Vậy là một trời kỷ niệm ùa về theo dòng comment của những người đã một thời qua lại đèo Hải Vân bằng chiếc xe đò giờ chỉ còn lại với những tấm ảnh tư liệu cũ kỹ.
Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Nhiều người trong số đó là học sinh, sinh viên Đà Nẵng ra Huế học từ trước 1975. Sau đó là sinh viên Huế vô Đà Nẵng học đại học bách khoa, kinh tế.
Ai đã từng là sinh viên thuở ấy, chắc hẳn không thể quên chuyến xe ám ảnh qua đèo Hải Vân. Mỗi lần lên xe như thể bước vào một trận đánh. Xuống đến chân đèo mới thở phào biết mình còn sống.
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, tức là nhà giáo Nguyễn Văn Bổn, là một trong những "học trò trong Quảng ra thi" ở xứ Huế và đậu vào Trường Quốc Học năm 1963. Lần đầu tiên từ Đà Nẵng ra Huế để thi, ông đi chuyến xe của Hãng Phi Long.
Đó là một hãng xe đò nổi tiếng bấy giờ với đoàn xe rờ-nôn (Renault) màu sơn nửa đỏ nửa vàng.
Lúc đó, do đường đèo còn nhỏ hẹp nên xe chỉ chạy một chiều từ chân đèo lên đỉnh. Người ta bố trí ba trạm kiểm soát ở hai đầu đèo và trên đỉnh đèo, để điều hành đoàn xe đi qua Hải Vân.
Xe từ phía Huế đi vô tập trung dưới chân đèo phía bắc, chỗ thị trấn Lăng Cô bây giờ. Xe từ Đà Nẵng ra thì tập trung ở chân đèo nam. Khi được lệnh của trạm kiểm soát, hai đoàn xe từ hai phía sẽ cùng bò lên.
Đến đỉnh đèo, có một bãi rộng, để xe hai phía tránh nhau. Khi chiếc barie của trạm đỉnh đèo nhấc lên, thì đoàn xe sẽ cùng xuống đèo, để khỏi phải tránh nhau giữa đường chật hẹp nguy hiểm.
Thầy Bổn kể mỗi lần xe lên đỉnh dừng lại, khách được xuống nghỉ ngơi ăn uống và để xả bớt căng thẳng. Cái bãi đất rộng trên đỉnh đèo chính là bãi đậu xe hồi đó, giờ vẫn còn.
Năm 1965, quân đội Mỹ đổ bộ vô vũng Hàn (Đà Nẵng) thì qua năm 1966 họ bắt tay mở rộng đường đèo Hải Vân.
Từ năm đó, xe qua đèo cùng lúc hai chiều. Đường mở rộng hơn nhưng hiểm nguy thì vẫn không bớt đi mấy. Có những đoạn xe chạy sát một bên là vách đá, một bên là bờ vực, và sợ nhất là những khúc cua tay áo quá ngặt.
Thỉnh thoảng lại nghe báo đưa tin xe đứt phanh lao xuống đèo, xe tung vô vách đá rớt xuống vực. Nhưng khách qua đèo bấy giờ còn nỗi sợ nữa đó là vấp mìn, hoặc trúng đạn pháo kích.
"Một lần từ Huế về thăm nhà, ngồi trên chiếc xe đò tắc-xông của Hãng An Lợi, tôi đã chứng kiến chiếc xe jeep trước mặt mình trật bánh vì đường trơn rớt xuống hố", thầy Bổn nhớ lại. "Đi bộ thì khiếp Hải Vân/Đi thủy thì khiếp sóng thần hang Dơi", câu ca dao ra đời từ thuở ông cha đi bộ qua đèo, vẫn còn đúng cho đến thời con cháu đi xe đò.
Xuống đến chân đèo mới thở phào nhẹ nhõm
Thế hệ chúng tôi qua đèo Hải Vân khi hòa bình vừa lập lại, nhưng hiểm nguy cũng không thua chi thời chiến.
Đó là một ngày tháng 4-1985, tôi ra bến xe An Cựu xếp hàng mua vé chuyến Huế - Đà Nẵng và lên chiếc xe đờ-sô-tô đã qua nhiều lần sơn sửa. Chiếc xe màu xanh lam của Hãng DeSoto từ Mỹ đưa sang miền Nam từ thập niên 1960, vốn là xe của Hãng Đồng Tân chuyên chạy tuyến Đà Nẵng - Huế trước 1975.
Chiếc xe chạy rầm rì qua khỏi cầu Lăng Cô thì dừng lại dưới chân đèo Hải Vân cho bớt nóng máy, và để anh phụ xe chạy đi thắp hương ở mấy cái miếu. Hầu như xe nào qua đèo cũng dừng lại làm thủ tục này, trừ mấy chiếc xe quá cảnh của Lào thì vẫn chạy vô tư.
Xe bò chậm chạp lên đèo, thỉnh thoảng lại gặp những am miếu hai bên đường. Qua khúc cua tay áo thắt ngặt, vẫn còn nhìn thấy dấu vết của những chiếc xe bị lật. Leo lên đến lưng chừng đèo thì chiếc xe nóng máy như chạy không nổi nữa.
Mệ già ngồi bên cạnh lẩm nhẩm đọc kinh "Nam mô A Di Đà Phật". Cả xe im phăng phắc, dường như ai cũng biết cần phải bình tĩnh. Lên đến đỉnh đèo, xe dừng lại cho máy đỡ nóng. Mùi khét lẹt từ gầm xe bốc lên.
Khi cái mùi khét dịu đi thì mời bà con lên xe xuống đèo. Động cơ không còn phải gầm rú nữa, chiếc xe lao xuống nhẹ nhàng, nhưng bác tài có vẻ căng thẳng hơn, vì dường dốc chúi xuống mà một bên là bờ vực dựng đứng.
Anh ét xe (lơ xe) tay lăm lăm khúc gỗ, chỉ cần nghe khi tài xế hô là nhảy xuống chèn ngay vô bánh. Tôi chợt nhớ lại lời dặn "ngồi ở gần cửa lên xuống, khi mô thấy ét xe nhảy thì mình nhảy theo".
Đang nghĩ vơ vẩn thì giật thót mình khi chiếc xe chợt nảy lên vì vấp phải hòn đá. May là hòn đá nhỏ. Xe xuống đến chân đèo, nhìn thấy con đường bằng phẳng hiện ra, ai nấy thở phào nhẹ nhõm.
Qua đèo Hải Vân run như cầy sấy
Sau năm 1975, bom mìn và đạn pháo kích không còn tấn công con đèo hiểm trở này nữa, nhưng đến lượt nghèo đói và lạc hậu tấn công. Đường đèo hư hại nhanh chóng qua những mùa mưa lũ, vật tư không đủ để duy tu bảo dưỡng.
Trong khi đó, những chiếc xe qua đèo thì mỗi ngày mỗi xuống cấp nặng hơn. Đường xấu mà xe cũng xấu, nên tai nạn thảm khốc vẫn thường xảy ra, khiến đèo Hải Vân trở thành đoạn đường hiểm nguy hàng đầu trên toàn tuyến quốc lộ 1 xuyên Việt.
Và hành khách Huế - Đà Nẵng là những người phải đối mặt thường xuyên với hiểm nguy đó, vì hằng ngày, hằng tuần đều phải qua đèo.
Hiểm nguy đến mức nhiều người không dám đi xe qua đèo và chuyển sang đi tàu chợ dù tốc độ như rùa bò và trễ giờ đến cả buổi. Nhưng ai cần đi nhanh vô Đà Nẵng, ra Huế thì phải đón xe đò.
Dù nguy hiểm vậy, nhưng xe đò vẫn là thứ "sang trọng" đối với đám sinh viên từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ra Huế học, vì vé xe đò vẫn cao hơn tàu chợ rất nhiều lần. Nhưng khi có việc cần phải về nhà gấp, họ lại phải ra bến xe An Cựu xếp hàng từ mờ sáng, đưa cái thẻ sinh viên để được ưu tiên mua vé.
Nghe tôi kể lại cảm giác hồi hộp lúc đi xe qua đèo Ải (tức Hải Vân) thuở đó, các cựu sinh viên năm nọ liền đua nhau "ôn nghèo kể khổ". Tôi đưa ra tấm ảnh chiếc xe đò dừng lại trên đèo Hải Vân, vậy là các cựu hành khách liền tranh nhau bình luận: "Biết ngay mà, nó chết máy rồi, cái nắp capô đang lật lên đó, chắc bác tài đang chui xuống gầm xe để sửa lại cái phanh".
Rồi họ lại cười vui hát lại câu cải biên năm xưa: "Xe đò Việt Nam đi chút đã tụt phanh/Qua đèo Hải Vân run như cầy sấy".
Bởi vậy, khi hầm đường bộ Hải Vân mở ra (năm 2005), không ai mà không vui sướng. Và vui sướng nhất có lẽ là những người từng đi xe qua đèo, mà xuống xe rồi mới biết mình còn sống.
Sau 1975, đoàn xe rờ-nôn (Renault) của các hãng Phi Long, Nam Lộc, Tiến Lực đã đưa vô hợp tác xã vận tải và cũng đã già nua lắm, nên chỉ chiếc nào còn khá mới có thể chạy tuyến Huế - Đà Nẵng. Số đông xe chạy tuyến hiểm trở này là loại xe DeSoto và Ford của Mỹ, máy móc vẫn còn khá hơn, bổ sung thêm một số xe nhà binh như Dodge, GMC cải hoán thành xe khách.
Ngoài ra, có một số xe Citroen của Hãng An Lợi (Huế) mà khách quen gọi là xe tắc-xông (Citroen Traction Avant), dù sản xuất từ thập niên 1950 nhưng còn gắng leo đèo. Đến khoảng đầu thập niên 1990 thì các xe cũ này hầu như không còn leo đèo được nữa.
**************
Ngày ấy, ai cũng mong xe chạy không chết máy. Nhưng ở những quãng nguy hiểm như mỗi lần xe không thể lên nổi đèo, hành khách phải xuống xe cho bớt tải thì mọi người lại vui, bởi cuốc bộ vất vả mà mang lại cảm giác an toàn.
>> Kỳ tới: Xe than và những chuyến xe "than thở"
Những người đứng tuổi chắc vẫn chưa quên cảnh chực chờ ở bến xe để có tấm vé hiếm hoi xuôi về miền Tây hay lên Tây Nguyên, ra miền Trung nắng gió. Có cả chuyến xe than...