Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ưu tiên kiến tạo môi trường thuận lợi để người học tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Sáng 14-6, trong tọa đàm "Xây dựng mô hình Đại học Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo" tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, GS Nguyễn Hữu Đức - nguyên phó giám đốc ĐHQG Hà Nội nhận định trong 20 năm qua, mối quan tâm của thế giới không còn chỉ là tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, mà là tỉ lệ "sinh viên khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công".
Cũng theo GS. TS. Nguyễn Hữu Đức, thế giới đang tiếp cận "đại học thế hệ thứ 3" - khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trực tiếp khai phá tri thức, biến giá trị nằm trên giấy thành của cải vật chất và tạo xúc tác cho nền kinh tế của các quốc gia, và "đây cũng là con đường tất yếu cho các đại học tự chủ ở Việt Nam".
Dựa vào đánh giá của hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM do GS Đức đồng sáng lập, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang triển khai theo đúng tiếp cận đó.
Tạo giá trị cho trường và đóng góp cho xã hội
"Một trường đại học không có năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì giáo dục đại học và khoa học công nghệ không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa
tri thức và gia tăng giá trị cho mình; hơn thế nữa là nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển", GS Đức khẳng định.
Cuộc thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo 2023
Ba thế hệ đại học của nhân loại lần lượt đi từ "khai phóng", sang "sáng tạo tri thức", đến "khai phá tri thức". Ở thế hệ thứ 3, ví dụ như Học viện Massachusetts (MIT) của Hoa Kỳ, đại học Cambridge của Anh, nhà trường không những trực tiếp hiện thực hóa và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu mà còn tạo ra các trung tâm đổi mới sáng tạo (innovation hub) với hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh rất mạnh.
Đối với MIT, tỉ lệ sinh viên khởi nghiệp rất cao. Nếu tính riêng các doanh nghiệp khởi nghiệp của cựu sinh viên MIT, đóng góp vào GDP cũng đã bằng một quốc gia khác. Ông Nguyễn Hữu Đức giải thích: "Đại học có thể "tự nuôi" bản thân, GDP của một quốc gia cũng tăng trưởng theo".
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo
Theo tiếp cận của hệ thống xếp hạng đối sánh UPM, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đạt mức 5 sao theo định hướng ứng dụng. Trong đó, "Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo" được tuyên bố trong sứ mạng và tầm nhìn. "Kỹ năng khởi nghiệp và năng lực số" được xác định trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, sinh viên không chỉ được đào tạo để "cầm bằng đại học", mà còn để hình thành niềm đam mê và năng lực khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, nhà trường đã triển khai giảng dạy học phần Khởi nghiệp và học phần đổi mới sáng tạo đối với tất cả chương trình đào tạo bậc đại học.
Từ năm 2016, trường thành lập Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp (NIIC). Các sản phẩm khoa học công nghệ đầu tiên đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao. Một số ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên đã được hỗ trợ hiện thực hoá. Ngoài ra, trường cũng quan tâm đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
TS Trần Ái Cầm - hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
TS Trần Ái Cầm, hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: "Trong thời gian tới, trường sẽ thí điểm đưa môn học Năng lực số và đổi mới sáng tạo mở vào giảng dạy ở bậc đại học, tương lai sẽ là bậc cao học". Nhà trường cũng thường xuyên đón nhận góp ý của các doanh nhân và chuyên gia để hoàn thiện đề cương môn học.
Đặc biệt, nhà trường đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, bao gồm 3 dự án: Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, Trung tâm đào tạo Công nghệ cao và Công viên Thiên niên kỷ tại Khu công nghệ cao TP.HCM.