Luồng và hướng tuyến nạo vét luồng tàu phục vụ du lịch tại đầm Thị Nại.
Thông tin từ UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký quyết định phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia đăng ký thực hiện Dự án Nạo vét luồng tàu phục vụ du lịch đầm Thị Nại (theo hình thức xã hội hóa).
Theo đó, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Bờ Biển Vàng và Công ty cổ phần Thị Nại Eco Bay (địa chỉ của liên danh tại đường Nguyễn Diêu, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án.
UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ trình quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nhà đầu tư lập thủ tục đánh giá tác động môi trường và tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (nếu có).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 64,7 tỷ đồng (kinh phí nhà đầu tư); tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2023.
Về quy mô, Dự án có tổng chiều dài luồng tàu cần nạo vét là 13,5 km, bề rộng đáy luồng dự kiến 30 m, cao độ đáy luồng -2,7 m. Trong đó, tuyến 1 phía Đông đầm Thị Nại đến bến tàu Nhơn Hội có chiều dài 6,1 km, khối lượng phải nạo vét khoảng 126.000 m3 (bùn đen), lắp đặt 50 phao tín hiệu; tuyến 2 bao quanh bên ngoài cồn Chim có chiều dài 7,4 km (hiện nay chưa có luồng), khối lượng nạo vét khoảng 213.000 m3 (170.400 m3 cát nhiễm mặn, 42.600 m3 bùn đen), lắp đặt 60 phao tín hiệu.
Theo UBND tỉnh Bình Định, phương pháp nạo vét luồng tàu tại đầm Thị Nại là các đoạn không gần công trình, nhà dân, hồ nuôi tôm, cá thì dùng phương pháp tàu hút kết hợp với xà lan; các đoạn còn lại dùng phương pháp máy đào gàu sấp kết hợp xà lan.
Để xử lý sản phẩm nạo vét (bùn đen lẫn cát), UBND tỉnh Bình Định quy định, chủ đầu tư tổ chức nạo vét tạo luồng và tận dụng sản phẩm nạo vét để san lấp mặt bằng các dự án đầu tư đã được cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, chủ đầu tư chủ động mặt bằng để chứa (lưu trữ) sản phẩm nạo vét trong trường hợp chưa san lấp kịp thời vào khu vực san nền tại các dự án đầu tư; trường hợp phát sinh tận dụng khối lượng nạo vét còn thừa vào mục đích khác cần báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Khối lượng nạo vét là 339 nghìn m3, được UBND tỉnh Bình Định tính kinh phí là 45 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 132.000 đồng/ m3 cát và bùn). Khối lượng tập kết khi nạo vét 277.869 m3 gồm 138.197 m3 bùn và 139.672 m3 cát nhiễm mặn.
Dự án Nạo vét luồng tàu phục vụ du lịch đầm Thị Nại được thực hiện tại khu vực đầm Thị Nại, thuộc địa phận của TP. Quy Nhơn và huyện Tuy Phước; với mục tiêu là khôi phục và mở rộng tuyến giao thông thuỷ trên đầm Thị Nại phục vụ cho tàu có chiều dài nhỏ hơn hoặc bằng 15 m (tàu khách sức chở tối đa 35 người, lưu thông trong điều kiện mực nước trong đầm ở mức trung bình thấp).
Được biết, vào ngày 26/2/2023, lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng với các chuyên gia và đơn vị hàng không trong nước đã có chuyến khảo sát để thành lập một số tour, tuyến, điểm du lịch mới tại đầm Thị Nại.
Bình Định đang khai phá tiềm năng du lịch sinh thái đầm Thị Nại. Trong ảnh: Một góc đầm Thị Nại. Ảnh: Dũng Nhân. |
Tại buổi khảo sát, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, trước mắt, tỉnh sẽ thực hiện việc khơi thông 1 số luồng tuyến để kết nối du lịch TP Quy Nhơn với đầm Thị Nại, ưu tiên tuyến du lịch đường thủy. Tiếp đến, khi có quy hoạch tổng thể, tỉnh Bình Định sẽ đầu tư, phát triển các điểm du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch mới ven đầm Thị Nại.
Tỉnh Bình Định cũng đang dành gần 400 ha đầm Thị Nại để phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp công viên rừng mặn.