Ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, cho biết hiện 9/10 gói thầu đã thi công hoặc tập kết thiết bị, máy móc, thi công đóng cọc bê tông, giải ngân vốn năm 2023 đạt 203/1.650 tỉ đồng (hơn 12%). Hiện dự án đang gặp một số vướng mắc về mặt bằng bị tái lấn chiếm, thủ tục pháp lý bãi tiếp nhận bùn đất từ nạo vét, rác thải sinh hoạt và công nghiệp tràn ra khu vực thi công… Nếu các vướng mắc này được giải quyết, chủ đầu tư sẽ đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án hoàn thành dịp 30.4.2025.
Tại buổi làm việc, nhiều vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng được các sở, địa phương cam kết tháo gỡ, xác định lộ trình giải quyết dứt điểm. Ông Nguyễn Văn Nên lưu ý dự án có quy mô lớn, đi qua nhiều địa bàn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nên công tác phối hợp rất quan trọng. Để đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư cần linh hoạt phương án thi công, tận dụng thời gian thi công vào ban đêm đối với những hạng mục ít tác động đến giấc ngủ của người dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị tập trung nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy hoạch các cây cầu dân sinh hiện hữu, tổ chức giao thông hợp lý, thuận tiện cho người dân đi lại. Việc di dời các công trình hạ tầng như đường ống cấp nước, lưới điện, viễn thông phải đảm bảo an toàn. Ông Nên đề nghị chính quyền địa phương phối hợp chủ đầu tư vận động người dân, doanh nghiệp có công trình tái lấn chiếm bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công. Đặc biệt, việc tổ chức thi công dự án phải đảm bảo an toàn, chất lượng, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, tăng cường giám sát của MTTQ VN và các đoàn thể.