Đó là đầu bếp và đại sứ ẩm thực Guillaume Gomez. Ông vừa có chuyến công tác đến Việt Nam cuối tháng 5 vừa qua để làm giám khảo cuộc thi làm bánh mì baguette.
Hai nguyên tắc nấu ăn cho tổng thống
Tháng 5-2012, vài ngày trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã trao cho ông Guillaume Gomez Huân chương Công trạng quốc gia (Ordre national du Mérite) cùng với lời nhận xét: "Anh không thể tưởng tượng được anh có ý nghĩa như thế nào đối với hình ảnh nước Pháp".
Câu nói này có lẽ đã đủ để khái quát 25 năm cống hiến của Gomez với Điện Élysée.
Gomez vào làm việc tại Điện Élysée năm 1997. Tới năm 2004, ở tuổi 25, Gomez đạt danh hiệu cao quý "Meilleur ouvrier de France" (MOF - Nghệ nhân hàng đầu nước Pháp). Đây là giải thưởng tổ chức bốn năm một lần tại Pháp để vinh danh những nghệ nhân tài năng ở những ngành nghề thủ công, trong đó có đầu bếp và thợ làm bánh ngọt.
Khi đó, Gomez được đích thân Tổng thống Pháp Jacques Chirac trao danh hiệu MOF, trở thành người trẻ tuổi nhất trong lịch sử từng đạt danh hiệu này ở hạng mục ẩm thực.
Tới năm 2013, sự nghiệp của ông Gomez sang trang khi kế nhiệm ông Bernard Vaussion, trở thành bếp trưởng tại Điện Élysée (dinh Tổng thống Pháp).
Tính đến khi rời Điện Élysée năm 2021, ông Gomez đã có 25 năm làm việc tại Phủ Tổng thống Pháp, phục vụ bốn đời tổng thống từ Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy, François Hollande cho tới Emmanuel Macron.
Gomez thừa nhận rằng công việc làm bếp trưởng ở Điện Élysée có những căng thẳng và áp lực nhất định. Cho nên đối với ông, một người bếp trưởng là người cần biết cách quản lý áp lực.
"Tôi nghĩ rằng điều làm nên sự khác biệt giữa vị trí bếp trưởng tại dinh tổng thống so với bếp trưởng ở nhà hàng hay khách sạn, đó là khả năng quản lý căng thẳng và khả năng phản ứng", ông Gomez chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Tính chất thời gian trong công việc của ông Gomez không giống như bếp trưởng tại một nhà hàng hay một khách sạn. Một khi tổng thống ngồi vào bàn ăn, mọi thứ đều phải đã sẵn sàng, bếp trưởng không thể giải thích vì sao bữa ăn chưa được chuẩn bị đầy đủ. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất.
Nguyên tắc thứ hai là không nói về sở thích cụ thể của các tổng thống. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp ông Gomez làm việc tại Điện Élysée lâu như vậy. Lý do đằng sau nguyên tắc này đến từ "bài học" liên quan đến cựu Tổng thống Jacques Chirac.
Theo ông Gomez, một nhà báo đã hỏi phu nhân ông Chirac, bà Bernadette Chirac, rằng "Đâu là món ăn mà chồng bà ưa thích nhất?". Và bà ấy đã trả lời rằng đó là món đầu bê.
"Kể từ đó, bất kể ông Chirac đi tới đâu, người ta đều phục vụ ông ấy món đầu bê, kể cả sau khi uống cà phê hay cả khi ông ấy không gọi món đó", ông Gomez cười kể.
Giao thoa ẩm thực Việt - Pháp
Qua nhiều thế kỷ, ẩm thực Pháp đã phát triển và chịu ảnh hưởng từ nhiều nền ẩm thực khác. Các sản phẩm như cà chua, vốn có nguồn gốc từ Nam Mỹ, mì từ Trung Quốc, ngô, khoai tây... vốn không phải có nguồn gốc từ Pháp, từ lâu đã xuất hiện trong ẩm thực Pháp.
