Sau khoảng thời gian lình xình từ đầu năm, thị trường chứng khoán hiện đang có mức tăng trưởng tích cực cùng sự thu hút của dòng tiền trở lại thị trường trong vòng 2 tháng gần đây.
Trong bối cảnh đó, không ít những cổ phiếu lớn nhỏ đều tranh thủ bứt phá, đáng chú ý cổ phiếu PVD của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) tại phiên giao dịch ngày 15/6 đã có mức tăng gần 4,3% lên 24.400 đồng/cổ phiếu, qua đó trở lại vùng giá cao nhất kể trong vòng 14 tháng, kể từ tháng 4 năm ngoái.
So với đáy dài hạn hồi tháng 11 năm ngoái, thị giá PVD đã tăng gần 88% lên mức 24.150 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá thị trường cũng theo đó tăng thêm hơn 6.300 tỷ đồng sau nửa năm, lên gần 13.600 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ số VN-Index tăng 1,6% kể từ đầu năm và tăng 3% trong vòng một tháng qua.
Hồi tháng 9/2022, trước thông báo về việc đưa cổ phiếu PVD vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin), nguyên nhân bởi lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của PV Drilling 6 tháng năm 2022 là số âm với gần 116 tỷ đồng, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý “nhanh tay” mua thêm 3,1 triệu cổ phiếu PVD.
Do đó, cổ phiếu này đã có mức tăng bứt phá thậm chí có thời điểm chạm trần trước khi áp lực chốt lời thu hẹp biên độ. Cổ phiếu PVD đóng cửa phiên 14/9 với mức tăng 2,9% và ghi nhận phiên thứ 4 liên tiếp bứt phá mạnh lên vùng 24.000 đồng/cổ phiếu. Tính từ vùng đáy xác nhận hồi đầu tháng 7, cổ phiếu này đã tăng gần 60% chỉ trong vòng hơn 2 tháng.
Ngoài ra, báo cáo của các công ty chứng khoán vẫn luôn đánh giá cổ phiếu PVD có tiềm năng tăng trưởng và được khuyến nghị đầu tư do giá thuê giàn khoan từ thời điểm đáy của năm 2022 sẽ còn tiếp tục cải thiện và PVD sẽ bắt đầu ký lại các hợp đồng thuê. Chính vì vậy, cổ phiếu này có sự quan tâm nhất định của dòng tiền đầu tư trên thị trường.
Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) được thành lập từ năm 2001 trên cơ sở Xí nghiệp Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí biển (PTSC Offshore). Năm 2009, sáp nhập CTCP Đầu tư Khoan Dầu khí Việt Nam (PVD Invest) vào Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí với vốn điều lệ tăng lên 2,105 tỷ đồng. PV Drilling hoạt động trong lĩnh vực sở hữu và điều hành giàn khoan biển & đất liền,…
Theo các chuyên gia, ngành dầu khí nói chung và cổ phiếu PVD nói riêng là ngành mang tính chu kỳ, phụ thuộc nhiều bởi biến động của giá dầu cũng như giá cho thuê giàn khoan trên thế giới.
Thời gian gần đây, nhóm dầu khí đã đón nhận được một số thông tin hỗ trợ tích cực đến từ tình hình triển khai các dự án trọng điểm trong nước, điển hình như đại dự án Lô B - Ô Môn.
Chứng khoán SSI nhận định, PVD là một trong những công ty dầu khí được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này do đóng vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng và khoan thượng nguồn để khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026.
Do đó, mặc cho thị trường đang trong trạng thái giằng co quanh mốc tham chiếu, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn có một mức tăng âm thầm đi ngược thị trường chung, PVS, PXS, PVC, POS,… đều tăng trên 4% giá trị; PVS bật tăng tới 8%, thậm chí PVB còn thiết lập mức tăng kịch trần “trắng bên mua”.
Lô B – Ô Môn là chuỗi dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn tại Lô B&48/95 và Lô 52/97 đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn. Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án dự kiến sẽ được phê duyệt vào tháng 6/2023 và dòng khí đầu tiên dự kiến được khai thác vào năm 2026.
Dựa trên giả định FID sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2023, SSI Research dự phóng cổ phiếu PVD có thể đạt CAGR lợi nhuận ròng giai đoạn 2023-2026 là 26%, trong đó backlog từ dự án Lô B sẽ là mấu chốt cho tốc độ tăng trưởng này.
Về bức tranh tài chính, trong quý I/2023, PVD ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.226 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm 8%, xuống 988 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 238 tỷ đồng, tăng 240% so với quý I/2022.
Doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng 78%, đạt gần 48 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng 77%, lên 98,5 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng 159%, lên 69,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 2% và 29%, lên 1,38 tỷ đồng và 111,4 tỷ đồng. Kết quả, công ty lãi sau thuế 52,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 75,1 tỷ đồng.
Theo bản giải trình, tất cả các giàn khoan tự nâng đều hoạt động xuyên suốt trong quý I/2023, so với quý I/2022, hiệu suất sử dụng giàn tự nâng chỉ đạt 55%. Bên cạnh đó, đơn giá cho thuê giàn tự nâng quý I/2023 tăng trên 20% so với quý I/2022 và tăng lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh.
Năm 2023, PV Drilling đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 5.400 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỳ vọng đạt 100 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 155 tỷ đồng. Như vậy, so với kết quả đạt được, PVD đã hoàn thành 22% chỉ tiêu doanh thu và 52,3% chỉ tiêu lợi nhuận năm.