vĐồng tin tức tài chính 365

Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - Kỳ 3: Chiếc rờ-nôn đưa tôi đến 'kinh kỳ sáng chói'

2023-06-17 12:20
Những chiếc xe đò bảng số 40B đã quen thuộc với quãng đời đi học của tôi ở Huế  - Ảnh tư liệu

Những chiếc xe đò bảng số 40B đã quen thuộc với quãng đời đi học của tôi ở Huế - Ảnh tư liệu

Hết ba năm trung học lại thêm bốn năm đại học, có thể gọi đó là quãng đời ròng rã xe đò, tàu chợ. Mỗi tuần đều đặn hai chuyến lên Huế - về Truồi.

Đi xe đò mà như đi đò

Đến đầu năm học 1984 - 1985, tôi rời làng lên phố để theo học cấp III. Làng tôi thuộc xứ Truồi, nằm cách thành phố Huế chừng 30 cây số về phía nam, nhưng là hai thế giới khác hẳn. 

Xứ Huế có kinh thành cổ kính lại có thêm phố phường sầm uất, những quán ăn ngon, có rạp xinê, sân vận động, tiệm sách báo và những ngôi trường nổi tiếng Đồng Khánh, Quốc Học... Đưa tôi đến với "kinh kỳ sáng chói" chính là những chiếc xe đò mang bảng hiệu Huế - Truồi.

Cầm tờ giấy nhập học và cái rương đựng áo quần, sách vở, tôi ra quốc lộ 1 đón chuyến xe chiều từ Truồi lên Huế. Lần lượt những chiếc rờ-nôn (Renault, tên hãng xe của Pháp) chạy qua, mang bảng hiệu Huế - Cầu Hai, Huế - Lăng Cô cùng những chiếc đờ-sô-tô (DeSoto, tên hãng xe Mỹ) mang bảng hiệu Huế - Đà Nẵng. 

Những chiếc xe đò mang bảng số 40B của Hợp tác xã vận tải ô tô Huế chạy tuyến nội tỉnh Bình Trị Thiên. Dù sợ trễ nhưng tôi vẫn chờ chiếc xe rờ-nôn bên hông ghi hàng chữ Huế - Truồi. Xe đã chật kín đến độ không còn chỗ đứng để nhét cái chân. Anh ét xe (tức lơ xe) bảo tôi quay lưng lại và ép mấy phát thì lọt vô được thùng xe. Anh đóng cửa cái rầm rồi hét to: "Êm rứa, tới đi bác tài!".

Máy nổ phành phạch, phụt khói đen sì, chiếc xe ì ạch tiến lên, qua những khúc cua nghe cả tiếng khung xe kêu ẹo ẹo. Vậy mà bác tài vẫn cười tươi như hoa, vì còn chi sướng hơn là xe đầy khách. Trên trần còn chất đầy cả củi, những bao chè xanh, mít, vả, chuối và sắn, những thứ đặc sản xứ Truồi. 

Xe chạy qua ngã ba La Sơn, bác tài định dừng lại nhét thêm vài khách thì bị bà con la ó nên đạp ga chạy thẳng, miệng lầm bầm: "Cho tui kiếm thêm mấy đồng chớ như ri thì ăn thua chi". Đến chợ Nong thì bác tài dừng xe, động cơ tắt nghe một tiếng xịch và sau đó là hơi nóng phả ra như cái lò đúc. Xe nằm đó gần nửa tiếng đồng hồ để chở thêm mấy bao bột lọc.

Chiếc xe no hàng không đón thêm ai nữa, chạy lặc lè qua trảng Phù Bài heo hút không bóng người, qua Phù Lương thì bắt đầu thấy hình dáng phố thị. Đến ngã ba Dạ Lê thì hàng bắt đầu thả xuống, đó là những gánh lá rừng để nấu nước uống mà người dân ở đây phải về tận rừng Truồi để chặt. 

