Có 90 bảng mã VietQR được lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở Công Thương, báo Tuổi Trẻ, NAPAS cùng ban quản lý chợ trao tận tay cho tiểu thương chợ Bến Thành. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của "Ngày không tiền mặt" do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Đến nay có 42 ngân hàng liên kết với NAPAS để thực hiện chuyển tiền nhanh 24/7, trong đó có những ngân hàng điển hình như Vietcombank, ACB, HDBank, Techcombank, MBBank, BIDV, VPBank, Agribank, SHB...
Thuận tiện, nhanh chóng và giảm rủi ro
Ngoài 90 bảng mã VietQR, theo kế hoạch, hơn 1.400 sạp hàng còn lại tại khu chợ sầm uất này cũng được trao các mã thanh toán không tiền mặt. Trên bảng thông tin thanh toán không tiền mặt, ngoài mã QR để khách quét và thanh toán, còn hiển thị tên nhà hàng/quán ăn, tên chủ tài khoản và số tài khoản nhận tiền, tên ngân hàng... Nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành hào hứng cho biết với bảng thông tin chứa mã VietQR sẽ thuận tiện cho khách thanh toán không tiền mặt khi mua hàng tại các quầy, sạp.
Buôn bán hơn 20 năm tại chợ Bến Thành, anh Nguyễn Thanh Hưng (cửa hàng Ngọc Hoa 1A và 2A tại cổng Nam) cho biết những năm gần đây rất nhiều khách hàng có nhu cầu thanh toán không tiền mặt. Do đó cửa hàng đã lắp máy POS cho khách cà thẻ. Việc được tặng mã QR để khách hàng đưa điện thoại lên quét mã và trả tiền không chỉ giúp giao dịch được diễn ra nhanh chóng, mà còn hạn chế được nhiều rủi ro. "Bớt lo bị mất tiền bạc, tiền giả. Vậy tốt lắm rồi", anh Hưng chia sẻ.
Ông Đinh Quang Tuân, tiểu thương có thâm niên 18 năm kinh doanh đồng hồ và mắt kính tại chợ Bến Thành, cho biết rất vui bởi với tiện ích mới sẽ tạo thuận lợi hơn cho khách hàng trong quá trình thanh toán mua hàng. Theo ông Tuân, khách thường hỏi có thanh toán online hay quẹt thẻ không. Tuy nhiên, việc thanh toán trước đây chủ yếu là… đọc số tài khoản hoặc mã QR của ngân hàng để cho khách chuyển khoản, tốn thời gian.
Do vậy, theo ông Tuân, khi nghe thông tin đăng ký mã thanh toán QR cho tiểu thương, ông Tuân tiên phong đăng ký. Bởi khi khách chuyển khoản khỏi thối tiền tới lui, tiểu thương cũng bớt lo cầm tiền mặt sợ bị mất. "Giờ khách chỉ cần dùng thẻ, có điện thoại thông minh quẹt mã, chưa đầy 3 giây là xong. Khỏe re. Xu hướng bây giờ là thanh toán quẹt, lướt rồi", ông Tuân nói.
Cùng ngày, hơn 200 hàng quán, cửa hiệu trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) cũng được nhận mã thanh toán không tiền mặt. Anh Dương Thanh Khoa - quản lý nhà hàng King BBQ - cho biết khách đến ăn uống có xu hướng thanh toán quẹt thẻ, chuyển khoản ngày càng nhiều. Lượng khách đến ăn đồ nướng tại nhà hàng có đến 80% là sử dụng thanh toán không tiền mặt.
Dù vậy, với anh Khoa, các mã QR thanh toán để trên bàn đã quá quen thuộc nhưng lần trao tặng mã QR có sự khác biệt hơn. Đó là mã VietQR thanh toán sẽ không mất phí, khách sử dụng bất kể ngân hàng nào có kết nối Internet banking đều xử lý nhanh chóng.
