Sở Công thương TP.HCM cho biết dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ đã được các sở ngành đặc biệt quan tâm, góp ý.
Cần đánh giá thật kỹ
UBND huyện Cần Giờ ủng hộ đề xuất của phía doanh nghiệp đề xuất làm dự án bởi năng lượng sạch là xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, dự kiến dự án này cách đất liền khoảng 55km, thuộc địa phận các tỉnh, thành như TP.HCM, Long An, Tiền Giang nên cần có ý kiến thẩm định của các địa phương.
Huyện Cần Giờ cũng đề nghị chủ đầu tư thực hiện đánh giá tác động đối với môi trường khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ; luồng tàu ra vào giữa các khu vực; an ninh, quốc phòng; vấn đề an sinh xã hội của ngư dân khi vùng biển bị thu hẹp.
Doanh nghiệp cần liên hệ Bộ Công thương, Bộ TN&MT đề nghị hướng dẫn các thủ tục tiếp theo cho dự án điện gió ngoài khơi ở Cần Giờ. Ảnh minh họa: PLO |
Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP cho rằng dự án này phù hợp với xu thế hiện nay của Việt Nam và thế giới về ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sở GTVT TP cho rằng đối với vị trí đề xuất xây dựng các trụ tuabin gió và hệ thống cáp ngầm ngoài khơi biển Cần Giờ, đề nghị Sở Công thương liên hệ Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải TP để có ý kiến.
Đối với vị trí xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi giai đoạn 2 tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Sở GTVT đề nghị lấy thêm ý kiến của KCN này.
Không thuộc phạm vi hành chính của TP.HCM
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP cho rằng khu vực đặt trạm trụ điện gió tại ngoài khơi căn cứ vào đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, sở này cho rằng khu vực này không thuộc phạm vi hành chính của TP.HCM quản lý.
Mặt khác, nhiều hạng mục công việc như đấu nối vào trạm biến áp 500kV Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào 500kV Đa Phước, hay đường dây 500kV đấu nối vào trạm 500kV dự kiến xây dựng mới... hiện chưa có quy hoạch.
Đặc biệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng lưu ý chủ đầu tư cần nêu rõ thông tin dự án nhằm tránh trùng lắp giữa các dự án và đánh giá tác động dự án đề xuất đến định hướng phát triển khu đô thị du lịch biển tại vị trí này.
Sở TN&MT TP cho rằng hành lang an toàn công trình điện gió cần trình bày cơ sở để áp dụng tính toán diện tích theo giai đoạn 2031-2025 và 2036-2040.
Đồng thời, doanh nghiệp cần trình bày ảnh hưởng của các tuabin gió đến cảnh quan môi trường biển, tác động đến tầm nhìn về không gian biển, hoạt động đánh bắt thủy sản và sinh kế của người dân.
Sở KH&ĐT TP cho rằng dự án không có cơ sở để đánh giá về các nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nêu trên. Trong trường hợp dự án được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và có đầy đủ các thông tin liên quan đến địa điểm đầu tư dự án, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu hình thức, phương án tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, dự án này chưa có trong quy hoạch điện quốc gia. Vì vậy, cần báo cáo UBND TP để báo cáo Bộ Công thương xem xét lập quy hoạch điện VIII làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, Sở Công thương cho biết khu vực ranh giới nghiên cứu của dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ không nằm trong phạm vi vùng nước cảng biển thuộc địa phận TP.HCM.
Do đó, TP không có cơ sở pháp lý để đề nghị Bộ Công thương bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Vì vậy, Sở Công thương kiến nghị UBND TP đề nghị chủ đầu tư đề xuất dự án liên hệ Bộ Công thương, Bộ TN&MT để hướng dẫn các thủ tục tiếp theo.