Tăng phí kiểm định nhưng không thả nổi
Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới do Cục Đăng kiểm tổ chức cuối tuần qua, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội kiến nghị: "Bộ GTVT cần khẩn trương xây dựng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới để sớm ban hành tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên địa bàn TP". Đại diện một số TTĐK cũng phản ánh, từ năm 2013 đến nay, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thay đổi, trong khi đó lạm phát liên tục tăng cao, tiền trượt giá, thậm chí lương cơ bản cũng được tăng nhiều lần. Việc này khiến các đơn vị đăng kiểm gặp khó khăn trong việc xoay xở chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, việc sụt giảm lượng phương tiện đến đăng kiểm thời gian vừa qua do thay đổi quy định về chu kỳ kiểm định, miễn đăng kiểm lần đầu xe cơ giới cũng khiến các trung tâm bị sụt giảm doanh thu, khó khăn trong duy trì hoạt động.
Theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT), hiện nay Cục Đăng kiểm VN đang tích cực triển khai việc lên phương án giá dịch vụ kiểm định mới để đề xuất với Bộ Tài chính, Quốc hội đưa vào điều chỉnh trong dự thảo luật Giá (sửa đổi) đang được xin ý kiến. Dự kiến trong kỳ họp Quốc hội tới, dự thảo luật Giá (sửa đổi) sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét thông qua. Nếu thuận lợi sẽ có giá dịch vụ kiểm định mới vào đầu năm sau.
Về phương án xây dựng giá mới, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cho biết căn cứ vào dự thảo luật Giá (sửa đổi), dịch vụ kiểm định vẫn là dịch vụ thiết yếu, do đó cần được nhà nước quy định giá và không thể để thả nổi. Do đó, Cục Đăng kiểm VN đang xây dựng phương án giá mới theo hướng tính giá ở từng công đoạn kiểm định tùy theo thời gian thực hiện, chi phí thực hiện, khấu hao, ngày công, áp dụng giá linh hoạt phù hợp với từng địa phương, bởi các TTĐK ở nội thành sẽ tốn kém chi phí thuê mặt bằng, xây dựng… hơn so với các đơn vị vùng ngoại ô, nông thôn. Ngoài ra, theo phương án điều chỉnh giá dự kiến, nếu phương tiện không đạt ở công đoạn nào, sau khi khắc phục quay lại kiểm định lần 2, TTĐK sẽ kiểm tra lại và chỉ thu tiền phí thực hiện đúng công đoạn đó, thay vì thu theo lượt kiểm định như hiện nay. Việc này sẽ đảm bảo độ chính xác, minh bạch và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Nhận bàn giao, địa phương lúng túng
Một trong những chuyển biến lớn về mặt quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm thời gian tới là chuyển giao hoạt động giám sát về các địa phương. Theo đó, các Sở GTVT ở địa phương sẽ thực hiện công tác đánh giá điều kiện hoạt động đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
Để phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động kiểm định, Cục Đăng kiểm đã xây dựng hệ thống phần mềm về quản lý kiểm định, tra cứu dữ liệu, camera giám sát. Hiện các Sở GTVT đã được cấp tài khoản camera giám sát để truy cập quan sát quá trình hoạt động tại các TTĐK cùng các công cụ tra cứu dữ liệu phương tiện. Cục Đăng kiểm cũng đang phát triển hệ thống quản trị riêng để xây dựng nền tảng dữ liệu cung cấp đến từng Sở GTVT địa phương, giúp các sở nắm bắt được số lượng TTĐK trên địa bàn, trung tâm nào đang hoạt động hay dừng hoạt động, có đang sử dụng hệ thống bổ trợ của Cục Đăng kiểm VN hay không; năng suất kiểm định của từng TTĐK; số lượng và thông tin các đăng kiểm viên tại mỗi đơn vị đăng kiểm…
Tại hội nghị, đại diện các Sở GTVT Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa, Hải Dương... đã đề nghị Cục Đăng kiểm sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể các Sở GTVT thực hiện công tác quản lý kiểm định xe cơ giới trên địa bàn, vì hiện nay mọi thứ vẫn còn khá mới mẻ và chưa đủ nhân lực, kinh nghiệm để quản lý, nhất là hoạt động đánh giá cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận hoạt động TTĐK. Ông Nguyễn Chiến Thắng trả lời: "Nghị định 30 đã quy định rõ Sở GTVT là đơn vị đầu mối, chủ trì để thực hiện, bên cạnh đó còn có sự phối hợp của các sở, ngành liên quan...".
Doanh nghiệp vẫn than phiền quy trình rối rắm
Trao đổi với PV Thanh Niên, một số doanh nghiệp vận tải cho biết tình hình đăng kiểm đã "dễ thở" hơn vì lượng xe gia đình, xe không kinh doanh được gia hạn tự động, giảm bớt áp lực trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, các quy định về thủ tục, quy trình hồ sơ hiện nay khá phiền phức, đơn cử như quy định về giấy chứng nhận kiểm định hoặc tem kiểm định bị mất, hư hỏng thì phải đưa phương tiện đi kiểm định lại. Điều này gây mất thời gian, trong khi các trường hợp khác chỉ cần đơn cớ mất có xác nhận địa phương là được cấp lại mà không cần phải mang phương tiện kiểm định lại. Đại diện Bộ GTVT cho biết sẽ sớm ban hành thủ tục hành chính có liên quan hoạt động cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận hoạt động kiểm định xe cơ giới, đặc biệt về thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết hồ sơ, dự kiến sẽ công bố quy trình thủ tục hành chính trong tuần tới để các địa phương triển khai, thực hiện.