Năm 2023 đánh dấu chặng đường 16 năm chương trình "Ước mơ của Thúy" đi cùng các bệnh nhi ung thư trong nỗ lực chiến đấu với bệnh hiểm nghèo, để viết tiếp hai chữ "sự sống".
Trên chặng đường ấy, biết bao tấm lòng mạnh thường quân, tình nguyện viên, văn nghệ sĩ… khắp mọi miền đất nước đã cùng tiếp sức cho "những đóa hướng dương" nghị lực.
Chương trình Ước mơ của Thúy được báo Tuổi Trẻ thành lập vào tháng 9-2007 từ ước nguyện của Công dân trẻ TP.HCM Lê Thanh Thúy - bệnh nhân ung thư xương, nhằm chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhi ung thư.
Trong năm 2023, chương trình tiếp tục hỗ trợ 172 bệnh nhi ung thư tại 10 bệnh viện ở TP.HCM, Huế, Đà Nẵng và Hà Nội, tổng kinh phí hơn 1,8 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của bạn đọc Tuổi Trẻ. Trước đó, tính đến tháng 4-2022, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập, chương trình Ước mơ của Thúy đã tiếp nhận và hỗ trợ hơn 49,5 tỉ đồng cho bệnh nhi ung thư.
Ở hoạt động Tiếp sức hoa mặt trời, mỗi phần quà trị giá từ 3 - 50 triệu đồng tùy trường hợp, dành cho bệnh nhi ung thư đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một phần chi phí điều trị, hoặc để lắp tay, chân giả cho những bệnh nhi bị tháo khớp.
Chương trình cũng tiếp tục hỗ trợ chi phí, miễn phí các Chuyến xe không mong đợi để đưa bệnh nhi không may mắn trước cuộc chiến với bệnh ung thư trở về quê nhà.
Ngày hội Hoa hướng dương Vì bệnh nhi ung thư đã được tổ chức 12 lần tại TP.HCM nhân kỷ niệm ngày mất của "Đóa hướng dương" Lê Thanh Thúy và thành lập chương trình Ước mơ của Thúy.
Quy tụ hơn 60.000 lượt người đến tham dự ngày hội nhằm chia sẻ tình yêu thương của cộng đồng dành cho bệnh nhi ung thư. Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên Ngày hội hoa hướng dương phải tạm dừng. Năm 2022, chương trình đã tổ chức lại giải chạy Đường đua hoa mặt trời.
Trong năm 2022, 2023, Chương trình Ước mơ của Thúy còn nhận được sự tham gia nhiệt tình của nhiều nghệ sĩ như Kim Cương, Lệ Thủy, Quyền Linh, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Hạnh Thúy, Ngọc Trinh, Tiến Luật - Thu Trang, Quốc Thuận, vợ chồng nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - MC Hồng Phượng, Hoàng Vân Anh, Hòa Hiệp…
Hành trình 16 năm đi cùng Ước mơ của Thúy có sự tiếp sức rất lớn từ các y bác sĩ và tình nguyện viên - Những trái tim "từ mẫu".
Chị Trần Cao Thanh Bình, trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng - một người đồng hành với "Ước mơ của Thúy" từ những ngày đầu chương trình đến với bệnh viện, cho hay: "Đối với người bệnh ung thư, thời gian điều trị rất lâu. Gánh nặng, sức ép dường như tăng gấp đôi vì các con còn nhỏ, luôn phải có cha mẹ, ông bà theo kèm suốt quá trình nằm viện. Với cha mẹ còn đè nặng sức ép về tài chính, căng thẳng về tinh thần".
Và nói như điều dưỡng Trần Thị Bích Hường, khoa Nội 3 Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thì "nỗi đau của bệnh nhi ung thư là nỗi đau "kép". Sau 1-2 năm điều trị, gia đình nào cũng rơi vào tình cảnh đi vay mượn để cho con nằm viện. Có nhà có tới hai con mang bệnh hiểm nghèo rất đáng thương".
Chính vì vậy, sự có mặt Chương trình Ước mơ của Thúy qua hoạt động Tiếp sức hoa mặt trời đã góp thêm những "chiếc phao cứu sinh" cho bao gia đình đang khánh kiệt.
