Ngày 13-6, Tuổi Trẻ đã có mặt tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình - một trong những nhà máy thủy điện lớn vẫn được duy trì vận hành, trong khi nhiều hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã phải tạm dừng hoạt động.
Từ trên bến phà thủy điện Hòa Bình - nơi nhìn ra các cửa đập ngăn dòng, ông Phạm Văn Vương - giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình - chỉ cho chúng tôi cột nước trên thân đập, với mực nước hồ khoảng 102m, chỉ còn cách mực nước chết 22m.
Lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình rất thấp, chỉ khoảng 40m3/s, mức không đáng kể mặc dù những ngày qua có mưa. Vì vậy, theo ông Vương, tình hình "chưa có gì cải thiện" và có thể sẽ tiếp tục khô hạn những ngày tới, gây áp lực rất lớn cho vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Nguồn nước về thấp cũng khiến thủy điện Hòa Bình chỉ phát được 3,5 tỉ kWh, bằng 37% kế hoạch năm (9,8 tỉ kWh) trong năm nay.
Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp điện thường xuyên, liên tục cho hệ thống, Nhà máy thủy điện Hòa Bình còn có vai trò điều tần, điều áp, đảm bảo chất lượng điện năng. Vì vậy, khi các nhà máy thủy điện lớn khác như Sơn La, Lai Châu... phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động, thủy điện Hòa Bình có vai trò "gánh" cho cả hệ thống.
Bởi vậy, việc huy động nguồn của nhà máy được thực hiện linh hoạt, khi cao điểm sẽ huy động tối đa hết công suất, nhưng khi thấp điểm có thể giảm về mức bằng 0.
"Trường hợp phát tối đa liên tục, chỉ 12-13 ngày hồ thủy điện sẽ về mực nước chết. Dù việc thường xuyên thay đổi chế độ khởi động, dừng sẽ không tốt cho tổ máy, nên nhiệm vụ của chúng tôi là không để xảy ra hư hỏng nào và việc cấp nước cho hạ du vẫn phải đảm bảo" - ông Vương nói.
Theo Bộ Công Thương, tổng lưu lượng nước về các hồ thủy điện lớn miền Bắc ngày 12-6 tăng 28% so với ngày trước đó, chủ yếu về các hồ Hòa Bình và Lai Châu. Hầu hết các nhà máy thủy điện lớn đều đã được hạn chế huy động, ngoại trừ Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Lượng công suất chưa thể huy động được từ các nhà máy thủy điện vẫn ở mức 5.000 MW. Ngày 12-6, công suất nguồn lớn nhất tại miền Bắc đạt 18.580 MW, trong đó thủy điện chỉ phát được 3.800 MW.
Nguồn điện than, điện khí vẫn gặp khó
Ngày 13-6, EVN đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đề nghị xem xét tăng cường cung cấp đủ khí cho sản xuất điện theo nhu cầu của các nhà máy khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ trong các tháng cao điểm mùa khô.
Trong đó, đề nghị PVN đẩy nhanh tiến độ ký hợp đồng cấp khí Nam Côn Sơn cho nhà máy tuốc bin khí Phú Mỹ, đảm bảo cấp khí liên tục. PVN cũng cần có phương án chuẩn bị đầy đủ than, dầu, khí cho các nhà máy điện trực thuộc để đáp ứng nhu cầu huy động, sớm khắc phục sự cố tổ máy S1 của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng để đưa vào vận hành trong tháng 6-2023.
Trước đó, ngày 12-6, có nhiều nhà máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc bị giảm công suất (Hải Phòng, Quảng Ninh, Mông Dương 1, Cẩm Phả, Thái Bình 2, Sơn Động). Đặc biệt, nguồn cấp than cho điện vẫn gặp nhiều khó khăn mặc dù các đơn vị cấp than trong nước đã tăng khối lượng cấp theo yêu cầu.
Thêm 540 MW từ điện tái tạo
Ngày 13-6, EVN cho biết có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Trong đó có 10 dự án và phần dự án với tổng công suất gần 540 MW được phát điện lên lưới. Riêng ngày 11-6, sản lượng điện phát của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp là hơn 3,2 triệu kWh, chiếm 0,43% sản lượng điện toàn hệ thống.
Đến nay đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.790 MW gửi hồ sơ cho EVN để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Có 59 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo quy định, EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 55/59 dự án.
Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt giá tạm cho 43 dự án. EVN cho hay vẫn còn 17 dự án với tổng công suất 943 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
N.HIỂN
Không ít người mừng vì mưa nhiều nơi ở phía Bắc, nhưng lưu lượng nước về các hồ thủy điện vẫn ở mức thấp. 2/3 thủy điện lớn nhất Việt Nam vẫn phải dừng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng.