Gặp Trần Đăng Đạt, đồng sáng lập Công ty TNHH Đạt Butter (Đạt Foods; nhà máy tại huyện Củ Chi, TP HCM) khi anh trực tiếp giới thiệu, mời khách dùng thử sản phẩm tại sự kiện khai trương cửa hàng thực phẩm hữu cơ của đối tác trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM nhưng không có thời gian chuyện trò nhiều vì anh phải tập trung vào chuyên môn. Trước đó, chúng tôi đã được một chuyên gia về khởi nghiệp giới thiệu về Đạt và dự án "lạ" của anh.
Cơ duyên với hạt đậu phộng
"Đó là một dự án lạ. Mới khởi nghiệp đã muốn làm doanh nghiệp (DN) tác động xã hội. Thường những DN làm ăn lâu năm, có của ăn của để mới suy nghĩ đến những dự án tác động tích cực đến xã hội. Còn mới khởi nghiệp thì lo cho DN mình tồn tại cái đã" - chuyên gia này nói vui.
Trần Đăng Đạt thu hoạch đậu phộng cho Đạt Foods .Ảnh: AN NA
Đạt giải thích công ty anh muốn thiết lập lại một chuỗi cung ứng thực phẩm công bằng hơn, mô hình DN thân thiện hơn. Trước khi khởi nghiệp, Đạt đã có kinh nghiệm 7 năm làm việc cho một tập đoàn thực phẩm công nghiệp lớn tại Việt Nam. Anh hiểu được mặt trái của thực phẩm công nghiệp: thực phẩm sản xuất với số lượng lớn nhưng không lành mạnh, sử dụng nhiều hóa chất phụ gia, chỉ đáp ứng nhu cầu ăn no của con người. Ngoài ra, sự chênh lệch thu nhập quá lớn giữa các cấp quản lý và công nhân khiến anh không còn thấy đây là môi trường làm việc phù hợp. Đạt đi học thêm tiếng Anh, nhờ đó gặp những người bạn cùng chí hướng, cùng sáng lập Đạt Foods vào năm 2017, sau khi Đạt chính thức nghỉ việc.
Đạt Foods bắt đầu với cây đậu phộng và bơ đậu phộng - một sản phẩm khá lạ với phần đông người Việt. Cơ duyên xuất phát từ một thành viên trong nhóm sáng lập là người Việt quốc tịch Mỹ đã quen dùng bơ đậu phộng nhưng về Việt Nam phải dùng hàng nhập khẩu. Trong khi đó, sản phẩm nhập khẩu để lâu nên không ngon. Khách nước ngoài đến Việt Nam cũng muốn trải nghiệm sản phẩm bản địa tươi mới nhưng thị trường không có. "Chúng tôi đi khảo sát thị trường thì đúng là Việt Nam không có bơ đậu phộng, nhất là hàng không có phụ gia, chất bảo quản. Chúng tôi xác định đây là thị trường ngách và DN khởi nghiệp có cơ hội vì thị trường nhỏ, những "ông lớn" không quan tâm" - Đạt nhớ lại.
Thuận lợi tiếp theo là thành viên còn lại trong nhóm có đất làm dự án trồng rau sạch nhưng không thành công nên chuyển hướng trồng đậu phộng không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu. Nhóm thuyết phục nông dân tham gia vùng nguyên liệu trồng đậu phộng sạch. Cây đậu phộng dễ trồng, giúp cải tạo đất, thân cây còn là thức ăn rất tốt cho bò nên người dân đồng ý. Có nguyên liệu sạch, có chuyên môn về chế biến thực phẩm của Đạt, cả nhóm bắt tay vào nghiên cứu ra sản phẩm theo nguyên tắc không phụ gia, không chất bảo quản.
Do sản phẩm chủ lực là từ bơ - món ăn của người nước ngoài - nên khách Tây chiếm đến 70%, hiện tỉ lệ này có giảm nhưng vẫn ở mức 50-50. "Người Việt ăn uống theo gu nước ngoài ngày càng nhiều; ngoài ra, xu hướng ăn uống tăng sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật (plant-based), các loại hạt cũng khiến sản phẩm của Đạt Foods tăng trưởng tốt và quen thuộc hơn với người Việt" - đại diện Đạt Butter cho hay.
Những cột mốc đáng nhớ
Tháng 6-2018, sản phẩm của DN được đưa vào kinh doanh tại Big C. Đây là một sự công nhận đối với chất lượng sản phẩm của Đạt Foods, giúp thương hiệu lan tỏa, lần lượt xuất hiện trên quầy kệ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm cao cấp và kênh online. Ngoài ra, Đạt Foods còn xuất khẩu được sản phẩm dưới dạng nguyên liệu sang Úc, xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu Đạt Foods sang Canada, Nhật Bản, Singapore.
Vào cuối năm 2021, 2 sản phẩm bơ đậu phộng mịn và bơ đậu phộng hạt của Đạt Foods được UBND TP HCM cấp chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao ngay đợt đầu tiên. Hiện nay, DN đang tiếp tục làm hồ sơ OCOP cho 3 sản phẩm nhóm dầu ăn (đậu phộng, mè vàng, mè đen) cho đợt đánh giá tiếp theo.
Sau nhiều năm theo đuổi con đường thực phẩm sạch, dự kiến tháng 7-2023, Đạt Foods sẽ có các sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế (tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu và Nhật Bản). "Đạt Foods sẽ bắt đầu đánh giá chứng nhận từ nhà máy, nguyên liệu lấy từ vùng trồng đã có chứng nhận hữu cơ sẵn, sau đó DN sẽ tiếp tục mở rộng đánh giá đến những vùng trồng do DN xây dựng" - Trần Đăng Đạt cho hay.
Tiếp tục giải bài toán khó
Trần Đăng Đạt thừa nhận bản thân dự án còn nhỏ nên tác động xã hội chưa nhiều, những điều anh trăn trở khi bắt đầu khởi nghiệp vẫn là bài toán khó phải giải. Anh trăn trở nhiều về sự thiệt thòi của người tiêu dùng Việt khi thị trường còn nhiều sản phẩm trôi nổi trong khi sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ có giá quá cao. "Đạt Foods nhờ áp dụng máy móc, tổ chức lại sản xuất đã giảm được 50% giá bán so với giai đoạn đầu tiên, giúp lượng hàng bán ra nhiều hơn" - Đạt tự hào.
Từ việc vận hành một nhà máy thực phẩm tinh gọn hiện hữu, Đạt đặt mục tiêu mở những nhà máy tương tự tại các vùng nguyên liệu ở miền Bắc, miền Trung để tiết kiệm chi phí. "Mỗi nhà máy chỉ cần vài nhân sự có chuyên môn là người địa phương. Họ được sống ngay tại địa phương, gần gia đình, còn nhân sự tại TP HCM chỉ lo khâu điều hành chung, bán hàng..." - anh bày tỏ.
Xem thêm: mth.20174141281603202-sdoof-tad-auc-id-gnouh/et-hnik/nv.moc.dln