Cổ phiếu Toyota Motor tuần này tăng 13% - mạnh nhất 3 năm sau khi hãng này công bố chi tiết kế hoạch bắt kịp các đối thủ trong cuộc đua xe điện toàn cầu. Không chỉ Toyota, cổ phiếu Tesla và nhiều hãng xe điện khác cũng đang trong xu hướng tăng.
Diễn biến này cho thấy chiến dịch quảng cáo xe điện đúng thời điểm có thể mang lại hiệu quả như thế nào cho Toyota. Tuy nhiên, trong Đại hội cổ đông hôm 14/6, tỷ lệ ủng hộ Chủ tịch Akio Toyoda tiếp tục tham gia HĐQT năm nay là 85%, giảm so với 96% năm ngoái và cũng là thấp nhất với ông kể từ năm 2013.
Các quỹ hưu trí lớn của Mỹ và nhà đầu tư châu Âu đã bỏ phiếu không tán thành Toyoda. Họ cho rằng hãng xe đang tụt lại so với các đối thủ vì cách tiếp cận của Toyoda. Đó là đưa ra cho khách hàng nhiều lựa chọn về xe xăng và xe lai xăng điện (hybrid), trong khi vẫn đầu tư vào xe điện, xe chạy hydro và các dạng nhiên liệu thay thế.
Toyoda năm nay 66 tuổi. Ông là người đã lèo lái công ty vượt qua Volkswagen để trở thành hãng xe lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ông bị chỉ trích vì cho rằng sự chuyển dịch sang xe điện sẽ mất nhiều thời gian hơn so với kỳ vọng của mọi người. Toyoda cho rằng ngành này chưa sẵn sàng chuyển dịch khi chưa có tài nguyên dồi dào và các nguồn năng lượng có thể giúp trung hòa khí thải.
Ông đã lãnh đạo công ty hơn một thập kỷ, vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, từ khủng hoảng tài chính 2009, đợt thu hồi hàng triệu xe Toyota trên toàn cầu đến thảm họa động đất - sóng thần năm 2011.
Tuy nhiên, cũng dưới thời Toyoda, hãng xe tỏ ra lưỡng lự trước làn sóng xe điện toàn cầu. Họ cho rằng công nghệ xe hybrid mà họ đi tiên phong phù hợp hơn với người dùng. Toyota cũng ca ngợi xe chạy nhiên liệu hydro là dòng xe của tương lai, làm dấy lên lo ngại họ bị bỏ lại phía sau khi xe điện ngày càng phổ biến. Các đối thủ như Tesla đang dần vượt lên cả về sự đột phá và giá cổ phiếu.
Việc này khiến Toyoda bị cả nhà đầu tư và nhà hoạt động môi trường chỉ trích. "Không phủ nhận Toyoda là một CEO giỏi. Nhưng toàn ngành ôtô cần sự thay đổi mang tính đột phá, và Toyota đang bị tụt lại phía sau, theo quan điểm của chúng tôi", Anders Schelde – CEO quỹ hưu trí Hđan Mạch AkademikerPension cho biết trên Reuters hồi tháng 1. Quỹ này đã liên tục thúc giục Toyota tăng tốc chuyển dịch sang xe điện.
Đầu năm nay, Toyoda từ chức CEO, chuyển giao cho Koji Sato – một lãnh đạo của Lexus (thương hiệu thuộc Toyota). Giới quan sát cho rằng Toyoda rời vị trí do áp lực xe điện.
Koji Endo – Giám đốc nghiên cứu cổ phiếu tại Công ty chứng khoán SBI cho rằng tỷ lệ ủng hộ Toyoda thấp cho thấy nhà đầu tư lo lắng về quản trị, chứ không phải chiến lược của hãng xe, do lợi nhuận và giá cổ phiếu vẫn tăng. Dù vậy, đây cũng là lời nhắc nhở về việc các cổ đông lớn có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
"Từ quan điểm của người Nhật Bản, việc quản trị không có vấn đề gì đặc biệt. Nhưng theo quan điểm của các nhà đầu tư tổ chức Mỹ và châu Âu là hãng xe đang thiếu minh bạch", ông nói.
