Tuần qua, TTCK tiếp tục có những diễn biến tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản. Áp lực chốt lãi cũng gia tăng với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sau đã tăng giá tốt chỉ trong một thời gian ngắn. Đâu là góc nhìn của ông/bà về thị trường trong tuần tới?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, thị trường có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh trong tuần giao dịch tới khi rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, mức hỗ trợ gần nhất cho nhịp điều chỉnh này là 1.100 điểm của chỉ số VN-Index.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Tuần vừa qua, thị trường chứng khoán đã ghi nhận diễn biến tăng giá trong 2 phiên đầu tuần, sau đó gặp áp lực chốt lời khi tiến đến ngưỡng cản 1.125 điểm. Đây vừa là vùng đỉnh cũ của VN-Index kể từ đầu năm, vừa là vùng cản cứng MA200 trên đồ thị tuần, do đó về mặt kỹ thuật, việc xảy ra hiện tượng chốt lời không quá bất ngờ.
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Xét về yếu tố cơ bản, tuần qua cũng là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm kỳ họp của Fed, cơ cấu quỹ ETF và đáo hạn phái sinh. Trong đó, kỳ họp của Fed vừa qua đã đánh dấu lần ngừng tăng lãi suất đầu tiên sau 10 lần tăng liên tiếp, trước bối cảnh lạm phát Mỹ tháng 5 ghi nhận xuống mức 4%, thấp hơn mức dự báo của giới chuyên gia.
Thông thường, môi trường lãi suất thấp sẽ là điều kiện để thị trường chứng khoán sôi động hơn, bởi dòng tiền sẽ có xu hướng chuyển dịch sang nơi có tỷ suất sinh lời kỳ vọng lớn hơn. Do đó, mặc dù đà tăng giá có thể chưa quay trở lại ngay, song tôi kỳ vọng VN-Index sẽ không xuất hiện nhịp chỉnh lớn trong tuần tới. Các ngưỡng hỗ trợ nhà đầu tư nên lưu ý là vùng 1.100 điểm và vùng 1.075-1.080 điểm.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK Bản Việt
Quan điểm kỹ thuật, tín hiệu kỹ thuật duy trì ở mức Tích cực đối với các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, nỗ lực chinh phục kháng cự chưa thành công của VN-Index, VN30 (đối với đỉnh gần nhất) và đường EMA200 đối với HNX-Index có thể sẽ góp phần thúc đẩy lực bán gia tăng sau đó.
Dự báo trong những phiên giao dịch tới, thị trường với đại diện là chỉ số VN-Index có thể sẽ giảm điểm để một lần nữa kiểm định ngưỡng hỗ trợ EMA5 tại vùng 1.115 điểm. Với những nỗ lực hồi phục không thành công từ hỗ trợ này, xác suất VN-Index sẽ vi phạm đường EMA5 sẽ tăng cao hơn trong lần kiểm định này. Do đó, nhiều khả năng chỉ số đại diện sàn HOSE sẽ giảm xuống mức thấp hơn để kiểm định hỗ trợ EMA10 tại vùng 1.110 điểm và sau đó là đường EMA200 tại vùng 1.100 điểm. Xu hướng tăng điểm lên vùng 1.140-1.150 của VN-Index chỉ có thể được củng cố nếu chỉ số có thể tăng và đóng cửa trên mốc 1.120 điểm. Tuy nhiên, kịch bản này đang có xác suất xảy ra thấp hơn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường đã có đoạn bứt phá tốt trong cả tháng 5 và 6 vừa qua, vì vậy thị trường cũng cần thời gian hạ nhiệt và lấy đà tiếp tục cho nhịp sóng mới. Một số nhóm cổ phiếu đã chạm ngưỡng kháng cự trung hạn vì vậy áp lực bán có thể gia tăng trong thời gian tới. Tuần tới, thị trường rung lắc vài phiên nhưng khả năng rơi không quá sâu và các nhịp giảm là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu.
Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Nhà đầu tư cá nhân là nhóm bán ròng mạnh nhất tuần qua và dường như họ đang áp dụng chiến lược tin ra là bán khi mà thông tin hạ lãi suất được công bố. Tuy nhiên, nhóm mua ròng tuần qua đã xuất hiện trở lại là khối ngoại và tổ chức. Tôi cho rằng, việc nhóm tổ chức quay lại có lẽ sẽ đánh dấu nhiều hơn vào khả năng của thị trường, có nghĩa là dòng tiền đang được nắn sang TTCK. Vì thế, xét về điểm số cuối phiên thì có thể VN-Index tuần tới loanh quanh vùng 1.100-1.115 điểm nhưng biến động sẽ diễn ra nhiều hơn ở trong phiên giao dịch.
Cuối tuần qua, NHNN có quyết định điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 19/6, đánh dấu đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 từ đầu năm 2023. Thị trường đã có phản ứng rất tốt ở phiên sáng, nhưng có phần “khựng” lại ở cuối phiên chiều. Ông /bà đánh giá như thế nào về những động thái này, cũng như tác động như thế nào đến diễn biến thị trường trong thời gian tới? Liệu đã quá sớm để có thể kỳ vọng dòng vốn “rẻ” quay lại thị trường?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, điều này cho thấy NHNN đang có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá đã hạ nhiệt. Đồng thời, các ngân hàng trung ương cũng đang có động thái giảm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Trước mắt trong ngắn hạn, việc giảm lãi suất điều hành có thể tác động đến lãi suất huy động sẽ hạ nhiệt, kích thích dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, nhưng tôi cho rằng tác động này sẽ là trung và dài hạn hơn là có ảnh hưởng ngắn hạn. Vì trong ngắn hạn, những yếu tố tin tức này đã được phản ánh vào đà tăng của thị trường trước đó, trong bối cảnh lãi suất cho vay ra chưa thể hạ nhiệt trong ngắn hạn và tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp là chưa thể diễn ra ngay.
Hiện nay, lãi suất cơ bản đã giảm về gần mức thấp nhất trong 2020 - 2022, nhưng lãi suất cho vay được dự báo là chưa thể hạ nhiệt ngay và tôi nhận định lãi suất cho vay sẽ có thể dần hạ nhiệt kể từ quý III/2023. Do đó, chúng ta có thể chưa đón nhận ngay dòng vốn rẻ trở lại ngay trong năm 2023, nhưng bối cảnh lãi suất huy động thấp hiện nay thì các nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc cơ cấu dòng tiền sang các kênh rủi ro hơn như chứng khoán.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Việc tiếp tục hạ lãi suất điều hành của NHNN trong tuần qua là một tín hiệu tốt hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế, cho thấy chính sách điều hành của NHNN đang duy trì xu hướng nới lỏng dần.
Áp lực chốt lời trong phiên chiều cuối tuần qua theo tôi chỉ mang tính ngắn hạn nhằm cân bằng cung - cầu, còn xu hướng lớn nhìn chung vẫn sẽ là xu hướng tăng giá. Do đó, động thái chốt lời này theo tôi không quá đáng ngại.
Mặc dù hiện tại vẫn còn sớm để có thể kỳ vọng dòng vốn “rẻ” quay trở lại thị trường, đặc biệt từ phía thị trường quốc tế lớn như Mỹ, EU khi mặt bằng lãi suất vẫn còn rất cao, song nhà đầu tư có thể nhìn thấy bức tranh nới lỏng tiền tệ đang bắt đầu được hình thành trên thế giới và có thể kỳ vọng yếu tố chuyển dịch dòng tiền sang các kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao hơn trong thời gian tới.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK Bản Việt
Động thái này của NHNN phù hợp với chỉ đạo gần nhất của Chính phủ. Đây là đợt giảm lãi suất thứ tư của NHNN trong năm nay, với tổng mức cắt giảm là: (1) 50 điểm cơ bản đối với trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng, (2) 125 điểm cơ bản đối với trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, (3) 150 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu và (4) 200 điểm cơ bản đối với lãi suất O/N trong thanh toán liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Do cần thời gian để chính sách tiền tệ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tín dụng (đặc biệt là từ khách hàng cá nhân) sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Việc cắt giảm thêm lãi suất điều hành hiện nay cũng sẽ giúp giảm hình thành nợ xấu và hỗ trợ nhẹ cho NIM của các ngân hàng tăng trong nửa cuối năm 2023. Còn đối với thị trường chứng khoán, việc giảm lãi suất cũng giúp dòng tiền chuyển hướng từ tiết kiệm sang đầu tư.
