TPHCM sẽ định vị lại thương hiệu du lịch y tế với 3 dịch vụ gồm khám sức khỏe tổng quát, khám sức khỏe tầm soát bệnh lý và thực hiện kỹ thuật chuyên sâu, y học cổ truyền.
Bệnh nhân người Australia đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Ảnh: Thành Sơn |
Các sản phẩm du lịch y tế của thành phố tập trung hướng vào du khách đến từ các nước ASEAN và đang mở rộng thêm dòng khách từ Đông Bắc Á, châu Âu…, đặc biệt là về điều trị hiếm muộn.
Thông tin trên được bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM - chia sẻ tại buổi công bố tái khởi động các sản phẩm du lịch TPHCM năm 2023 tổ chức sáng 13/6.
Theo bà, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe và y tế của thành phố có nhiều tiềm năng phát triển nhanh dựa trên hệ thống cơ sở vật chất hiện đại với 131 bệnh viện (công lập, tư nhân và bệnh viện thuộc các bộ ngành). Bên cạnh đó là đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, chi phí khám chữa bệnh hợp lý.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó tổng giám đốc Công ty Vietravel - cho biết: sau đại dịch COVID-19, sản phẩm du lịch TPHCM có nhiều thay đổi, tập trung nhiều ở nhóm y tế, các sản phẩm trải nghiệm chậm… Các công ty lữ hành tập trung tư vấn cho khách về chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Hiện Vietravel đang phối hợp với ngành du lịch, các bệnh viện lớn của thành phố giới thiệu khách trong nước trải nghiệm nhiều sản phẩm, dịch vụ y tế; thiết kế các gói sản phẩm để chào mời khách hàng quốc tế, nhất là thị trường Đông Nam Á. Ví dụ gói du lịch kết hợp thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc nâng cao, các sản phẩm khám răng, hàm, mặt…
Theo bác sĩ Trương Vĩnh Long - Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 - những năm gần đây, lượng bệnh nhân, Việt kiều, khách nước ngoài đến TPHCM khám chữa bệnh tăng lên rất nhanh. Đó là cơ sở để thành phố có thể đầu tư, phát triển mạnh hơn nữa du lịch y tế.
Bác sĩ Hồng Công Danh - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - thông tin: khi thực hiện phối hợp giữa y tế và du lịch, bệnh viện sẽ có sự sắp xếp, tạo điều kiện cho khách theo hướng thăm khám du lịch. Cụ thể, với điều trị hiếm muộn, bệnh nhân có thể đến lấy mẫu buổi sáng, sau đó tham quan, trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại thành phố, đến chiều sẽ quay lại bệnh viện khi đã có kết quả xét nghiệm. Các bác sĩ sẽ khám và tư vấn cho khách ngay trong ngày. Các quy trình điều trị cũng được thiết kế rút ngắn lại để sau 15 ngày là có thể tiến hành điều trị.
“Khi tham gia vào các sản phẩm du lịch kết hợp y tế, các đơn vị lữ hành sẽ cung cấp trước số lượng đoàn khách, từ đó bệnh viện sẽ có kế hoạch chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân sự, dịch vụ cận lâm sàng giúp cho du khách đến khám” - bác sĩ Hồng Công Danh nói thêm.
Đại diện các bệnh viện tại TPHCM cho biết khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất, hạ tầng hạn chế. Hiện các bệnh viện thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải dù chỉ mới phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh thông thường. Do đó, để phát triển thêm mảng du lịch y tế, các bệnh viện phải tính toán mở rộng khu điều trị; phân luồng, lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị tổ chức để đưa khách đến thuận lợi và nhanh chóng.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.4104941a-hcil-ud-caht-iahk-iv-hnid-mchpt-coud-et-y-uv-hcid-mohn/nv.moc.enilnounuhp.www