Hầu hết những mối quan hệ trong gia đình khi trở nên xấu đi và dần mất kiểm soát đều vì một lý do quan trọng: mất kết nối!
Mất kết nối là gì?
Nguyên nhân của sự mất kết nối không phải là một hành vi cụ thể mà là chuỗi nhiều hành vi. Những hành vi này không chỉ ở phía người lớn như: thiếu kỹ năng giao tiếp, sự bất hòa giữa cha mẹ, quan điểm khác nhau giữa các thế hệ, thiếu hụt tài chính... mà còn từ phía trẻ, ví dụ học kém, lười biếng, ảnh hưởng xã hội...
Có thể thấy mất kết nối là quá trình với nhiều cấp độ khác nhau tùy gia đình, bối cảnh, độ tuổi. Tuy nhiên đôi khi sự mất kết nối cũng có thể xảy ra đột ngột sau một sự kiện chấn động nào đó khiến mọi thứ sụp đổ...
Biểu hiện dễ thấy nhất của sự mất kết nối đó là cha mẹ không có niềm tin ở con, hoặc thất vọng về con và ngược lại: con mất niềm tin, thất vọng vào gia đình.
Nếu sự mất kết nối giữa con và cha mẹ diễn ra trong thời gian dài, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển của trẻ. Con có thể trở nên cô độc, thiếu tự tin, đánh mất niềm tin vào cha mẹ và sự ủng hộ của gia đình.
Làm gì để kết nối trở lại?
Quay lại về cách đặt tiền đề, nếu có thể ví von việc làm cha mẹ là một... "nghề" thì ai cũng thấy rằng "nghề" này vô cùng khó khăn mà không hề được nhận lương. Cũng như nhiều bậc cha mẹ lại chủ quan cho rằng không cần học "nghề" tử tế trước khi "hành nghề".
Trong khi đó, để "hành nghề" thành công, hoặc ít nhất cũng giảm thiểu thất bại, chúng ta có thể chiêm nghiệm một số kinh nghiệm đã được đúc rút như sau:
* Xây dựng quy tắc gia đình: Cha mẹ bàn bạc và thống nhất những quy tắc của gia đình và sau đó bàn với con để con có ý kiến.
* Làm gương: Những gì cha mẹ yêu cầu con thực hiện thì cha mẹ cũng phải tuân thủ. Ví dụ mỗi tháng đọc ít nhất một cuốn sách. Khi về nhà không ôm điện thoại. Luôn thể hiện lòng biết ơn với mọi thứ mà con được nhận từ mọi người và từ cuộc sống.
* Chuyển ngữ: Chuyển ngôn từ sang tích cực. Thay vì "sao con cứ dậy trễ hoài vậy?" thành "mỗi ngày con tự thức dậy đúng giờ mẹ cảm thấy tự hào ghê!".
* Lập kế hoạch: Đừng áp đặt con làm những điều mình muốn mà cần cùng con lên kế hoạch.
* Ứng xử khi con thất bại: nếu con thất bại xin đừng làm cho thất bại ấy thêm nghiêm trọng. Cũng đừng nói kiểu "không sao đâu con". Cả hai cách ấy đều sai. Cha mẹ nên nói với con rằng "chúng ta cùng tìm hiểu vì sao con chưa thành công nhé!" và sau đó đặt ra những câu hỏi gợi mở để con rút ra được kinh nghiệm. Con sẽ không sợ hãi sự thất bại, mà xem thất bại như một bài học cần thiết cho thành công.
* Khuyến khích thái độ tích cực và lòng biết ơn: Những đứa trẻ bình an và hạnh phúc đều do chính trẻ biết suy nghĩ và ứng xử bằng hành vi tích cực.
* Tạo động lực bằng lời khen: Nhiều cha mẹ chưa hiểu rõ cách khen tạo động lực nên sẽ sử dụng lời khen một cách cực đoan, ví dụ không bao giờ khen con vì sợ con lờn, con chủ quan. Hoặc khen quá lố kiểu "con của mẹ là nhất!"... Cách khen đúng chính là diễn đạt sự nỗ lực của con, cách con thực hiện một nhiệm vụ chứ không đánh giá kết quả.
* Kiểm soát cảm xúc: Đừng để con lớn lên trong một ngôi nhà mà mọi người sẵn sàng lao vào nhau bằng những ngôn từ xấu xí để gây tổn thương cho nhau.
* Chơi với con: Nhiều gia đình hạnh phúc đều có điểm chung đó là người cha dành rất nhiều thời gian để chơi với con. Cần làm bạn với con từ khi con còn nhỏ chứ không phải chờ lớn mới làm bạn. Nhật ký hạnh phúc: Cùng nhau viết chung một cuốn nhật ký gia đình mà mỗi thành viên ghi lại cảm xúc hạnh phúc với bất kỳ một sự kiện, lời nói, hành động nào đó. Việc này là chất xúc tác tuyệt vời cho mối gắn kết gia đình hạnh phúc.
Tiến sĩ John Medina viết trong cuốn sách Luật trí não một câu mà tôi rất tâm đắc: "Mọi người sẽ không nhớ bạn nói những gì với họ nhưng họ sẽ nhớ cảm xúc bạn để lại cho họ". Do đó, cha mẹ cần tạo cảm xúc yêu thương, tử tế và hạnh phúc cho từng thành viên trong gia đình. Cảm xúc ấy sẽ nuôi dưỡng phẩm chất của đứa trẻ để đứa trẻ có một nền tảng đạo đức, tự giáo dục chính mình.
Cây gậy và củ cà rốt
Cha mẹ thường tạo động lực cho con bằng phần thưởng và răn đe bằng hình phạt. Con được điểm 10: thưởng tiền! Con được xếp hạng cao: cho đi chơi. Con bị hạnh kiểm trung bình hoặc bị ghi tên sổ đầu bài: đánh và cắt tiền tuần. Con thi rớt: mắng nhiếc và hù dọa cho đi bán vé số.
Phần thưởng và hình phạt là cách tạo động lực theo nguyên lý: Cây gậy và củ cà rốt. Người ta dùng cây gậy đánh con lừa nếu nó không chịu bước tới và dùng củ cà rốt treo đằng trước mũi con lừa để nó đi tới. Khi không còn cây gậy và không còn củ cà rốt, con lừa sẽ không đi nữa.
17 tuổi, con rơi vào cú sốc chia tay tình đầu. Nỗi buồn dai dẳng kéo con rời xa vòng ôm ấm êm của cha mẹ và co cụm với cơn đau nhức nhối nơi trái tim non dại.