Các loại nguyên liệu và gia vị nước ngoài đã truyền cảm hứng và làm phong phú thêm nền ẩm thực Pháp, trong đó ẩm thực Việt cũng không ngoại lệ. "Các đầu bếp người Pháp ở Việt Nam nói với tôi rằng hai nền ẩm thực Pháp và Việt có rất nhiều điểm giống nhau, dù là ở kỹ thuật hay ở gia vị", ông Gomez chia sẻ.
Tất nhiên, các món ăn không giống nhau nhưng có sự giao thoa giữa hai nền ẩm thực. Ông Gomez kể rằng là người yêu ẩm thực châu Á, cựu Tổng thống Jacques Chirac yêu tất cả các món ăn châu Á như món Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia.
Vì vậy, đó cũng là điều giúp các đầu bếp tại Điện Élysée có tư tưởng cởi mở với một nền ẩm thực khác ngoài ẩm thực Pháp.
Đầu năm 2021, ông Guillaume Gomez thôi việc tại Điện Élysée, rồi trở thành đặc phái viên của tổng thống Pháp, có nhiệm vụ như một đại sứ về ẩm thực. Ông đi khắp nơi để lan tỏa các giá trị của ẩm thực Pháp thông qua tất cả những người làm việc trong lĩnh vực này, từ các nhà sản xuất cho đến các nghệ nhân, các nhà phân phối...
Cuối tháng 5 vừa qua, ông Guillaume Gomez có dịp qua Việt Nam làm giám khảo cuộc thi làm bánh mì baguette (loại bánh mì dài của Pháp). Cuộc thi do Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức nhằm tôn vinh tình hữu nghị Pháp - Việt nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Giải nhất cuộc thi thuộc về một người Việt.
Sau đó, ông Guillaume Gomez đã cùng bà Tổng lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser ghé thăm nhà máy sơ chế trái cây của Andros Asia tại Tiền Giang, cũng như có buổi giao lưu cùng các em học sinh chuyên Pháp đang học tại Trường THPT Marie Curie (TP.HCM).
Mối lương duyên của ông Gomez với Việt Nam còn đến từ tổ chức phi chính phủ Vision du Monde - có mặt tại nhiều quốc gia và khu vực, trong đó có Việt Nam, châu Phi, Nam Mỹ. Ông Gomez tích cực phối hợp với chi nhánh của tổ chức này tại Pháp với mục tiêu giúp bảo vệ quyền trẻ em, quyền được giáo dục, quyền có cuộc sống tốt đẹp hơn tại mọi nơi trên thế giới.
Vision du monde có rất nhiều dự án, từ xây trường học, xây giếng để đảm bảo nước uống cho đến khóa giáo dục kỹ năng sống cơ bản. Đây cũng là những giá trị mà nước Pháp hướng đến thông qua khẩu hiệu "Tự do, bình đẳng, bác ái".
Cảm hứng nấu ăn từ cuộc sống thường ngày
Đối với ông Gomez, điều truyền cảm hứng nhất cho ông chính là tính "thời vụ" của công việc, tức là món ăn thay đổi theo địa điểm và theo mùa. Khi gặp gỡ những người cung cấp thực phẩm như người chăn nuôi, ngư dân..., họ sẽ kể ông Gomez nghe về quy trình sản xuất và sản phẩm của họ.
Từ đó, ông Gomez tìm thấy cảm hứng về cách tiếp cận mới với món ăn. Chẳng hạn như món gà vùng Landes ăn kèm măng tây, cách ông Gomez chế biến món này cho Tổng thống Jacques Chirac sẽ khác với cách chế biến cho Tổng thống Nicolas Sarkozy, Tổng thống François Hollande hay cho Tổng thống Emmanuel Macron.
Còn theo mùa vụ, có thể Điện Élysée sẽ đổi người cung cấp gà, măng tây hoặc đổi cách nấu, đổi nước xốt hay gia vị. Mỗi lần như thế sẽ sản sinh những nguồn cảm hứng mới. Nói cách khác, cảm hứng không đến từ đâu xa mà từ chính cuộc sống thường ngày.
Nếu ngoài đời có đầu bếp nổi tiếng từng tự tử vì bị hạ sao Michelin, thì trong điện ảnh, có những đầu bếp đánh mất bản thân, sa đọa sau khi nhận sao.