Đó không chỉ là giấc mơ của ông Phúc, Sở GTVT TP.HCM mà là của cả TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai, Long An từ rất lâu. Giấc mơ sớm được kết nối để tạo thành một nguồn xung lực mới cho cả vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cũng không ít lần Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm kể lại câu chuyện những ngày làm hồ sơ, dự án khi còn dịch COVOD-19. Cả “gia đình đường vành đai 3” cùng họp, giọng ai cũng khản đặc vì chẳng may nhiễm COVID-19, song tất cả cùng quyết tâm hoàn thiện thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sớm thông qua. Ngày Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án (tháng 6-2022) cũng là lúc đường vành đai 3 TP.HCM không còn là giấc mơ nữa.
Ngay khi đó, TP.HCM và các địa phương bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ. Từng tổ công tác, ban chỉ huy dự án, ban cố vấn bắt đầu được thành lập. Thậm chí, TP.HCM cũng đã lường trước muôn vàn khó khăn từ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nguồn vật liệu xây dựng, các thủ tục đấu thầu để kịp “bấm nút” đường vành đai 3 vào ngày mai (18-6).
Còn nhớ, trong một cuộc họp về đường vành đai 3 do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chủ trì. Khi đó, Bí thư Thành ủy hỏi ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy dự án thành phần 2 (dự án bồi thường): “Trước ngày 30-6-2023, TP cần ít nhất 70% mặt bằng, anh làm được không, chỉ nói có hoặc không?”. Lúc ấy, khi cả hội trường hơn 100 người im lặng, ông Trực đã quả quyết trả lời “Có”.
Cũng sau hôm đó, mọi công việc từ đo đạc, kiểm đếm đất, cắm mốc đường vành đai 3, tìm nguồn vật liệu cho dự án, từng giai đoạn bồi thường GPMB đều được triển khai song song, rốt ráo.
Và đến khi đơn giá bồi thường vành đai 3 lộ diện, ai cũng xuýt xoa giá bồi thường đã thực sự tiệm cận với giá thị trường. Bà con từ bốn quận, huyện vui vẻ đi nhận tiền bồi thường. Và chỉ ít ngày sau đó, huyện Hóc Môn đã trở thành địa phương chạm mốc 70% bàn giao mặt bằng.
Đến nay hơn 87% mặt bằng của toàn dự án đường vành đai 3 đã được các địa phương bàn giao, riêng huyện Hóc Môn đã tiệm cận 100% mặt bằng, dự kiến đây sẽ là kỷ lục trong công tác bàn giao mặt bằng.
Ngày mai, TP.HCM và các địa phương bắt đầu khởi công dự án. Niềm vui đó còn được nhân ba khi hai tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cùng được đồng loạt khởi công và TP.HCM là đầu cầu chính do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Nói như vậy để thấy rằng Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực sự quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối giữa các địa phương. Cũng như ông Lương Minh Phúc đã nói, đường vành đai 3 không chỉ là tuyến đường kết nối với năm tuyến cao tốc mà nó thực sự đã mở ra không gian kết nối đô thị, cảng biển, tạo thành trục động lực kết nối đông - tây. Hơn hết, đường vành đai 3 TP.HCM là xung lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thời gian và công tác chuẩn bị bấm nút khởi công đường vành đai 3 đã được ấn định, đã đến lúc biến “giấc mơ vành đai 3” thành hiện thực, một dự án kiểu mẫu của TP.HCM làm động lực cho hàng loạt dự án khác trong tương lai.