Theo báo Nikkei, NATO sẽ sử dụng văn phòng liên lạc nói trên làm trung tâm hợp tác với Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Hồi tháng 5, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Tomita tiết lộ liên minh quân sự NATO lên kế hoạch lập văn phòng đại diện ở Tokyo, cơ sở đầu tiên của liên minh này ở châu Á, nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc tham vấn trong khu vực.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phản đối kế hoạch này.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc cũng phản đối kế hoạch trên. Bắc Kinh nói rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương không hoan nghênh cái gọi là "đối đầu nhóm", đồng thời thúc giục Nhật Bản "thận trọng thêm về vấn đề an ninh quân sự".
Theo Nikkei, liên minh quân sự NATO sẽ tăng cường quan hệ với bốn đối tác lớn (Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc) ở Thái Bình Dương.
Họ sẽ chuẩn bị các tài liệu hợp tác song phương với mỗi đối tác, để dùng làm cơ sở hợp tác về các vấn đề như an ninh mạng và không gian.
Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cam kết với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio về việc tăng cường quan hệ giữa hai bên khi đối mặt với các thách thức an ninh "lịch sử".
Cam kết được đưa ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn và sức mạnh quân sự Trung Quốc ngày càng tăng.
Tháng trước, Thủ tướng Kishida tuyên bố Nhật Bản không có kế hoạch trở thành thành viên NATO, mặc dù truyền thông thời điểm đó đưa tin ông Kishida lên kế hoạch dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào tháng 7-2023.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên giữ giới hạn ở Bắc Đại Tây Dương, thay vì hiện diện thường trực tại châu Á.