Bến cảng tại nơi đây đang có nhiều lợi thế để trở thành cửa ngõ thông thương với các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam.
Theo tờ China Daily (Trung Quốc), trong bối cảnh nhiều cảng tại Trung Quốc cũng như quốc tế phải đối mặt với áp lực khi lưu lượng container giảm, nhà điều hành Cảng Vịnh Bắc Bộ ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, cho biết cảng này đang đi ngược xu hướng sau khi chứng kiến lưu lượng container tăng trong những tháng đầu năm 2023.
Theo thông tin mới nhất được công bố bởi Beibu Gulf Port Group - nhà điều hành Cảng Vịnh Bắc Bộ, lưu lượng container của cảng trong tháng 1/2023 đạt mức 558.100 TEU, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn này cho biết, với những tiến bộ trong các tuyến vận chuyển đường bộ - đường biển mới ở các khu vực phía tây của Trung Quốc, cũng như thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cảng đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung ứng ở phía tây Trung Quốc.
Cảng Vịnh Bắc Bộ hiện đã mở 75 tuyến vận chuyển container, trong đó 34 tuyến vận chuyển đến Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia... Kim ngạch xuất nhập khẩu từ Quảng Tây sang các nước ASEAN là điểm sáng về ngoại thương của Trung Quốc.
Hành lang vận tải đường bộ-đường biển nối từ Vịnh Bắc Bộ tới châu Âu
Theo Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG), Bến cảng container tự động Khâm Châu thuộc Cảng Vịnh Bắc Bộ, tọa lạc tại thành phố Khâm Châu có bố cục hình chữ "U", là bến cảng tự động hoàn toàn hình chữ “U” đầu tiên trên thế giới, bến cảng container đầu tiên của Trung Quốc kết hợp vận tải đường biển và đường sắt.
Phía sau bãi tập kết cảng biển là nhà ga đường sắt trung tâm, các container có thể được chuyển một cách hiệu quả thông qua thiết bị tự động hóa của nhà ga, góp phần kết nối liền mạch việc "xuống xe và lên tàu biển, xuống tàu biển và lên tàu hỏa".
Hiện tại, có 48 tuyến vận tải container cập cảng Khâm Châu, bao gồm 25 tuyến thương mại quốc tế (3 tuyến đường biển) và 23 tuyến thương mại nội địa Trung Quốc, về cơ bản đã bao phủ đầy đủ các cảng lớn của Trung Quốc, cũng như các cảng lớn ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á, đồng thời vươn xa hơn hơn 200 cảng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Theo báo cáo của Công ty TNHH tập đoàn Cục Nam Ninh thuộc Đường sắt Trung Quốc, tuyến Hành lang thương mại đường bộ - đường biển quốc tế mới miền Tây Trung Quốc giúp các mặt hàng từ khu vực phía Tây nước này "ra biển" một cách thuận tiện hơn, trong khi hàng hóa nhập cảng qua đường biển cũng nhanh chóng hơn.
Công ty kỳ vọng xây dựng tuyến vận tải này trở thành con đường thương mại quốc tế trên bộ và trên biển ngắn nhất, cung cấp dịch vụ và giá cả tốt nhất nhằm kết nối giữa ASEAN với Trung Quốc.
Theo báo cáo, tuyến vận tải kết hợp đường biển-đường sắt này giúp bình quân thời gian vận chuyển hàng hóa từ cảng Khâm Châu đến nhà ga Đoàn Kết Thôn ở thành phố Trùng Khánh ít hơn 41 giờ so với tàu hàng thông thường. Trong khi đó, hàng hóa từ Trùng Khánh vận chuyển tới cảng Khâm Châu theo tuyến đường trên tiết kiệm đến 10 ngày so với việc di chuyển qua khu vực miền đông Trung Quốc, giúp giảm đáng kể giá thành vận tải.
Đặc biệt, các cảng đường sắt quốc tế ở Trùng Khánh hay thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), đã được Trung Quốc quy hoạch như các đầu mối vận chuyện hàng hóa thẳng tới châu Âu thông qua tuyến vận tải Hành lang phía Tây của Đường sắt quốc tế Trung-Âu.
Vào hôm 21/3, một đoàn tàu chở đầy ô tô và các sản phẩm điện tử đã khởi hành từ ga Đoàn Kết Thôn đến thành phố Duisburg, miền tây nước Đức.
Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng sang châu Âu còn khoảng 15 ngày, thay vì 36 ngày nếu đi đường biển qua các cảng ở Thượng Hải và Quảng Châu .
