Năm ngoái, Mỹ và các cường quốc kinh tế lớn khác trong Nhóm G7, cùng với Australia, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm hạn chế giá dầu của Nga, các quan chức Mỹ nhận xét kế hoạch này sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nga.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo cho biết trong bài phát biểu hôm thứ 5 tại Trung tâm An ninh của Mỹ rằng, chỉ trong vòng 6 tháng, mức trần giá đã góp phần làm giảm đáng kể doanh thu của Nga tại một thời điểm rất quan trọng. Đồng thời, ông chỉ ra con số gần 50% giảm doanh thu từ dầu của Nga so với một năm trước.
Ngoài giới hạn giá, các quốc gia đồng minh đã áp đặt lên Nga bằng nhiều biện pháp trừng phạt trong suốt gần 16 tháng xung đột. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các giao dịch ngân hàng và tài chính, nhập khẩu công nghệ, sản xuất và những người Nga có quan hệ với Chính phủ.
Ông Adeyemo cho biết, chính sách thuế mới của Điện Kremlin đối với các công ty dầu mỏ, được thiết kế để bù đắp cho việc thiếu doanh thu, là bằng chứng cho thấy sự thành công của cơ chế áp trần giá.
Ông cho biết: "Sự thay đổi này sẽ hạn chế các công ty dầu mỏ của Nga trong tương lai, khiến họ có nguồn tiền đầu tư vào thăm dò và sản xuất và theo thời gian sẽ làm giảm năng lực sản xuất của ngành dầu mỏ của Nga".
Lauri Myllyvirta, một chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch có trụ sở tại Phần Lan, cho biết, trong khi giá trần đã tác động đến nền kinh tế Nga, lệnh cấm nhập khẩu của EU có tác động nhiều hơn trong việc giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga.
EU năm ngoái đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga và các sản phẩm khác từ các nhà máy lọc dầu của Nga. Trong tháng 2 năm nay, châu Âu đã áp đặt lệnh cấm đối với nhiên liệu diesel của Nga.
Để đối phó với các biện pháp trừng phạt, Nga đã cắt giảm sản lượng dầu và tuyên bố trong tháng này rằng họ sẽ gia hạn cắt giảm thêm khoảng 500.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 12 năm 2024.
Trong tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra dự báo 5 năm về nhu cầu dầu mỏ, điều này cho thấy sự thống trị của nhiên liệu hóa thạch đối với người lái xe đang bắt đầu suy yếu.
Đây là một phần của xu hướng lớn hơn trong đó các quốc gia nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, do đó có thể làm giảm sức mạnh kinh tế của các quốc gia như Nga.
Dự báo chỉ ra rằng nhu cầu về xăng dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2023, trong khi nhu cầu về nhiên liệu vận chuyển tổng thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2026.
IEA nhận định rằng, đây là kết quả của việc chuyển hướng sang các nguồn phát thải thấp hơn do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu gây ra và sự tăng trưởng doanh số bán xe điện.