Chuyển hướng
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng quyết định cho phép Công ty cổ phần Kim Long Nam chuyển mục đích sử dụng đất đối với các lô đất xây condotel CT1, CT2, CT3, CT7 tại Dự án Đà Nẵng Times Square. Đây là 4 tòa tháp dự án condotel quy mô lớn tại khu vực biển Mỹ Khê.
Theo đó, chủ đầu tư được chuyển mục đích sử dụng đất đối với 3.988 m2 đất thương mại dịch vụ của 4 lô đất trên để sử dụng vào mục đích đất ở đô thị, dùng xây chung cư.
Đây là dự án condotel tiếp theo được Đà Nẵng đồng ý chuyển đổi từ condotel thành căn hộ chung cư. Trước đó, vào tháng 2/2020, UBND Thành phố cũng ban hành Thông báo số 09/TB-UBND truyền đạt ý kiến kết luận của lãnh đạo UBND Thành phố, thống nhất theo đề xuất của Sở Xây dựng liên quan đến việc chuyển đổi công năng Dự án Tổ hợp Vincom Riverview Complex (phía Đông Nam cầu Sông Hàn, quận Sơn Trà) từ condotel sang chung cư. Dự án này đi vào hoạt động từ năm 2018 với 864 căn condotel, sau đó chủ đầu tư kiến nghị Thành phố cho phép chuyển đổi công năng.
Động thái này của chính quyền TP. Đà Nẵng được xem như “tháo nút thắt” cho các dự án condotel, phân khúc được đầu tư rầm rộ trong giai đoạn trước, nhưng bị đóng băng liên quan đến vấn đề pháp lý.
Hàng loạt chính sách vĩ mô vừa được Chính phủ ban hành, cộng hưởng với sự hồi phục ấn tượng của thị trường du lịch đã thắp lên hy vọng cho phân khúc condotel khởi sắc.
Trong 2 năm (2016 - 2017), Sở Xây dựng Đà Nẵng đã cấp phép 6 dự án xây dựng condotel với 7.590 căn hộ. Riêng tại Dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay) do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô đầu tư được cấp phép xây dựng 1.969 căn condotel. Trong quá trình triển khai, dự án này gặp rất nhiều khó khăn, khi chưa có quy định pháp luật cụ thể về loại hình đầu tư condotel.
Việc chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư tại Dự án Cocobay được thực hiện vào tháng 2/2019, khi Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết TL 1:500 phân khu quy hoạch số 1 - Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire, có nội dung liên quan đến việc chuyển đổi condotel (không hình thành đơn vị ở) thành căn hộ chung cư (hình thành đơn vị ở). Theo đó, chuyển đổi 1.016 căn condotel trong tổng số 1.856 căn tại các công trình đang xây dựng là tòa nhà Cổ Cò 1, Cổ Cò 2, Cổ Cò 3 thành căn hộ chung cư. Chuyển đổi 554 căn condotel trong tổng số 1.657 căn tại công trình chưa xây dựng tại Tòa nhà Cocobay Tower thành căn hộ chung cư. Chuyển đổi các công trình condotel cao tầng chưa xây dựng tại các cụm HH4, HH6, HH7 thành căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề.
Đà Nẵng là một trong những địa phương phát triển loại hình condotel sớm nhất, vì thế nhiều chủ đầu tư dự án phải đối mặt hàng loạt khó khăn. Việc chuyển hướng từ condotel thành căn hộ chung cư là lựa chọn an toàn cho nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh pháp lý cho condotel vẫn chưa rõ ràng.
“Về kinh doanh thì căn hộ chung cư ở lâu dài sẽ tốt hơn, khi khách hàng có xu hướng lựa chọn căn hộ chung cư. Trong khi đó, việc quản lý, vận hành condotel cũng chưa rõ ràng. Vì thế, các chủ đầu tư sẽ lựa chọn giải pháp chuyển thành căn hộ chung cư”, một chủ đầu tư nhận định.
Thắp lên hy vọng
Theo báo cáo của Tập đoàn Dịch vụ bất động sản DKRA (DKRA Group), cũng như các phân khúc khác, condotel tại Đà Nẵng tiếp tục trầm lắng. Trong quý I/2023, không ghi nhận nguồn cung mới mở bán, hầu hết nguồn cung thị trường hiện nay đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án đã mở bán trước đó. Lũy kế đến hết quý I/2023 có 669 căn condotel tồn kho. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Thanh khoản sơ cấp trầm lắng do hầu hết các dự án đã đóng giỏ hàng.
Bức tranh về phân khúc condotel tại Đà Nẵng và vùng phụ cận còn nhiều gam trầm. Tuy nhiên, hàng loạt chính sách vĩ mô mới được Chính phủ ban hành, cộng hưởng với sự hồi phục ấn tượng của thị trường du lịch đã thắp lên hy vọng cho phân khúc này.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, sự quan tâm của giới đầu tư đối với bất động sản nghỉ dưỡng nói chung, condotel nói riêng vẫn cao, bởi rõ ràng, đây là phân khúc quan trọng của kinh tế du lịch, ngành mũi nhọn của Việt Nam. Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành du lịch đang phục hồi, bất động sản du lịch khi đó sẽ hái ra tiền.
Theo ông Đính, sở hữu hàng loạt tiềm năng phát triển du lịch, miền Trung có nhiều lợi thế hình thành những khu du lịch đẳng cấp, thu hút du lịch hạng sang và chất lượng. Không riêng Đà Nẵng, mà các địa phương khác, từ Quảng Bình, Quảng Nam đến Phú Yên, Khánh Hòa đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Sự phát triển của du lịch, thu hút khách quốc tế sẽ tạo được động lực cho bất động sản khu vực này, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng.
“Chính phủ đã tháo gỡ các điểm nghẽn cho bất động sản, khi bơm tiền vào thị trường, giảm lãi suất. Chính phủ cũng tháo gỡ khó khăn trong vướng mắc pháp lý như ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP quy định cấp giấy chứng nhận cho condotel đủ điều kiện, cùng nhiều chỉ đạo quyết liệt khác. Đây là những tín hiệu tích cực đối với thị trường. Tuy nhiên, các chính sách chưa thể phát huy tác dụng ngay trong một sớm một chiều, mà cần phải có thời gian. Trong tương lai gần, chắc chắn phân khúc condotel sẽ hồi phục, dự kiến là cuối năm 2023”, ông Đính tin tưởng.
baodautu.vn
Xem thêm: lmth.837323tsop-gnan-ad-iat-letodnoc-cuhk-nahp-ohc-nah-iaig/nv.naohkgnuhchnahnnit.www