Đến Cống Bạc là yên tâm vì hai bên đường có rất nhiều tiệm sửa ô tô, đổ nước mui, bơm mỡ, vá lốp. Đến Nghẹo Giàng Xay (tức ngã ba An Dương Vương - Ngự Bình bây giờ), xe dừng lại khá lâu để sạt xuống những bao hàng phế liệu ve chai. 

Đến bến xe An Cựu thì nhá nhem tối. Ai cũng mừng vui thở phào vì cuối cùng cũng về đến Huế. "Đi xe mà như đi đò!", tiếng ai đó nhăn nhó vì bị trễ giờ.

Một chiếc xe tải hiệu Dodge M37 của Mỹ từ thời chiến được chuyển thành xe đò chở khách tại Huế sau 1975 - Ảnh tư liệu

Một chiếc xe tải hiệu Dodge M37 của Mỹ từ thời chiến được chuyển thành xe đò chở khách tại Huế sau 1975 - Ảnh tư liệu

Chiếc rờ-nôn của ông Chương

Kể từ hôm đó, tôi trở thành một người khách quen thuộc của bến xe An Cựu. Cái bến xe được xây dựng trên phần đất của cánh đồng làng An Cựu xưa, bây giờ là nơi tọa lạc tòa nhà siêu thị Go. 

Toàn bộ các chuyến xe đò từ Huế đi về các huyện phía nam của tỉnh và các tỉnh phía Nam đều xuất phát từ đây. Thứ bảy mỗi tuần, cơm trưa vừa xong là tôi cuốc bộ ngay ra bến xe An Cựu để về nhà. Vừa tới cổng bến là các anh ét xe ra mời chào ngay: "Mi về mô, Truồi, Đá Bạc, Cầu Hai, Thừa Lưu, Lăng Cô?". 

Nếu về Truồi thì có thể lên bất cứ xe nào, kể cả xe đi Đà Nẵng. Tôi vẫn thích lên xe Truồi, vì cảm giác thân quen. Và thân quen nhất trong đoàn xe Truồi là chiếc xe rờ-nôn già nua của bác tài tên Chương.

Chiếc xe của ông Chương trước đó chạy tuyến Lăng Cô, vì khoảng cách 60 cây số, qua hai ngọn đèo nên xe phải còn ngon mới chạy nổi. Sau nhiều năm, phong độ giảm dần, ông Chương rút về tuyến Huế - Truồi. 

Lúc này, chiếc xe chỉ còn như một cái thùng sắt gỉ di động. Mỗi lần khởi động, ông Chương cầm hai đầu dây điện chập vào nhau cái chóe, máy gầm rú lên làm rung rinh cả chiếc xe già nua. Xe không có kính chiếu hậu ở hai bên nên cậu con trai làm ét xe phải chạy quanh kiểm tra, xong thì kêu to "tới đi ba".

Ai đi xe đò Huế - Truồi thập niên 1980 chắc cũng như tôi, không quên được chiếc xe "cà rịch cà tang" của ông Chương. Chiếc xe y như con ngựa già rệu rã, nên ông Chương không dám chạy nhanh. 

Mỗi lần khách kêu cho xuống, ông Chương phải đạp phanh mấy phát thì xe mới khựng lại. Nếu dừng lại lâu thì cậu ét xe phải chạy xuống bên đường vác cục đá để chèn bánh kẻo xe trôi.

Có lần xe chết máy giữa đường, ông Chương chập hai sợi dây đề-pa mãi mà không thấy tóe lửa, cậu con trai lại chạy lui gầm xe rút cái càng ma-ni-ven xỏ vô đầu xe quay cho đến khi máy nổ thì mời bà con lên xe đi tiếp. 

Lại có lần xe đang chạy nửa chừng thì máy khục khục rồi tắt lịm. Té ra là két nước làm mát động cơ đang sôi sùng sục. Nhìn cái trán hói và đầu tóc rối bù đầm đìa mồ hôi của ông Chương, ai cũng thương nên không càu nhàu chi nữa.

Suốt đời mang ơn xe đò

Hết tuần, đối với học sinh, sinh viên là hết tiền. Như mọi lần, tôi lại ra bến xe An Cựu, chọn chiếc xe Truồi và lên xe. Mùa đông mưa gió lạnh lẽo, xe chỉ vài người khách mà tôi không dám ngồi vào ghế. 

Anh ét xe tên Chè, người nhỏ thó mà tiếng nói thì rất to, kêu tôi ngồi xuống. Tôi đành ngồi xuống mà lòng tự nhủ mình không được phép chiếm một chỗ ngồi, vì hôm nay mình chỉ đi ké. Đi ké thì phải đứng. Vậy là xe chạy một lúc, tôi lại bước ra khỏi ghế và đứng dậy.

Xe chạy gần nửa đường thì anh ét Chè kêu bà con cho tiền xe. Đến lượt mình, tôi run run trình bày hoàn cảnh: "Bữa ni em hết tiền, anh thông cảm!". Anh Chè trố mắt: "Hết tiền mà đòi đi xe à. Rứa theo mi xe chạy bằng xăng hay bằng nước lạnh?". 

Anh Chè la mắng ỏm tỏi: "Hèn chi kêu ngồi cũng không chịu ngồi, thôi cho mi xuống đi bộ". Lập tức, một mệ già làm nghề buôn chuyến liền lên tiếng: "Thôi đừng la nữa mà tội, học trò hết tiền cho hắn đi nhờ một bữa, đi nhờ xe mà biết điều không chiếm chỗ ngồi của người ta là giỏi rồi". Mệ là khách ruột của xe đò, chuyên về chợ Truồi mua hàng mang lên bán lại ở chợ Đông Ba.

Mùa hè năm 1991, tôi tốt nghiệp đại học và rời Huế vào Tây Nguyên lập nghiệp. Chuyến xe "đò dọc" đường dài Huế - Đà Lạt năm đó đã ghi vào lưng tôi một "kỷ niệm đau đớn" nhớ đời, nhưng thôi, tôi sẽ kể vào một dịp khác. Còn bây giờ tôi phải kể cho hết câu chuyện xe "đò ngang" Huế - Truồi mà tôi đã mang nặng ơn nghĩa suốt đời.

Trong ký ức của tôi, xe đò là chiếc xe có dạng như cái hình thang, nhả khói đen kịt, mà người ta thường gọi là xe rờ-nôn, tức là tên của Hãng xe Renault (Pháp).

Vào khoảng đầu thập niên 1960, người ta đã nhập khẩu động cơ và linh kiện của Hãng Renault, đưa về miền Nam Việt Nam sản xuất thêm thùng xe, rồi đóng thành chiếc xe rờ-nôn đậm nét thô mộc.

Cho dù xe đò thuở ấy có đủ loại xe của các hãng xe Pháp và Mỹ, nhưng chiếc xe rờ-nôn có dáng hình lầm lũi như con trâu của nhà nông vẫn cứ là hình ảnh đại diện cho xe đò.

****************

Xe bò chậm chạp lên đèo Hải Vân, thỉnh thoảng lại gặp những am miếu bên đường. Qua khúc cua tay áo thắt ngặt, vẫn còn dấu vết những chiếc xe bị lật. Mệ già ngồi bên cạnh lẩm nhẩm đọc kinh "Nam mô A Di Đà Phật". Cả xe im phăng phắc, như nín thở...

Kỳ tới: Xe qua đèo rồi mới biết mình còn sống

Chuyến xe than cuối cùng của đêm trước đổi mớiChuyến xe than cuối cùng của đêm trước đổi mới

Những người đứng tuổi chắc vẫn chưa quên cảnh chực chờ ở bến xe để có tấm vé hiếm hoi xuôi về miền Tây hay lên Tây Nguyên, ra miền Trung nắng gió. Có cả chuyến xe than...

Xem thêm: mth.24193310171603202-iohc-gnas-yk-hnik-ned-iot-aud-non-or-ceihc-3-yk-ohn-gnouht-mein-yk-neim-ev-od-ex-neyuhc-gnuhn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - Kỳ 3: Chiếc rờ-nôn đưa tôi đến 'kinh kỳ sáng chói'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools