Nhập khẩu dầu Nga
Theo Nikkei Asia, chính phủ Pakistan đang ca ngợi và cho rằng việc nhập khẩu lô dầu mỏ đầu tiên của Nga là một bước ngoặt đối với nền kinh tế đang suy thoái, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng còn quá sớm để kết luận rằng thỏa thuận này sẽ giúp ích được nhiều cho Pakistan.
Trước đó, một con tàu chở khoảng 330.000 thùng dầu thô của Nga đã cập cảng Karachi. Một tàu khác với lượng dầu nhiều hơn một chút dự kiến sẽ đến vào tuần tới. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gọi các lô hàng nhập khẩu này đánh dấu bước tiến mới của nền kinh tế đất nước.
"Đây là chuyến hàng dầu đầu tiên của Nga đến Pakistan và là khởi đầu của mối quan hệ mới giữa Pakistan và Liên bang Nga," ông viết trên Twitter.
Dầu của Nga sẽ được tinh chế bởi Nhà máy Lọc dầu Pakistan (PRL) trong giai đoạn thử nghiệm. Nhà máy lọc dầu sẽ nộp báo cáo lên chính phủ về khả năng kỹ thuật và thương mại của việc sử dụng dầu. Nhưng trước khi quá trình đó hoàn tất, Pakistan đã bắt đầu nói về những lợi ích mà người dân Pakistan - vốn đang mệt mỏi vì lạm phát - sẽ được hưởng.
Bộ trưởng phụ trách dầu mỏ của Pakistan cho biết nhập khẩu dầu của Nga sẽ giúp giảm giá hàng hóa trong nước, nhưng chi tiết về thỏa thuận mua hàng này không được công khai cụ thể. Ảnh: ReutersMusadik Malik, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ, nói với truyền thông địa phương rằng một khi Pakistan bắt đầu nhận được nguồn cung cấp dầu mỏ thường xuyên của Nga, điều đó sẽ dẫn đến sự sụt giảm lớn về giá nhiên liệu. Ông Malik tuyên bố rằng Islamabad đã nhận được mức giá ưu đãi từ Moscow khi mua hàng, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.
Những vấn đề khó giải quyết
Pakistan đã trả khoảng 13 tỷ USD để nhập khẩu dầu cho 80% nhu cầu của mình trong năm tài chính 2022-2023. Nhưng giống như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, nước này đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Ukraine và còn gặp thêm khủng hoảng chính trị trong nước.
Trong khi đó, Moscow đã bị phương Tây áp hàng loạt các lệnh trừng phạt. Ấn Độ đã nắm bắt cơ hội để mua dầu với giá cả phải chăng của Nga, và giờ đây, Islamabad cũng đang tính đến việc đi theo con đường tương tự.
Tuy nhiên, những lợi ích có thể sẽ không đến dễ dàng như vậy.
Aftab Zafar, một cố vấn dầu mỏ ở Islamabad, lo ngại rằng bất kỳ khoản giảm giá nào mà Pakistan nhận được từ dầu Nga cũng sẽ bị "bù trừ" bởi chi phí vận chuyển cao . Dầu của Nga cũng có tính chất khác so với dầu diesel, vốn không phù hợp với nhu cầu của Pakistan.
Ông Zafar cho rằng việc nhập khẩu từ Nga là một dự án thử nghiệm bí ẩn khi chỉ có vài chi tiết được công khai. Ông nói với Nikkei: "Cần phải minh bạch để hiểu được tính kinh tế và khả năng thương mại của việc Pakistan nhập khẩu dầu Nga".
G.A. Sabri, cựu thư ký liên bang về dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên, cho biết: "Về mặt kỹ thuật, việc tinh chế dầu thô của Nga không phải là vấn đề. Khía cạnh kinh tế đang được đánh giá bởi PRL, một nhà máy lọc dầu dày dạn kinh nghiệm". Tuy nhiên, Sabri cho biết còn quá sớm để tuyên bố rằng nhập khẩu dầu Nga là một bước đi thắng lợi.
Một câu hỏi khác được đặt ra là Pakistan sẽ thanh toán cho Moscow như thế nào. Bộ trưởng Dầu mỏ Malik tiết lộ rằng Islamabad đang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, một sự khác biệt so với thông lệ thanh toán bằng USD, trong bối cảnh Pakistan chịu áp lực nặng nề đối với dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, không rõ hiện đang có những thỏa thuận nào đã được thực hiện để tạo thuận lợi cho các giao dịch.
"Thanh toán bằng nhân dân tệ là một sự thay đổi lớn, nhưng chúng tôi không chắc Islamabad có bao nhiêu nhân dân tệ dự trữ" , Sabri lưu ý.
Chính phủ Pakistan cũng đang tăng cường nguồn cung khí hóa lỏng (LPG) vào đất nước. Hôm 13/6, 10 container chở 5.000 tấn LPG đã đến biên giới Torkham ở Pakistan từ Uzbekistan, qua Afghanistan. Theo báo cáo phương tiện truyền thông địa phương, 5.000 tấn LPG từ Turkmenistan và 10.000 tấn từ Nga cũng sẽ sớm đến Pakistan qua Afghanistan.
Abdul Rehman, một chuyên gia về thị trường vốn và năng lượng có trụ sở tại Lahore, gọi đây là một bước phát triển tích cực đối với an ninh năng lượng. "Đó là một thỏa thuận mua bán không có cam kết kèm theo", ông nói.
Ông lưu ý rằng nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Á có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển so với các nguồn hiện có ở vùng Vịnh và Iran, vì 70% nhu cầu là ở các khu vực phía bắc của Pakistan - gần các quốc gia Trung Á hơn.