Ngày 14-6, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức diễn đàn “Thương mại xanh - Thách thức và Triển vọng phát triển của doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, tất cả các ngành hàng trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày…đang chuyển đổi xanh để có giấy thông hành vào thị trường các nước.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) mới được nói đến hai năm nhưng đã trở thành xu thế phát triển của thời đại.
Theo ông Hoan, gần đây TP.HCM tiếp rất nhiều đoàn khách quốc tế, kể cả các DN đang muốn đầu tư vào TP đặt vấn đề về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh …Những DN đã đầu tư vào Thành phố từ lâu nay cũng hỏi có cách nào để sử dụng năng lượng tái tạo không.
Nếu không đáp ứng được các tiêu chí xanh, những DN đã đầu tư không thể mở rộng, đầu tư mới sẽ không đến. Do trong yếu tố cấu thành sản phẩm nếu không đạt những tiêu chí xanh hàng hóa sẽ không thể xuất khẩu vào các thị trường Châu Âu, Mỹ…DN không thể tồn tại, phát triển được.
“Chuyển đổi xanh là vấn đề rất cấp bách. Chúng ta phải hành động nhanh, không chờ đến 2050 (theo cam kết của Chính phủ Việt Nam giảm phát thải bằng 0) mà bây giờ chúng ta đã đứng trước nguy cơ tụt hậu, thu hút đầu tư nước ngoài bị sụt giảm.
Sản xuất hàng hóa của DN sẽ không đưa ra thị trường thế giới được mà chúng ta loay hoay thị trường trong nước thì không thể hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới”-ông Hoan nói.
Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh của người dân tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất xanh. ẢNH:M.TRANG |
Theo ông Hoan, khái niệm xanh hiện nay mang tính hệ thống hoàn thiện ở tất cả các khâu từ sản xuất phân phối và quay trở lại sản xuất. Do đó, cần nâng cao nhận thức của NTD, DN sản xuất và cả xã hội. Khi NTD đưa ra nhu cầu sản phẩm xanh chính là tạo cho DN có động lực đầu tư sản xuất xanh.
Để có được sản phẩm xanh cần một hệ sinh thái từ nguyên liệu xanh, tài chính xanh, năng lượng xanh, nguồn nhân lực xanh đặc biệt là hệ thống chính sách, hành lang pháp lý.
Vì vậy, diễn đàn giúp cho nhà quản trị nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy nền kinh tế kiểu cũ chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới, đồng thời giúp thành phố tìm kiếm được những mô hình phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Những mô hình này có thể trong tiêu dùng, phân phối, sản xuất, tài chính. Qua đó, giúp chính quyền TP tìm cách xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển xanh.
Cần có đề án cụ thể phát triển kinh tế xanh cho TP.HCM
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết quá trình chuyển đổi xanh trong DN vẫn còn nhiều thách thức về tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của nhà nước.
Do đó, nhà nước cần tiếp tục cập nhật khung pháp luật, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển kinh tế xanh. Song song đó, cần mô hình thí điểm, vai trò dẫn dắt của DN đầu ngành cùng phối hợp với nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, cần có đề án cụ thể cho TP.HCM áp dụng theo hướng mở, có lộ trình từng bước.