Tuy nhiên, các đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian ngắn của NHNN cũng có nguy cơ gây áp lực lên tỷ giá USD/VND và dòng chảy ngoại hối trong một nền kinh tế nhỏ nhưng mở như Việt Nam. Điều này cần được theo dõi cẩn thận, trong bối cảnh Fed đã báo hiệu khả năng tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, mặc dù Fed vẫn giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 6 gần đây.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Lãi suất đang bắt đầu hạ nhiệt và về dài hạn sẽ kích thích dòng tiền tập trung vào một số lĩnh vực mà chứng khoán là kênh sẽ thu hút tương đối dòng vốn giá rẻ. Hiện tại, một lượng lớn dòng tiền đã quay lại kênh chứng khoán và khi thị trường tăng trưởng tích cực sẽ càng thu hút dòng tiền mạnh hơn.
Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Với việc hạ lãi suất lần này có thể nói rằng mức lãi suất tiền gửi thực sự thấp và điều đó chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của người dân. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn, người có tiền cũng chưa nhìn thấy triển vọng nào. Vì thế, hoặc họ sẽ gửi vào ngân hàng, hoặc họ sẽ tìm kiếm cơ hội trên kênh đầu tư mạo hiểm hơn là chứng khoán.
Thống kê tuần qua dòng vốn tổ chức trong nước và nước ngoài là đối tượng mua ròng khá tích cực có thể là sự phản ánh điều này dù đây chưa đủ con số để khẳng định. Tuy nhiên, nếu nhìn vào TTCK của rất nhiều quốc gia, thậm chí cả những đang vật lộn với lạm phát và lãi suất cao thì TTCK vẫn tăng mạnh như Argentina, Lào, Thổ Nhĩ Kỳ… cho thấy rằng tiền đang tìm kênh sinh lời dù có mạo hiểm. Trong khi thống kê chung tại TTCK châu Á thì 2 chỉ số HNX-Index và VN-Index vẫn nằm trong nhóm có mức hồi phục rất thấp cùng với các chỉ số của Trung Quốc.
Có thể nhìn thấy đà khởi sắc của thị trường gần đây với thanh khoản cao trong các phiên đã khiến nhà đầu tư quay trở lại với nhóm cổ phiếu được cho là hưởng lợi lớn nhất là các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, đà tăng của nhóm này không vững khi nhiều nhà đầu tư tranh thủ chốt lời sớm. Ông/bà đánh giá như thế nào đối với nhóm cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Việc giảm lãi suất sẽ tác động tích cực trực tiếp lên nhóm cổ phiếu chứng khoán trong thời gian tới. Đồng thời, thanh khoản của TTCK đang có triển vọng tích cực hơn và tôi dự báo thanh khoản trung bình trong 6 tháng cuối năm có thể đạt mức 15.000 tỷ đồng/phiên.
Ngoài ra, tôi dự báo xu hướng của TTCK Việt Nam sẽ có xu hướng tăng rõ ràng hơn trong 6 tháng cuối năm, cho nên nguồn thu từ tự doanh của các công ty chứng khoán cũng sẽ tích cực hơn. Do đó, tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của nhóm chứng khoán có thể tăng trưởng so với 6 tháng cuối năm cùng kỳ do mức nền thấp trong 6 tháng cuối năm 2022.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Với nhóm các công ty chứng khoán, tôi cho rằng triển vọng hồi phục trong quý II của các công ty chứng khoán so với quý I có thể sẽ xuất hiện khi thanh khoản trung bình của HOSE từ đầu tháng 4 tới nay đạt trên 13.000 tỷ đồng, cao hơn 31% so với quý I/2023, đồng thời điểm số thị trường cũng tiếp tục tăng khoảng 5% trong quý II, cho thấy kết quả hoạt động môi giới và tự doanh có thể có sự khởi sắc.
Bên cạnh đó, quan sát yếu tố lãi suất tại các ngân hàng thương mại, có thể thấy diễn biến lãi suất kể từ quý II đã có sự đi xuống khá mạnh mẽ, sau nhiều biện pháp từ NHNN trong việc điều hành chính sách lãi suất thời gian qua. Do đó, với một ngành nghề có beta cao như chứng khoán, giá cổ phiếu thường phản ánh ngay kỳ vọng sau khi các thông tin về lãi suất được công bố.