Tham gia với Ước mơ của Thúy nhiều năm, bác sĩ Phạm Hoàng Duy Phúc (khoa Nhi, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) cảm nhận: "Bên cạnh những món quà vật chất, Ước mơ của Thúy cũng đã mang đến một niềm vui tinh thần to lớn là những hoạt động vui chơi - mà theo nhận xét của bác sĩ Phạm Hoàng Duy Phúc là "liều thuốc cho tinh thần" các em trong thời gian chống chọi với cơn đau mỗi lần vô thuốc. Bình thường nhiều em đến bệnh viện vô thuốc rồi về, mà hầu hết không đứa nào chịu vô thuốc vì rất đau, cho nên chương trình vui chơi này giúp cho các bé phấn khởi hơn, tạm quên đi những cơn đau vì bệnh tật", bác sĩ Phúc chia sẻ.
Nói về những niềm vui được vun lên như thế, ThS.BS Huỳnh Minh Thu (phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết: "Với tư cách một bác sĩ điều trị, điều này mang lại sự truyền cảm hứng về tinh thần và khích lệ đối với nhân viên y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều trị tại bệnh viện".
Các tình nguyện viên ở nhiều độ tuổi cũng đã cùng nhau mang yêu thương đến cho các bệnh nhi qua những những món quà, các lớp học chữ, vẽ tranh…
Võ Hồng Phúc, tình nguyện viên chương trình Ước mơ của Thúy, trong bảy năm là tình nguyện viên chương trình Ước mơ của Thúy, cảm thấy mình như một một người thân của các bệnh nhi ung thư. "Có những bé điều trị rồi được trở về nhà, sau đó quay lại. Có những bé không có cơ may được tiếp tục sống. Mỗi lần gặp là mỗi câu chuyện, và việc đều đặn đến bệnh viện thăm nom, chơi đùa cùng các bé hàng tuần dần trở thành một thói quen của mình. Buổi đầu, mình nhìn nhận việc tình nguyện rất bình thường, nhưng rồi dần dà nhận ra đó là cái "duyên", điều đó đã giữ mình lại, thôi thúc mình lan tỏa giá trị đến cộng đồng, đến nhiều tình nguyện viên thế hệ tiếp nối".
Trong tháng 6 này, khi nhiều bạn nhỏ đang được cha mẹ đưa đi chơi hè, hoặc tự do khám phá thiên nhiên đất trời, thì ở những nơi này, các bệnh nhi vẫn phải truyền dịch, chọc tủy, vô thuốc… Vậy nhưng, những "chiến binh hoa mặt trời" ấy vẫn khao khát niềm vui. Và trên hết, các em khao khát được sống, được trở về nhà, được lớn lên trong vòng tay anh chị em, cha mẹ, ông bà.
Và có lẽ mùa hè vẫn sẽ đáng nhớ với các em khi đã có một ngày Tết thiếu nhi bỏ lại những cơn đau để ôm lấy những tiếng cười.
Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 vừa rồi, chương trình Ước mơ của Thúy đã đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) và Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2, TP.Thủ Đức) trao tiền, tặng quà cho các bệnh nhi ung thư.
Được cha mẹ dẫn đến chương trình, trên tay nhiều bé đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn còn keo dán kim tiêm truyền dịch, có bé do phải truyền hoá chất quá nhiều khiến làn da sạm đi.
Nhưng trong phút chốc, những cơn đau như tạm lắng, các bé hòa vào không khí sôi động, rực rỡ sắc màu ở khu vực quanh sân khấu. Tô điểm thêm cho ngày hội là ba ổ bánh sinh nhật thật to nằm cạnh sân khấu, gần đó là một số gian hàng, cùng những con thú nhồi bông đủ hình thù, quả bóng bay đầy màu sắc dành tặng các em nhỏ đang điều trị tại bệnh viện.
Tay cầm bóng bay và một chú vịt nhồi bông, được mẹ dẫn lên sân khấu nhận quà, bé Huỳnh Ngọc Nhân Nghĩa (sinh năm 2017, quê Gia Lai) cười tươi nhìn xung quanh. Chị Huỳnh Thị Sương (mẹ bé) cho biết Nghĩa được chẩn đoán ung thư máu từ đầu tháng 9 năm ngoái. Vợ chồng chị Sương có hai người con, Nghĩa là con thứ hai. Không có đất đai trồng trọt, chăn nuôi, vợ chồng chị thất nghiệp lâu nay, sống nhờ bạn bè, người thân hỗ trợ. Gia đình vốn khó khăn nay lại phải gắng gượng chạy chữa cho con.
