Nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, Trung Quốc đang cân nhắc một gói kích thích nền kinh tế bao gồm cách biện pháp hỗ trợ trên quy mô lớn, trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng với nước này khi thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo Bloomberg, các đề xuất về gói kích thích, được soạn thảo bởi nhiều cơ quan chính phủ, bao gồm ít nhất 10 biện pháp được đưa ra nhằm hỗ trợ các lĩnh vực như bất động sản và nhu cầu trong nước.
Nguồn tin giấu tên cũng cho biết thêm, việc hạ lãi suất cũng nằm trong số biện pháp đang được xem xét. Theo đó, nhà đầu tư đang cho rằng NHTW Trung Quốc sẽ sớm hạ lãi suất dài hạn, sau khi bất ngờ hạ lãi suất đối với hợp đồng repo 7 ngày.
Một phần quan trọng trong gói kích thích được đề xuất có liên quan đến việc thúc đẩy thị trường bất động sản. Nguồn tin tiết lộ, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang tìm cách hạ chi phí đối với các khoản thế chấp mua nhà chưa được thanh toán và tăng cường hoạt động cho vay lại (relending) thông qua các ngân hàng chính sách của nước này để đảm bảo nhà được bàn giao đúng hạn.
Hiện tại, kế hoạch về gói kích thích vẫn chưa được hoàn thiện và có thể còn thay đổi, nguồn tin cho biết. Ngoài ra, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc có thể thảo luận về các chính sách này vào thứ Sáu, nhưng chưa rõ khi nào được công bố chính thức và thực hiện.
Dù nhà đầu tư có thể hứng khỏi với những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy nền kinh tế, song phần lớn vẫn phụ thuộc vào quy mô và chi tiết của gói kích thích. Thị trường cho đến nay vẫn chưa đưa ra phản ứng trước động thái hạ lãi suất đối với hợp đồng repo. Điều này càng nhấn mạnh sự hoài nghi về việc vực dậy một nền kinh tế vốn chịu áp lực từ những khoản nợ khổng lồ, nhu cầu suy yếu và niềm tin doanh nghiệp sụt giảm, người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu.
Những lo ngại về vấn đề tài chính, đặc biệt là ở chính quyền các địa phương và nhà phát triển bất động sản, cũng khiến các nhà hoach định chính sách thận trọng khi thảo luận về các gói kích thích quy mô lớn như trong các đợt suy thoái trước đây.
Cho đến nay, PBOC và cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tương đối thận trọng là khoảng 5% trong năm nay, song hoạt động sản xuất sụt giảm trong thời gian gần đây phần nào gây khó khăn cho mục tiêu đó.
Những dấu hiệu của sự suy yếu này cũng xuất hiện trong thị trường bất động sản tưởng chừng đang hồi phục yếu ớt, bất chấp kế hoạch giải cứu vào tháng 11. Dù các chính sách mới có thể giúp lĩnh vực này không đột ngột sụp đổ, nhưng cũng chưa thể thúc đẩy các khoản vay hay hoạt động mua bán nhà sôi nổi trở lại trong thời gian sớm.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự đoán thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ trì trệ trong nhiều năm. Họ cho biết các nhà hoạch định chính sách dường như chỉ muốn sử dụng bất động sản làm công cụ kích thích trong ngắn hạn và muốn giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào ngành này.
Báo cáo của Goldman cũng nêu thêm, Bắc Kinh có thể nới lỏng điều kiện tín dụng cho những người mua nhà mới và muốn nâng cấp nhà, cắt giảm thêm lãi suất thế chấp và lãi suất thanh toán trước, đồng thời tiếp tục nới lỏng hạn chế mua nhà.
Tuần trước, Thống đốc PBOC Yi Gang phát tín hiệu sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Ông cũng cam kết sẽ “nỗ lực hết sức để hỗ trợ nền kinh tế thực” khi nhu cầu hồi phục chậm so với cung.
Doanh số bán nhà của lĩnh vực bất động sản đã sụt giảm sau đợt hồi phục ngắn vào đầu năm nay, Các nhà phân tích của Nomura cho biết, những khó khăn đang lan rộng từ các nhà phát triển tư nhân sang cả doanh nghiệp nhà nước, từ thành phố nhỏ hơn đến cả các thành phố lớn nhất, nơi thị trường thứ cấp đang chứng kiến quá nhiều người bán dù doanh số sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, theo Bloomberg Economics, các nhà phát triển đang “ôm” khoản nợ tương đương khoảng 12% GDP của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Và việc ngành này tiếp tục lao dốc là yếu tố chính ảnh hưởng đến TTCK trong năm nay.
Tham khảo Bloomberg