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác truyền thông “Đối tác ASEAN” 2023 do CMG và chính quyền Quảng Tây đồng tổ chức từ ngày 6-9/6 vừa qua, phóng viên 8 nước ASEAN đã có cơ hội đi tham quan Bến cảng container tự động Khâm Châu.
Đại diện Bến cảng container tự động Khâm Châu giới thiệu với các đại diện truyền thông ASEAN: "Chúng tôi cam kết xây dựng một bến container 'thông minh, hiệu quả, xanh và thuận tiện' ở Vịnh Bắc Bộ, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình bến cảng này tại các nơi khác."
Cũng theo người này, so với bến cảng truyền thống do con người vận hành, hiệu quả hoạt động của Bến cảng container tự động Khâm Châu cao hơn khoảng 30%; số lượng nhân viên giảm 90%; giảm lượng khí thải carbon khoảng 1,3 triệu kg/năm.
Shaznina Mardhiyah - phóng viên kênh Awani (Malaysia) - sau khi trải nghiệm quy trình vận hành nền tảng trong trung tâm vận hành thông minh của Bến cảng container tự động Khâm Châu cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đến Trung Quốc và thấy một cảng công nghệ cao như vậy. Tôi rất ngạc nhiên.”
Theo CMG, Quảng Tây là biên giới và cũng là cửa ngõ để Trung Quốc mở cửa và hợp tác với ASEAN, đồng thời đang đẩy nhanh việc thiết lập một kênh thương mại quốc tế trên biển và đất liền với thời gian ngắn nhất, dịch vụ tốt nhất, hiệu quả cao nhất và giá tốt nhất giữa Trung Quốc và ASEAN.
Năm 2022, thương mại và đầu tư giữa hai bên vẫn tăng trưởng dù trong điều kiện không thuận lợi, tỉ trọng thương mại Trung Quốc - ASEAN trong tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc tăng lên, hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai toàn diện, góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi nền kinh tế.
Ông Châu Quý An - Trợ lý Tổng giám đốc Bến cảng Khâm Châu - cho biết: "Việt Nam, Singapore, Malaysia là những đối tác thương mại lớn và ngày càng phát triển mạnh, chúng tôi ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ, nhất là tối ưu hóa vận chuyển đường sắt kết hợp với đường biển để giảm mạnh giá thành vận chuyển."
Theo Nhật báo Quảng Tây, trong 6 năm qua, lưu lượng container vận chuyển qua tuyến đường liên vận bằng đường biển và đường bộ quốc tế mới đã duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh lên tới 223 lần, từ 3.382 TEU vào năm 2017 lên 756.000 TEU vào năm 2022.
Đại dự án kênh đào chục tỷ USD
Theo tờ China Daily, một công trình xây dựng kênh đào mới mang tên Bình Lục, với tổng kinh phí ước tính khoảng 72,7 tỉ nhân dân tệ (10,3 tỉ USD), kết nối thành phố Nam Ninh - thủ phủ của Quảng Tây - với Vịnh Bắc Bộ, đã được khởi công xây dựng từ ngày 22/5.
Kênh đào Bình Lục, có tổng chiều dài 134,2 km, bắt đầu từ hồ chứa Tây Tân ở thành phố Hoành Châu và kết thúc tại trấn Lục Ốc của huyện Linh Sơn thuộc thành phố Khâm Châu - nơi tàu thuyền có thể đến Vịnh Bắc Bộ qua sông Tần.
Theo tờ Nikkei Asia, các quan chức Trung Quốc ước tính, để xây dựng kênh đào Bình Lục sẽ phải đào khoảng 340 triệu mét khối đất đá, gấp 3 lần khối lượng đất đá được đào để xây dựng đập Tam Hiệp - nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới .
Giới quan sát cho rằng, dự án kênh đào Bình Lục nêu bật sự chuyển trọng tâm của Bắc Kinh sang tăng cường kết nối hàng hải cho "Sáng kiến Vành đai, Con đường".
Dương Giang - một chuyên gia về chính trị và kinh tế Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch - nhận định: "Điều đó khá mới mẻ."
Theo tờ Nikkei Asia, các quan chức Trung Quốc cho biết, kênh đào Bình Lục là dự án thúc đẩy thương mại vốn đã phát triển của Trung Quốc với các nước ASEAN, tất cả nằm trong khuôn khổ thương mại tự do của RCEP.
Các quan chức Trung Quốc cũng khẳng định, kênh đào Bình Lục hứa hẹn sẽ giúp nước này gặt hái được nhiều lợi ích hơn nữa từ RCEP. Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với thương mại hai chiều tăng 52% từ năm 2019 đến năm 2022 - vượt xa mức tăng 20% với Liên minh châu Âu (EU).