Chị kể, Nghĩa rất ngoan, trừ những lúc vô thuốc đau đớn, còn bình thường con vẫn vui vẻ, hoạt bát. Ở khoa Ung bướu của bệnh viện có lớp học dành cho các bệnh nhi đang điều trị, mỗi tuần học hai buổi. "Lúc khoẻ, Nghĩa ham đi học lắm, còn mệt thì ở lại nằm truyền nước", chị Sương nói.
Cô bé Thạch Thị Thanh Trà (gần 4 tuổi, quê Trà Vinh) cũng mắc ung thư máu gần 2 năm nay. Trà khá gầy, nước da cũng sạm đi do truyền hoá chất nhiều. Chị Thạch Thị Hiên (32 tuổi, mẹ bé) cho biết từ ngày con bệnh, chị phải nghỉ làm để mỗi tháng đưa con lên Sài Gòn điều trị, còn chồng ở quê cũng làm thuê, nên kinh tế gia đình càng kiệt quệ.
Chị Hiên kể từ ngày con vô thuốc nhiều, hay mệt nên cáu gắt. "Nhiều lúc bé nó đau quá bỏ ăn, hoặc giận lên cắn mẹ thì mình cũng chỉ biết dỗ dành con thôi. Đau lòng lắm mà ráng gồng lên để con nhìn mình mà vượt qua", chị tâm sự. Nhận được tiền và quà hỗ trợ từ báo Tuổi Trẻ, chị chia sẻ: "Tui rất vui. Số tiền này có thể giúp gia đình trang trải phần nào để lo cho con những ngày sắp tới".
Và tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2, TP.Thủ Đức), những người thực hiện chương trình Ước mơ của Thúy cũng không ngăn được sự xúc động trước bao phận đời "mang vác" bệnh án ung thư.
Bồng con gái Tạ Ngọc Ánh Thư, chị Ngọc Linh (quê Tiền Giang) kể bé Thư bị u thận di căn phổi một năm nay. Mới ba tuổi nhưng Thư đã phải cắt bỏ thận trái. Mỗi tháng, chị đưa con lên thành phố vô thuốc một tuần theo lịch hẹn của bác sĩ. Bé Thư khá lanh lợi, cô bé líu lo suốt, còn nhiệt tình giơ hai ngón tay lên tạo dáng khi thấy ống kính máy ảnh hướng tới. "Dạ con vui lắm. Con cảm ơn cô!", bé Thư ngoan ngoãn trả lời khi được hỏi chuyện.
Cậu bé Trần Doãn Bách (6 tuổi, quê Hà Nam) bị phát hiện mắc ung thư hạch khoảng hai tháng nay. Đau lòng hơn, người chị ruột 10 tuổi của em cũng bị căn bệnh này kèm u não gần một năm nay, hiện đã di căn và đang điều trị ở Hà Nội. Vài hôm nữa, cô bé sẽ được chuyển vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để người mẹ tiện chăm sóc cho hai con.
Kể với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Chiên (mẹ hai bé) cho biết cảnh nhà vốn khó khăn, chồng chị ở quê không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy nên được bao nhiêu đều đổ dồn lo cho bệnh của hai con, chẳng bao giờ đủ. "Vô trường hợp như nhà chúng tôi thì không còn học cách chấp nhận nữa mà phải chấp nhận thực tế", chị nói.
Nhận được 30 triệu đồng hỗ trợ từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ, chị Chiên xúc động: "Tôi thay mặt các con cảm ơn các nhà hảo tâm và quý báo đã chia sẻ với gia đình số tiền này. Đây là món quà lớn đối với gia đình tôi".
Cậu bé 6 tuổi Doãn Bách tuy chưa hiểu về bệnh của mình song những lúc khoẻ, Bách thường nói ra những câu xé ruột người làm cha mẹ. "Cháu nó nói mai mốt con lớn lên con học làm bác sĩ con chữa bệnh cho chị và mọi người", chị Chiên nghẹn ngào nhìn cậu con trai đang mếu máo vì mệt...
Cuộc hành trình được đan kết bằng những trái tim mang tên Ước mơ của Thúy mong sẽ góp thêm thật nhiều nắng ấm, đi cùng những đóa hoa nghị lực trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.