Meta, công ty mẹ Facebook, đang phải đối mặt với 4 khiếu nại mới từ châu Âu, cáo buộc rằng thuật toán công ty sử dụng để nhắm mục tiêu người dùng là phân biệt đối xử, theo CNN.
Cáo buộc dựa trên nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Global Witness, cho rằng nền tảng quảng cáo của Facebook thường xuyên nhắm mục tiêu người dùng dựa trên định kiến về giới tính. Chẳng hạn, quảng cáo việc làm cho các vị trí thợ cơ khí sẽ được hiển thị chủ yếu tới người dùng nam, trong khi quảng cáo liên quan đến giáo viên mầm non chủ yếu được hiển thị tới người dùng nữ. Sự thiên vị thuật toán này theo đó được coi là một vấn đề mang tính toàn cầu.
“Facebook đang làm trầm trọng thêm những định kiến xã hội. Điều này ảnh hưởng đến sự tiến bộ và công bằng nơi làm việc”, Naomi Hirst, người đứng đầu chiến dịch của Global Witness, nói với CNN.
Hiện các nhóm vận động đang kêu gọi giới chức điều tra xem liệu các hoạt động của Meta có vi phạm luật bảo vệ dữ liệu hoặc nhân quyền quốc gia hay không. Nếu đúng là như vậy, Meta có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt hoặc áp lực thay đổi cách tiếp cận của sản phẩm.
Trước đó, Global Witness cũng đã đệ đơn khiếu nại lên Văn phòng Ủy ban Thông tin và Ủy ban Nhân quyền - Bình đẳng Vương quốc Anh về những lo ngại trong phân biệt đối xử tương tự. Thời điểm đó, đại diện Meta khẳng định “hệ thống của họ xem xét nhiều loại thông tin khác nhau, sau đó phân phối quảng cáo tới những người quan tâm chúng nhất”.
Trước đó, Meta cũng bị Tổ chức Vận tải đường bộ dành cho Phụ nữ Real Women in Trucking cáo buộc phân biệt đối xử dựa trên độ tuổi và giới tính. Người phát ngôn của Meta, Ashley Settle, cho biết công ty “áp dụng một số các hạn chế khi nhắm mục tiêu quảng cáo, song vẫn vô cùng minh bạch”.
“Chúng tôi không cho phép các nhà quảng cáo nhắm mục tiêu quảng cáo dựa trên giới tính”, Settle nói trong tuyên bố. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để có thể giúp thuật toán trở nên công bằng”.
Nhiều năm qua, Facebook đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến phân biệt đối xử. Vào năm 2019, nền tảng này cam kết sẽ thực hiện một số thay đổi nhằm ngăn chặn việc phân phối quảng cáo không công bằng, song nghiên cứu mới đây cho thấy, nỗ lực đó đang bị phá hủy bởi chính thuật toán Facebook.
Do vậy, người dùng có thể đã bị bỏ lỡ vô số cơ hội việc làm chỉ vì giới tính của mình. Họ quan ngại rằng điều này có thể làm trầm trọng thêm vấn nạn bất bình đẳng giới cũng như chênh lệch về lương.
Với hơn 2 tỷ người dùng hoạt động mỗi ngày trên khắp thế giới, Facebook hỗ trợ người dùng rất nhiều trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm. Mô hình kinh doanh dựa trên thuật toán nhắm quảng cáo đến những người được cho là có nhiều khả năng nhấp vào nhất.
Pat de Brún, đại diện Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết ông không hề ngạc nhiên trước những phát hiện của Global Witness. “Nghiên cứu chỉ ra cách các thuật toán Facebook tạo ra sự bất bình đẳng sâu sắc. Những gì chúng ta thấy chỉ là sự khuếch đại khía cạnh tồi tệ nhất của xã hội”.
Để dẫn chứng cho lá đơn khiếu nại, Global Witness đã chạy một loạt quảng cáo việc làm ở Pháp và Hà Lan trong khoảng thời gian 2 ngày. Quảng cáo được liên kết với loạt bài đăng thực tế trên các trang web tìm kiếm việc làm, từ giáo viên mầm non, nhà tâm lý học, phi công đến thợ cơ khí và Global Witness nhắm mục tiêu quảng cáo đến mọi người dùng Facebook trưởng thành.
Kết quả, ở Pháp, 93% người dùng xem các quảng cáo về giáo viên mầm non và 86% người dùng xem quảng cáo về tâm lý học là phụ nữ. Các công việc liên quan đến cơ khí chỉ thu hút 6% người dùng là nữ giới.
Ở Hà Lan, 85% người dùng xem quảng cáo về việc làm giáo viên mầm non và 96% người dùng xem quảng cáo về lễ tân là phụ nữ. Các công việc liên quan đến cơ khí chỉ thu hút 4% người dùng là nữ giới. Thử nghiệm tại Vương quốc Anh cũng cho kết quả tương tự.
Trong một số trường hợp, mức độ nhấp vào quảng cáo nhắm mục tiêu sẽ khác nhau tùy theo từng quốc gia. Ví dụ ở Ấn Độ, chỉ 39% người dùng xem quảng cáo việc làm tâm lý học là phụ nữ, trong khi ở châu Âu và Nam Phi, tỷ lệ này sẽ cao hơn nhiều.
“Facebook là nền tảng truyền thông quan trọng đối với phần lớn thế giới. Họ nên đảm bảo việc phân biệt đối xử không xảy ra, dù cố ý hay không”, đại diện Global Witness nói.
Do không có nhiều thông tin công khai về cách thức hoạt động của thuật toán Facebook, các khiếu nại thừa nhận nguyên nhân sự bất bình đẳng giới không thực sự rõ ràng. Chỉ biết trong một bài đăng hồi năm 2020, Facebook thừa nhận quảng cáo sẽ hiển thị tới người dùng dựa trên nhiều yếu tố.
Từ tháng 11/2016 đến tháng 9/2018, Facebook đã phải đối mặt với 5 vụ kiện và cáo buộc phân biệt đối xử, cho rằng công ty này đã loại trừ một số người dùng nhất định khỏi việc xem quảng cáo dựa trên độ tuổi, giới tính hoặc chủng tộc.
Sau loạt chỉ trích, cuộc điều tra ProPublica hồi năm 2018 còn cho thấy Facebook đang tạo điều kiện cho những quảng cáo phân biệt đối xử và cho phép các nhà tuyển dụng sử dụng nền tảng của mình để nhắm mục tiêu người dùng dựa trên giới tính.
Tháng 3/2019, Facebook đồng ý trả gần 5 triệu USD để giải quyết các vụ kiện. Phía công ty cũng cho biết sẽ ra mắt một cổng quảng cáo khác cung cấp ít các tùy chọn nhắm mục tiêu hơn.
“Có một lịch sử lâu dài về sự phân biệt đối xử và điều này không nên xảy ra đối với quảng cáo trên Facebook”, cựu COO Facebook khi đó là bà Sheryl Sandberg cho biết.
Tháng 6/2022, Meta nhất trí thay đổi công nghệ nhắm mục tiêu quảng cáo, đồng thời đồng ý chi trả 115.000 USD giải quyết cáo buộc xoay quanh việc gã khổng lồ truyền thông xã hội này phân biệt đối xử với các đối tượng xem quảng cáo.
Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Meta sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đảm bảo quảng cáo kết hợp với nhân khẩu học có thể tiếp cận mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay chủng tộc.
Theo: CNN, Bloomberg