Theo thông tin từ Cục quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), mực nước sông Hồng tại Hà Nội và mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thủy triều.
Lúc 7 giờ ngày 16.6, mực nước trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 0,8 m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 0,12 m. Dự báo đến 7 giờ ngày 17.6 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 0,70 m; trong 36 giờ tới mực nước tại Phả Lại cao nhất có khả năng ở mức 0,5 m.
Theo bảng thống kê của từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, mực nước các hồ chứa trên hệ thống sông Hồng đang có xu hướng tăng lên.
Cụ thể, ở hồ chứa Sơn La lúc 7 giờ ngày 15.6 là 177,41 m, lúc 7 giờ ngày 16.6 là 177,83 m (tăng 0,42 m), trên mực nước chết 2,83 m; ở hồ chứa Hòa Bình lúc 7 giờ ngày 15.6 là 102,8 m, lúc 7 giờ ngày 16.6 là 102,78 m (giảm 0,02 m), trên mực nước chết 22,78 m; ở hồ chứa Tuyên Quang lúc 7 giờ ngày 15.6 là 93,73 m, lúc 7 giờ ngày 16.6 là 94,22 m (tăng 0,49 m), trên mực nước chết 4,22 m; ở hồ Thác Bà lúc 7 giờ ngày 15.6 là 46,12 m, lúc 7 giờ ngày 16.6 là 46,25 m (tăng 0,13 m), trên mực nước chết 0,25 m.
Mực nước các sông khu vực Trung bộ và Tây nguyên biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.
Mực nước cao nhất ngày 15.6 trên sông Tiền tại Tân Châu 1,22 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,34 m. Mực nước lúc 7 giờ ngày 16.6 ở Tân Châu 1,04 m. Châu đốc 1,11 m.
Dự báo mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo thủy triều. Đến ngày 18.6 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,45 m; tại Châu Đốc ở mức 1,60 m.
Về tình hình thiệt tại do thiên tai: ngày 15.6 đã xảy ra sạt lở bờ kênh tại Chùa Phước Long và kênh Xáng Cái Côn trên địa bàn khu vực 6 (P.Ngã Bảy, TP.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) với tổng chiều dài 35 m, rộng 10 m, làm thiệt hại hoàn toàn 2 căn nhà, diện tích mất đất 350 m2. Ước giá trị thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng.