Trong tuần qua, thông tin về dự thảo đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM”, đang được lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Theo dự thảo của Sở GTVT TP.HCM, mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là 20.000-100.000 đồng/m2/tháng và mức thu sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 50.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo vị trí các tuyến đường.
Một số bạn đọc cho rằng việc cho thuê lòng đường, vỉa hè sẽ làm tăng thêm ngân sách cho TP. Tuy nhiên, một số bạn đọc cũng có ý kiến là các cơ quan chức năng nên tính toán kỹ cả về mức phí, đối tượng thu phí, biện pháp chế tài… để làm sao hài hòa lợi ích của các bên, không gây ra xung đột, mâu thuẫn.
Phải chừa lối cho người đi bộ
Nêu ý kiến về việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, bà NTM (quận 3, TP.HCM) cho biết các cơ quan chức năng cần cân nhắc thật kỹ trước khi đưa vào thực hiện. Bởi hiện nay có một số đoạn đường hầu như vỉa hè rất hẹp nếu cho thuê nữa thì người đi bộ không còn lối để đi. Đồng thời phải quy định ai sẽ là người được thuê và cho thuê như thế nào để không ảnh hưởng đến những hộ có nhà ở mặt tiền đường.
“Nếu thu phí lòng đường, vỉa hè thì nên khảo sát những nơi có vỉa hè rộng, nơi có nhu cầu sử dụng vỉa hè với mục đích phục vụ của người dân khi cần thiết như các điểm giữ xe. Chính vì thế, trước khi đưa vào áp dụng nên lập danh mục tuyến đường được thu phí, kẻ ranh vỉa hè, công khai họp dân thông báo, niêm yết thông báo tại tuyến đường thu phí” - bà M chia sẻ.
Vỉa hè bị trưng dụng để xe máy, người đi bộ phải đi xuống lòng đường ở trung tâm TP.HCM.Ảnh: HOÀNG GIANG |
Anh PTH (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết anh bán hủ tiếu vỉa hè hơn 10 năm nay bởi không có khả năng thuê mặt bằng.
“Việc buôn bán vỉa hè bản thân tôi cũng biết mình đã vi phạm hành vi lấn chiếm vỉa hè nhưng vì cuộc sống nên tôi buộc phải làm. Buôn bán như thế này cũng hồi hộp lắm. Có hôm lực lượng trật tự đô thị xuống kiểm tra, bị thu hồi cả xe hủ tiếu, phải đóng phạt... Thế nên tôi rất mong được thuê một chỗ trên vỉa hè để buôn bán ổn định” - anh H nói.
Phải hài hòa lợi ích của các bên
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp, cho biết đối với dự thảo đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM”, thì chỉ cho thu phí ở một số tuyến đủ điều kiện, không phải tất cả vỉa hè, lòng đường trên TP.HCM đều được áp dụng.
Riêng ở địa bàn phường 14 thì hầu như không có tuyến đường nào đủ điều kiện để thu phí. Mặt khác, từ trước đến nay phường vẫn đang nỗ lực để xử lý những hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Việc xử lý thì phường sẽ xử phạt cả hai đối tượng là người buôn bán lấn chiếm và người dừng xe mua hàng gây cản trở giao thông...
Liên quan đến việc thu phí vỉa hè, lòng đường thì đối với một số tuyến đường đủ điều kiện, trước khi các cơ quan quản lý cho phép người dân sử dụng đã xác định rõ sử dụng ở mức độ nào, sử dụng với mục đích gì.
“Tóm lại, việc cho thu phí phải được thực hiện hài hòa giữa các bên để làm sao vừa đảm bảo cho người đi bộ, vừa thuận tiện việc sử dụng, địa phương dễ quản lý. Đồng thời cũng cần hiểu rằng việc thu phí này không phải để hợp thức hóa cho hành vi vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè mà được thực hiện trên cơ sở những chỗ đã được sắp xếp quản lý từ trước” - ông Dũng nói.
Mức phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép được nhấn mạnh là hành vi bị cấm tại Điều 8 luật này.
Khoản 1, khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021) quy định về mức phạt hành chính đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như sau:
Đối với hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè, có thể phạt tiền 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức.
Đối với hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc… gây cản trở giao thông chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, 4-6 triệu đồng đối với tổ chức.
Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM