Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM đã "mổ xẻ" các vấn đề về từ thiện, thiện nguyện khi đề xuất "hệ sinh thái thiện nguyện tại Việt Nam hướng đến văn hóa thiện nguyện trưởng thành", trong hội thảo xoay quanh chủ đề "Buen Vivir: A Compass for Social Work in Asia Context" (tạm dịch "Sống tử tế: Kim chỉ nam trong công tác xã hội ở châu Á") do Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn tổ chức vào ngày 30.3, tại Trường đại học Hoa Sen, TP.HCM.
Lòng tốt thôi, chưa đủ
Đề cập một số trường hợp nhận đóng góp từ thiện vào tài khoản cá nhân, bà Tôn Nữ Thị Ninh bày tỏ: "Có một nhà sản xuất phim nói rằng: "Người ta đóng góp qua tôi thì tôi không có trách nhiệm giải trình gì cả, đó là quyền của tôi". Bản thân tôi rất buồn khi nghe những điều như vậy. Rồi có cậu thanh niên xây trường được người ta đóng góp ào ào, nhưng nếu tôi gặp cậu thì tôi nói cái đó mới nửa chừng từ thiện và thiện nguyện, tại sao? Phân tích ra cũng do không có trách nhiệm giải trình".
Bà Ninh tiếp tục nêu quan điểm: "Nhận đóng góp vào tài khoản cá nhân là điều tối kỵ. Cậu xây trường là việc trong sáng nhưng thiếu nguyên tắc giải trình, nguyên tắc tài chính minh bạch. Chúng ta phải hiểu nếu tiếp tục nhận tiền tỉ tỉ trong tài khoản cá nhân thì sẽ có ngày gặp rắc rối". Cho nên, phải đi tìm một đơn vị sẵn sàng mở tài khoản chuyên nhận đóng góp và minh bạch".
Bà Ninh so sánh: "Khi chúng ta còn rất nghèo thì không thành vấn đề lắm, vì có gì để giám sát đâu. Bây giờ khi những hòm công đức tính bằng tỉ tỉ đồng thì rõ ràng đây trở thành vấn đề không phải chỉ của bất cứ tôn giáo nào, mà trách nhiệm giải trình thuộc về tất cả các chủ thể của hệ sinh thái thiện nguyện, từ ngoại đạo cho đến trong đạo, của nhà nước hay của tư nhân, doanh nhân... đều phải tuân thủ nguyên tắc như nhau".
Theo bà Ninh, từ thiện rất phổ biến trong xã hội ta, từ thiện nằm trong và ở vị thế thấp hơn thiện nguyện. Bà cảm thấy "hơi đáng tiếc" nếu những người làm từ thiện nghĩ rằng như thế đã ổn rồi, không cần gì cao xa hơn.
"Trong hệ sinh thái, những người vươn lên làm thiện nguyện một cách bài bản và hiệu quả, đúng nguyên tắc của quốc tế thì trong đối thoại, kết nối với các cá nhân làm từ thiện phải khuyến khích người ta trưởng thành lên thành thiện nguyện. Không thể chỉ lấy lòng tốt làm tự vệ, vì lòng tốt có thể bị lợi dụng, không phải cái đó đảm bảo mình sẽ không bao giờ bị vấp ngã, thậm chí là mang tiếng", bà Ninh nói.
Liên quan đến vấn đề thiện nguyện và tài khoản nhận đóng góp, cũng tại hội thảo trên, diễn giả Phạm Trường Sơn, Giám đốc Quỹ Tình Thân đã chia sẻ "Kinh nghiệm thực chiến trong nỗ lực hợp tác đa bên giúp đối tượng yếu thế vượt qua đại dịch Covid-19" (với 2 giai đoạn gồm cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi).
Ông Sơn đúc kết: "Trong công tác xã hội, chúng ta phải hỗ trợ đúng nhu cầu và trao quyền dành cho cộng đồng. Câu hỏi đặt ra: Tất cả tiền hỗ trợ lúc đó có qua tài khoản cá nhân không? Rất may mắn, số tiền đóng góp đó được chúng tôi bỏ vào tài khoản rất minh bạch của một doanh nghiệp xã hội khác. Và doanh nghiệp xã hội này chuyển tiền cho chúng tôi hoặc ký hợp đồng trực tiếp với nơi cung cấp thực phẩm, nơi cung cấp ô xy, thuốc men... để chúng tôi hỗ trợ người yếu thế".
Công tác xã hội là một ngành nghề dựa trên thực tiễn và là một ngành học thuật nhằm thúc đẩy sự thay đổi và phát triển xã hội, gắn kết xã hội, trao quyền và giải phóng con người.
Các nguyên tắc về công bằng xã hội, nhân quyền, trách nhiệm tập thể và tôn trọng sự đa dạng là trọng tâm của công tác xã hội.
Được củng cố bởi các học thuyết về công tác xã hội, khoa học xã hội, nhân văn và kiến thức bản địa, ngành công tác xã hội thúc đẩy sự tham gia của mọi người và các cấu trúc xã hội nhằm giải quyết các thách thức trong cuộc sống và nâng cao phúc lợi.
Để có hệ sinh thái thiện nguyện tốt đẹp
Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh không ai chối cãi là người Việt vô cùng tốt bụng, thân thiện, dễ bỏ qua, không hận thù...
Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng chỉ đem lòng tốt của mình tác động lên xã hội là xã hội trở nên công bằng hơn, đáng sống hơn, hạnh phúc hơn thì không đúng.
Theo bà, Việt Nam thực sự có tiềm năng để xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện tốt đẹp. Điều đó đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, có mục tiêu trung và dài hạn, có những đầu tàu kéo con thuyền thiện nguyện Việt Nam đi xa hơn.
"Phải có một số nguyên tắc, phương châm tương đối rắn rỏi về thiện nguyện để đảm bảo tính hiệu quả, tính minh bạch, giải trình, đảm bảo sự tử tế. Khi đó, chữ tử tế không phải là cá nhân tốt bụng mà phải tử tế từ trong tư duy đặt vấn đề cho đến kế hoạch vạch ra, trong cách triển khai và vận hành, hành vi của những chủ thể và những bên có quyền lợi, trách nhiệm trong hệ sinh thái thiện nguyện đó", bà Ninh nêu quan điểm.
"Chúng ta hãy tự đặt một bài toán khó và cao, có tham vọng để đưa hệ sinh thái thiện nguyện Việt Nam lên cao hơn, đó là cái cần thiết nếu muốn xã hội ta giàu hơn, mạnh khỏe hơn, hạnh phúc hơn, vững bền hơn", bà Ninh chia sẻ.
Bà Ninh cũng trăn trở: "Chúng ta có các loại diễn đàn, hội nghị hằng năm về kinh tế, tài chính đến môi trường… Thế thì tại sao chưa ai nghĩ đến thiện nguyện phải được công nhận là một lĩnh vực quan trọng không thể thiếu của phát triển bao trùm và bền vững, hạnh phúc?".
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó chủ nhiệm CLB Công tác xã hội TP.HCM hy vọng rằng từ hội thảo này, những người chưa rõ về công tác xã hội, nghĩ làm công tác xã hội là làm từ thiện ban phát sẽ có dịp hiểu đúng hơn về công tác xã hội.
Công tác xã hội có thể hiểu ngắn gọn là làm thiện nguyện có kế hoạch, có tổ chức, có minh bạch giải trình và có quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ.
Mục tiêu của công tác xã hội không chỉ dừng ở phần giúp người ta nhu cầu an toàn sinh tồn mà còn ở phần phát triển năng lực và củng cố nhân cách, sống tử tế...
Từ ngày 16 - 30.3, Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn (TP.HCM) đã tổ chức chuỗi tọa đàm xoay quanh chủ đề "Buen Vivir: A Compass for Social Work in Asia Context" (tạm dịch "Sống tử tế: Kim chỉ nam trong công tác xã hội ở châu Á").
Chương trình gồm 4 buổi online và 1 buổi trực tiếp, với các chia sẻ từ những diễn giả, chuyên gia đang công tác, nghiên cứu hay đã có kinh nghiệm thực chiến trong lĩnh vực công tác xã hội - phát triển xã hội tại một số nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chuỗi sự kiện này nhằm chào mừng ngày Quốc tế Công tác xã hội (19.3) và ngày Công tác xã hội Việt Nam (25.3), góp phần nâng cao nhận thức, lan tỏa ý nghĩa và giá trị của ngành công tác xã hội đến cộng đồng, đặc biệt đến giới trẻ nhằm phát triển ngành công tác xã hội tại Việt Nam.