Ngày 19/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Toạ đàm “Số liệu thống kê và truyền thông chính sách”. Tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục trưởng Cục Thống kê nhấn mạnh, hiện các phương pháp thống kê đã có những thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển của xã hội.
Theo đó, bà Hương cho biết, sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới nảy sinh, sự tiếp cận đa dạng của người dùng tin cùng sự bùng nổ của công nghệ liên quan đến mọi mặt của đời sống đòi hỏi ngành Thống kê phải luôn vận động, đổi mới.
Do đó, với đặc thù của một ngành chuyên môn sâu, phương pháp luận của cơ quan thống kê luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Thông tin tại toạ đàm, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đến tháng 4/2023, dân số Việt Nam sẽ đạt quy mô 100 triệu dân. Vì vậy, Việt Nam sẽ trở thành một trong 3 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đạt mức 100 triệu người.
Đây là một sự kiện quan trọng, vậy nên Tổng cục Thống kê đã triển khai các công tác chuẩn bị, trong đó có công tác tuyền thông công bố sự kiện 100 triệu dân.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê đã trao đổi với các bộ ngành, thống nhất vào tháng 4 sẽ công bố sự kiện Việt Nam đạt 100 triệu dân.
Tuy nhiên, đến thời điểm chuẩn bị tổ chức, Bộ Công an đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị tạm hoãn tổ chức sự kiện này do dân số Việt Nam đã vượt 100 triệu, từ cơ sở dữ liệu dân cư của ngành công an.
Ông Tiến bày tỏ: “Đây là một sự kiện quan trọng được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện. Do đó, việc tạm hoãn là điều rất đáng tiếc, không mong muốn”.
Về nguyên nhân chênh lệch, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Bộ Công an trao đổi đã cấp mã định danh cho khoảng 104 triệu người, trong khi con số của ngành thống kê là mốc 100 triệu dân. Sau khi thực hiện rà soát, tính toán lại, cho thấy khái niệm, phạm vi thu thập thông tin khác nhau.
Việc xảy ra chênh lệch này là do Bộ Công an cập nhật bao gồm cả công dân Việt Nam làm việc tại nước ngoài. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê chỉghi nhận dân cư trong nước.
Theo Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 5 triệu công dân Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài, con số này trùng khớp với con số dư ra của Tổng cục Thống kê.
Ông Tiến cho rằng, do 2 cách tính khác nhau, khái niệm khác nhau, số liệu khác nhau dẫn đến việc xảy ra chênh lệch. Nếu trừ đi số lao động đang làm việc tại nước ngoài, thì Việt Nam sẽ có công dân thứ 100 triệu vào tháng 4/2023.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho rằng, việc rà soát lại số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Công an không phải để xác định cơ quan nào đúng, mà để xác định số liệu bị khuyết ở điểm nào, chưa trùng khớp ở đâu.