động mất việc.

* TS Nguyễn Ngọc Tú (chuyên gia cao cấp về thuế):

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần lên tiếng

Khoản thu 10% đối với tiền trợ cấp thất nghiệp đã tồn tại cả chục năm nay mà chưa sửa. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần lên tiếng, nhìn nhận đúng bản chất của khoản tiền này để bảo vệ người lao động yếu thế.

Với vài chục triệu đến 100 - 200 triệu đồng được doanh nghiệp trợ cấp cho cả 10 - 15 năm lao động cực nhọc, công nhân lại buộc phải nộp thuế thu nhập cá nhân tính trong một năm là hết sức vô lý. Nói gì thì nói, tiền trợ cấp thất nghiệp phải chịu thuế thu nhập cá nhân là không có cơ sở, không đúng bản chất của sắc thuế này.


Bậc thuế quá dày, nên cắt giảm

Quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Trong Luật Thuế thu nhập cá nhân đang tồn tại một loạt quy định chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Trong đó, điều kiện tính là người phụ thuộc hiện nay là thu nhập bình quân không vượt 1 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, cho rằng quá lỗi thời so với mặt bằng giá hiện nay.

Vì 1 triệu đồng bây giờ chưa đủ ăn cơm rau cho một người bình thường chứ không nói gì đến các chi phí thiết yếu như ở, mặc, thuốc men, thăm khám chữa bệnh... Với mặt bằng giá cả hiện nay, mức trên phải được nâng lên thành không quá 5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, quy định tạm khấu trừ 10% với khoản thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng/lần chi trả cũng vô cùng bất hợp lý. Cơ quan thuế luôn nắm đằng chuôi. Đến tháng 4 năm sau, người nộp thuế phải tự đi quyết toán thì mới được hoàn lại số thuế nếu nộp thừa.

Trong khi đó, đến thời điểm này, cơ quan thuế đã quản lý bằng công nghệ thông tin, đã hoàn thuế điện tử. Do đó, cần nâng khoản thu nhập vãng lai lên 3-4 triệu đồng thay vì 2 triệu đồng như hiện nay và hoàn thuế điện tử ngay tháng 1 năm sau chứ không chờ người nộp thuế phải quyết toán.

Đặc biệt, một bất cập rất lớn đã được Bộ Tài chính thừa nhận từ năm 2018 là biểu thuế lũy tiến từng phần có 7 bậc thuế là quá dày với mức thuế cao nhất lên tới 35%, đến nay vẫn chưa được sửa đổi. Trao đổi với báo chí mới đây bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong chương trình làm luật của Quốc hội tới đây có kế hoạch sửa sáu luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Trong dự thảo tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ Tư pháp cũng cho biết cần rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế. Qua đó, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế, cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế...

Nhiều chuyên gia đề nghị nên sớm sửa đổi các bất cập liên quan thuế thu nhập cá nhân.

Nỗi niềm xin trợ cấp thất nghiệpNỗi niềm xin trợ cấp thất nghiệp

TTO - Sáng sớm đầu tuần, khoảng sân chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp TP Thủ Đức (TP.HCM) đông người đến làm thủ tục. Họ lặng lẽ cầm trên tay mẫu đơn đề nghị lãnh trợ cấp với gương mặt âu lo, mong đợi.

Xem thêm: mth.43471549021603202-peihgn-taht-pac-ort-naohk-euht-uht-nen-oc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Có nên thu thuế khoản trợ cấp thất nghiệp?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools