Hơn 20 năm hoạt động trong lòng địch, nhà tình báo, thiếu tướng Đặng Trần Đức (còn gọi là ông Ba Quốc) đã thực hiện nhiều điệp vụ khó khăn: giải cứu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khỏi mật vụ, hay cứu Quốc vương Norodom Shihanouk khỏi âm mưu ám sát...
Nhà tình báo bí ẩn của Việt Nam
Buổi giao lưu cùng tác giả Hoàng Hải Vân về cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng vừa diễn ra vào chiều 17-6 tại Đường sách TP.HCM. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nói về nhà tình báo Ba Quốc, nhà báo Hoàng Hải Vân kể: "Khi đó tên tuổi chú Ba Quốc chưa hề xuất hiện trên báo, nhưng tôi nghe những nhà tình báo lão thành nói rằng ông ghê gớm lắm.
Lúc đầu tôi gặp, chú Ba Quốc từ chối chia sẻ, ông nói rằng hãy để những điều đó rơi vào quên lãng, không có gì đáng viết. Tôi phải nhờ rất nhiều người nhưng chú vẫn lắc đầu".
Sau đó, ông Hoàng Hải Vân phải nhờ đến thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh "bảo lãnh". Thậm chí, tác giả phải gặp gỡ rất nhiều người, từ gia đình cho đến giao liên để hỏi thăm vì nhà tình báo rất ít khi nói về chính mình.
Từ nguồn tư liệu của mình, nhà báo Hoàng Hải Vân đã ghi lại những điệp vụ mà ông Ba Quốc đã thực hiện trong suốt quãng thời gian hoạt động tình báo, từ giải cứu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Quốc vương Norodom Shihanouk cho đến việc xóa sạch tất cả các ổ gián điệp mà đối phương cài ở miền Bắc, hay cung cấp về tổng hành dinh những báo cáo quân sự quan trọng của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn...
Trong đó, sự kiện mà ông Ba Quốc cho là nguy hiểm nhất là giải cứu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định thoát khỏi sự truy bắt của mật vụ.
Vào thời điểm chuyện được Hoàng Hải Vân công bố, nhiều người, gồm cả gia đình ông Ba Quốc, không tin vào việc này cho đến khi thông tin được xác nhận.
Câu chuyện lịch sử luôn hấp dẫn
Cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng là tập hợp 36 kỳ ký sự đăng trên báo Thanh Niên vào năm 2004.
Sau này, khi tập sách Người thầy của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ra mắt, tác giả Hoàng Hải Vân đã bổ sung thêm hoạt động của ông Ba Quốc sau năm 1975.
Nói về quyển sách, nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ: "Viết về một nhà tình báo khác với viết về một nhà doanh nghiệp.
Viết về doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó sẽ cung cấp thông tin cho anh, còn ở đây không ai chủ động cung cấp cho anh. Muốn biết thì anh phải tự tìm hiểu. Những tác phẩm báo chí có giá trị phải tự mình tìm hiểu và xét về sự đáng ngờ của nguồn cung cấp đó".
Bên cạnh đó, nhà báo cũng cho rằng sách lịch sử không khô khan, khó hiểu như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu biết cách kể, những câu chuyện lịch sử bao giờ cũng hấp dẫn người đọc.
Ông nói: "Đọc lịch sử hấp dẫn nhất là đọc thực lục, tức là những câu chuyện hằng ngày. Nhưng thực lục của lịch sử Việt Nam ít khi được phổ cập.
Lịch sử Việt Nam rất hấp dẫn nhưng cái chúng ta đưa cho người đọc không phải là sự hấp dẫn mà là công thức. Những chuyên khảo về lịch sử này dành cho những nhà nghiên cứu, nên dân chúng đọc không hấp dẫn. Còn nếu lịch sử mà được viết thành câu chuyện thì theo tôi rất hấp dẫn".
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói gần 500 trang của cuốn sách không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc mà còn nói về những trăn trở, hy sinh, khó khăn mà ông phải vượt qua. Đồng thời còn là tấm gương đạo đức, tình cảm vợ chồng, cha con, thầy trò.