Một điểm cần chú ý khác là mặt bằng định giá của nhóm chứng khoán đang có xu hướng tăng khá mạnh, chủ yếu đang ở mức trung bình lịch sử, cá biệt một số cổ phiếu đang vượt mức trung bình lịch sử + 1 lần độ lệch chuẩn. Do đó, áp lực chốt lời ngắn hạn có thể xuất hiện, song tôi kỳ vọng xu hướng trung-dài hạn của nhóm chứng khoán vẫn sẽ là tăng giá chủ đạo nhờ các chính sách nới lỏng dần gần đây cũng như số tài khoản mở mới cũng đã bắt đầu tăng trở lại.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK Bản Việt
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh |
Với thanh khoản gần đây tăng tạo thuận lợi cho nghiệp vụ môi giới của các công ty chứng khoán vốn dựa vào việc thu phí. Đà khởi sắc tăng của thị trường cũng giúp khách hàng mạnh tay sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn, margin tăng thì phí thu được của các công ty chứng khoán cũng tăng. Ngoài ra, thị trường khởi sắc thì các mảng tư vấn doanh nghiệp, tự doanh của các công ty chứng khoán cũng tốt hơn. Do vậy, việc các cổ phiếu chứng khoán hưởng lợi từ thị trường khởi sắc là hiển nhiên. Tuy nhiên, với việc giá cổ phiếu tăng nhanh trong thời gian qua thì một số nhà đầu tư chốt lời là không tránh được.
Những công ty chứng khoán không bị ảnh hưởng nhiều bởi trái phiếu hoặc danh mục đầu tư không có trái phiếu, nếu thị trường vẫn tiếp tục thanh khoản tốt thì cổ phiếu của các công ty này vẫn có thể đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã lấy lại mốc giá cũ của 1 năm trước với mốc tăng trưởng trên 50% kể từ đáy. Ở vùng giá này nhiều cổ phiếu đã không còn mấy hấp dẫn về mặt định giá, vì vậy áp lực bán chốt lãi sẽ gia tăng trong thời gian tới. Nếu hoạt động kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán khởi sắc trở lại trong quý II thì sẽ kích thích dòng tiền tiếp tục tham gia đầu tư vào nhóm này.
Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Có nhiều người tin rằng lãi suất giảm thì cố phiếu ngành chứng khoán sẽ tốt bởi tiền sẽ vào thị trường. Thực tế, nếu tiền chảy vào TTCK thì nó sẽ lan tỏa và tìm tới bất cứ cổ phiếu nào có cơ hội. Tuy nhiên, ngành chứng khoán hưởng lợi không chỉ riêng thanh khoản, chúng ta cần nhìn nhận ở những mảng kinh doanh của họ. Mảng môi giới đang cạnh tranh khốc liệt và có rất nhiều công ty đang có chiến lược mới và hạ dần phí giao dịch. Ngoài ra, các mảng khác như tự doanh, IB đề không dễ dàng gì trong giai đoạn này.
Trong khi đó, nếu xét theo hệ số kinh doanh thì chưa chắc đã hấp dẫn khi mà vốn của các công ty đang rất lớn. Quan sát nhóm này có thể thấy khá nhiều cổ phiếu tăng gấp 2 lần kể từ đáy, hay tăng 2 lần chỉ trong vài tháng là mức tăng có thể nói cao nhất trong các ngành của thị trường.
Bên cạnh việc NHNN liên tục đưa ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ, thị trường cũng kỳ vọng thông qua nhiều chính sách được đề xuất tại kỳ họp Quốc hội lần 5 khóa XV liên quan đến thị trường bán lẻ, bất động sản hay hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu giúp thị trường hồi phục tích cực, bền vững hơn. Nếu nhìn từ chuyển động này, nhóm ngành, nhóm cổ phiếu cụ thể nào có nhiều cơ hội hơn?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi kỳ vọng bức tranh tín dụng có thể sáng sủa hơn trong thời điểm 6 tháng cuối năm khi lãi suất giảm và tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng tích cực hơn so với 6 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, các chính sách tài khóa cũng đang là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Do đó, các yếu tố cộng hưởng trên có thể sớm thúc đẩy kinh tế bước vào chu kỳ đầu hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2023 với các nhóm được kỳ vọng như bất động sản, chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng, sản xuất thực phẩm, du lịch, bán lẻ, ô tô.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Theo quan điểm của tôi, yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp thương mại không chỉ từ phía nguồn cung mà còn phải tới từ nhu cầu người tiêu dùng. Trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh ở cả trong nước lẫn quốc tế thời gian qua, thu nhập khả dụng của người dân có xu hướng suy giảm, dẫn tới sự suy yếu về nhu cầu tiêu thụ trong ngành hàng bán lẻ cũng như xuất khẩu.
