Giá điện là vấn đề được cử tri và đại biểu quan tâm.
Chiều nay (19/6), tại đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Lần sửa đổi này, mặt hàng nào định giá, bình ổn giá là vấn đề được nhiều vị đại biểu quan tâm, thảo luận.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình sẽ báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích nhiều ý kiến liên quan đến bình ổn giá, trong đó có đề nghị đưa mặt hàng “điện” vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về nguyên lý, biện pháp định giá là biện pháp điều tiết với mức độ cao nhất của Nhà nước đối với giá hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo các mục tiêu về hạn chế vị thế độc quyền, đảm bảo đời sống người dân phù hợp với các bối cảnh kinh tế xã hội.
Theo quy định tại Điều 30 Luật Điện lực, việc xem xét định giá, điều chỉnh giá điện phải trên cơ sở các yếu tố chi phí, đồng thời phải xem xét đánh giá về mức độ điều chỉnh, thời gian điều chỉnh, bối cảnh điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ nhằm đảm bảo đời sống người dân, tạo động lực cho sản xuất phát triển.
Như vậy, khi thực hiện biện pháp định giá, Nhà nước đã tính đến mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó đã có cả mục tiêu ổn định giá cả phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, tại Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tiếp tục kế thừa Luật hiện hành quy định mặt hàng điện thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và không quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
“Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không quy định mặt hàng này tại Dự thảo Luật”, báo cáo nêu rõ.
Về có đưa mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá hay không, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặt hàng này có tính chất như một thực phẩm chức năng và xét về mức độ biến động giá, phạm vi ảnh hưởng và tác động thì mặt hàng sữa đối với người cao tuổi không lớn so với mặt hàng sữa dành cho trẻ em.
Ngoài ra, xét về công cụ quản lý, điều tiết của Nhà nước thì trong trường hợp cần bình ổn thì có thể áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Dự thảo Luật, đó là “Trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn giá không nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nhưng cần thực hiện ngay, trên cơ sở đề nghị của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ đó.”.
Do vậy, tại thời điểm hiện nay, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định mặt hàng này tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá trong Dự thảo Luật.
Về ý kiến đề nghị xem xét, đánh giá việc đưa mặt hàng “thịt lợn” vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, chỉ ở mức 40-45% so với mức 65-70% như trước đây.
Cạnh đó, việc áp dụng bình ổn giá đồng nghĩa với việc phải kê khai giá. Việc kê khai giá thịt lợn là khó khả thi khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh; giá biến động từng ngày đối với mặt hàng này và các cá nhân kinh doanh cơ bản sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá như Dự thảo Luật quy định.
Theo quy định hiện hành, mặt hàng “thịt lợn” không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá.
Do vậy, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng không quy định mặt hàng này tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.