"Ra ủy ban không đem tiền mặt"
Tại văn phòng một cửa ở UBND quận Phú Nhuận vào chiều 14-6, chị Nguyễn Ngọc Thu Ngân cầm một xấp giấy tờ đất đai chờ đến số thứ tự để làm việc với cán bộ văn phòng đất đai.
Chị Ngân cho biết thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như mua đồ ăn, cà phê, quần áo... Dù không thường xuyên đi làm giấy tờ nhưng chị Ngân đánh giá xu hướng không tiền mặt ở dịch vụ công được người dân hưởng ứng khá nhiều.
Ngay tại bàn làm việc, bảng mã thanh toán QR được cán bộ quận hướng dẫn quét mã, thanh toán dịch vụ mà không cần phải dùng tiền mặt được người dân hưởng ứng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Huy - chuyên viên Phòng tài chính quận Phú Nhuận - cho biết có nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ công như công chứng, nộp thuế... sử dụng thanh toán không tiền mặt ngày càng nhiều.
"Người dân không cần phải mang theo tiền mặt, mất công cất giữ mà quẹt mã QR qua điện thoại thông minh là thanh toán ngay số tiền chỉ trong vài giây. Quận cũng đã triển khai biên lai điện tử. Khi người dân thanh toán là sẽ có biên lai gửi qua Zalo. Đến cuối tháng, quận thống kê trên phần mềm, trích xuất thông tin nhanh chóng thay vì phải đếm biên lai giấy như trước đây" - ông Huy nói.
Trực tiếp chia sẻ với bà con đang thực hiện dịch vụ công, ông Đỗ Đăng Ái, phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, cho hay thanh toán không tiền mặt đang lan tỏa đến đời sống hằng ngày của người dân. Trong thời gian vừa qua, giao dịch trực tuyến tại quận Phú Nhuận đạt 60%, thanh toán không tiền mặt khoảng 50%.
"Các hồ sơ người dân mang tới làm trực tiếp đều được hướng dẫn quét mã QR để thanh toán không tiền mặt. Bởi thanh toán không tiền mặt cán bộ khỏi tốn công đối soát tiền, người dân thuận lợi hơn khi quét mã, thanh toán an toàn, tiết kiệm khi đến giao dịch dịch vụ công" - ông Ái nói.
Theo ông Nguyễn Đức Lai, chủ tịch UBND phường 9, có 128 thủ tục hành chính đang thực hiện tại phường, trong đó có 31 thủ tục hành chính có thể thanh toán phí, lệ phí trực tuyến qua cổng dịch vụ công hoặc quét mã QR, được áp dụng từ ngày 1-6-2022 đến nay. Tuy nhiên, tỉ lệ thu phí, lệ phí qua quét mã QR chiếm đến 85%, trực tuyến dịch vụ công 10%, và tiền mặt chỉ chiếm 5%.
"Theo định hướng, mục tiêu đề ra của quận và với nhiều giải pháp được áp dụng, tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trong thời gian tới sẽ tăng mạnh. Mục tiêu của phường là cuối năm 2023 thanh toán không tiền mặt sẽ chiếm trên dưới 80% trong hoạt động thu phí, lệ phí", ông Lai thông tin.
Nhân rộng thanh toán ở các chợ
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Duy An - phó chủ tịch UBND quận 1 - khi chia sẻ việc chọn chợ Bến Thành là điểm phát động để du khách thanh toán không tiền mặt tại chợ, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Theo ông An, việc này cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm chi phí về nhân sự, tài chính... Không dừng lại ở chợ Bến Thành, ông An cho biết sẽ nhân rộng mô hình này ở nhiều chợ khác. "Như vậy, người dân tới quận 1 vui chơi, mua sắm một cách an toàn. Việc không dùng tiền mặt không phải là xu thế nữa mà là giải pháp trong quá trình chuyển đổi số" - ông An nói.
Hàng loạt nhà hàng, quán ăn ở 'phố ẩm thực' Phan Xích Long (Phú Nhuận) vừa được tặng mã áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt hiện đại, tiện lợi.