Lãi suất điều hành trong nước đang giảm đáng kể thời gian gần đây sẽ là cơ hội để người dân gia tăng chi tiêu nhờ cơ hội kiếm việc làm cao hơn và lãi suất trả góp thấp hơn.
Với thị trường xuất khẩu, tôi cho rằng, cần phải có thêm thời gian do lạm phát cũng như mặt bằng lãi suất ở các thị trường lớn như EU, Mỹ đều đang ở mức cao, trong khi thị trường Trung Quốc đang chứng kiến nhu cầu tiêu thụ yếu hơn kỳ vọng.
Với nhóm ngành sản xuất, yếu tố lãi vay suy giảm cũng sẽ là điểm sáng hỗ trợ lợi nhuận cho các doanh nghiệp, song tuỳ vào quy mô vay nợ thì sẽ tác động nhiều hay ít lên lợi nhuận. Tôi cho rằng thời gian tới, với việc duy trì động thái nới lỏng tiền tệ, tôi kỳ vọng một số nhóm ngành sau sẽ được hưởng lợi sớm nhất:
(1) Nhóm ngành chứng khoán, bất động sản, với hệ số beta lớn sẽ có độ nhạy cao với diễn biến lãi suất.
(2) Nhóm doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định lớn như thép, điện có thể được hưởng lợi khi lãi suất giảm sẽ giảm tác động tiêu cực lên lợi nhuận.
(3) Nhóm bán lẻ, thực phẩm đồ uống khi lãi suất cho vay suy giảm sẽ giúp (i) Các doanh nghiệp giảm bớt áp lực lãi vay và (ii) Nhu cầu tiêu thụ của người dân sẽ tăng trở lại khi giảm được gánh nặng chi phí phải trả.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Các nhóm ngành sản xuất, thương mại, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ phục hồi dần trở lại trong nửa kỳ sau của năm nhưng mức độ sẽ tuỳ ngành. Một số ngành như vật liệu xây dựng, thuỷ sản, dệt may có thể quan tâm trong thời gian tới khi đang dần tạo đáy và tăng trưởng trở lại nhờ hoạt động xuất khẩu ổn định và nhu cầu đầu tư xây dựng gia tăng.
Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Ông Nguyễn Hữu Bình |
Góc nhìn của tôi là dù lãi suất có giảm, nhưng tín dụng thực sự chưa chắc đã tích cực khi mà nền kinh tế còn đang gặp nhiều khó khăn. Cần nhìn nhận một điểm khác biệt so với những lần trước là sự suy thoái lần này là bị tác động cả trong lẫn ngoài. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu, vào FDI mà mảng này đang chịu ảnh hưởng bởi thế giới.
Chúng ta còn chưa nhìn thấy và còn tiếp tục dự báo kinh tế thế giới những quý kế tiếp còn tiếp tục suy giảm thì làm sao để xuất khẩu. Từ đó, thu nhập của người dân sẽ ngày càng yếu đi thì dù có giảm lãi suất cũng chỉ tác động phần nhỏ.
Nhìn sang Trung Quốc hay Nhật Bản, những nước đang đi ngược thế giới là nới lỏng tiền tệ thay vì thắt chặt, nhưng tiêu dùng nội địa của họ vẫn rất khiêm tốn. Tóm lại tôi cho rằng, vào thời điểm này chưa nhìn thấy rõ nhóm ngành nào hưởng lợi, mà hưởng lợi chung của tất cả những ai đang vay vốn khi lãi suất hạ nhiệt. Lãi suất không phải là yếu tố quyết định, dù có giảm nữa mà đầu ra của sản xuất không có thì không ai dám vay. Còn khi có đầu ra thì lãi suất dù tăng mạnh vẫn vay bình thường.