Các cổ đông gồm quỹ hưu trí Đan Mạch AkademikerPension, công ty dịch vụ tài chính Na Uy Storebrand Asset Management, tập đoàn Hà Lan APG gần đây thúc giục Toyota cải thiện sự minh bạch của các nỗ lực vận động hành lang về xe điện, cấm xe xăng và các chính sách khí hậu khác. "Các cổ đông cũng muốn xem chiến lược xe điện chạy pin của Toyota sẽ thay đổi thế nào dưới thời Sato", Tatsuo Yoshida – nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết.
Cuối năm 2021, Toyota công bố cam kết chi 4.000 tỷ yen để tăng tốc chuyển dịch sang xe điện. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa làm hài lòng các cổ đông lớn.
Đầu nhiệm kỳ của Sato, cách thức giao tiếp bắt đầu thay đổi. Sato đề cập đến việc cần truyền thông tốt hơn chiến lược của Toyota.
Tuần trước, Toyota đã mời báo giới và nhà phân tích đến trung tâm nghiên cứu của họ gần núi Phú Sĩ để tham quan công cụ và công nghệ sẽ triển khai trong vài năm tới, nhằm tăng tốc sản xuất xe điện. Một ngày trước Đại hội cổ đông, Toyota công bố kế hoạch đầy tham vọng về pin thể rắn và các công nghệ khác nhằm cải thiện quãng đường và giảm chi phí cho xe điện trong tương lai.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi tăng trưởng bền vững như kỳ vọng của các cổ đông và lắng nghe những phê bình từ họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại mở với tất cả bên liên quan", một phát ngôn viên của Toyota cho biết trên Bloomberg.
Trong hội thảo hôm 13/6, Giám đốc Công nghệ Toyota Hiroki Nakajima cho biết việc người dùng chuyển từ xe lai điện xăng sang xe điện là chỉ báo tốt về nhu cầu năm 2026. Ông khẳng định "việc phát triển và sản xuất sẽ sẵn sàng".
Vì thế, sự tập trung sắp tới sẽ dồn về khả năng thực hiện của Toyota. Hồi tháng 4, Sato cam kết đến 2026, Toyota sẽ xuất xưởng 10 mẫu xe thuần điện và bán 1,5 triệu xe điện chạy pin mỗi năm. Trước đó, họ đã cam kết bán 3,5 triệu xe điện chạy pin cho đến năm 2030, giảm nửa lượng khí thải cho đến năm 2035 và trung hòa khí thải năm 2050.
Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, khi trong tài khóa kết thúc vào tháng 3, Toyota chỉ bán được 38.000 xe điện chạy pin. Họ cũng mất đến 2 thập kỷ mới đạt mốc bán được 1,5 triệu xe điện (chủ yếu là xe lai chạy điện xăng) một năm.
"Muốn đạt mốc này, Toyota sẽ phải vượt qua Tesla. Hiện tại, khi họ đã cho thấy có khả năng sản xuất xe chạy điện pin, câu hỏi tiếp theo là: Ai sẽ mua chúng?", Koji Endo cho biết.
Giới chức Nhật Bản dĩ nhiên không đứng ngoài cuộc. Nikkei hôm nay cho biết Bộ Kinh tế Nhật Bản sẽ hỗ trợ 120 tỷ yen để hãng xe đầu tư sản xuất pin trong nước.
"Khi cạnh tranh về pin trên thị trường quốc tế tăng lên, sự cạnh tranh về vốn cũng càng căng thẳng. Việc Toyota đầu tư quy mô lớn sẽ củng cố đáng kể chuỗi cung ứng pin của đất nước", Bộ trưởng Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho biết trước báo giới.
Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)