Chiều 19-6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Tại tổ TP HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) diễn ra khá phổ biến đối với người dân mua chung cư hiện nay.
Bản thân gia đình ông cũng đang có căn hộ hiện nay chưa được cấp sổ hồng, dù chủ đầu tư đã bàn giao cho cư dân ở trên 3 năm. Đây cũng là nguyên nhân làm phát sinh khiếu kiện trên thực tế. Việc chậm cấp sổ hồng, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do chủ đầu tư chưa đủ hồ sơ pháp lý, hoặc đã mang dự án đi thế chấp...
Về một số nội dung cụ thể trong dự thảo luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân quan tâm đến nội dung nhà ở, công trình hình thành trong tương lai. Ông cho rằng cần có định nghĩa cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ hơn đối với bất động sản hình thành trong tương lai.
Trên thực tế, xảy ra các khiếu kiện, tranh chấp chủ yếu đến từ các bất động sản hình thành trong tương lai. "Một số tranh chấp phổ biến như bàn giao nhà trễ so với hợp đồng, giao không đúng chất lượng cam kết, không đảm bảo hạ tầng văn hóa - xã hội đúng như thiết kế, quy hoạch"- đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.
Vị đại biểu đoàn TP HCM cũng nêu có trường hợp đóng tiền nhưng cuối cùng không nhận được nhà do chủ đầu tư vi phạm. "Những vấn đề này rất bức xúc cho người dân, cho nên Luật lần này sửa đổi, ban hành cần quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, của cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép xây dựng"- ông Trần Hoàng Ngân kiến nghị và nhấn mạnh phải quan tâm hơn đến bảo vệ quyền lợi của người mua nhà.
Theo vị đại biểu, nhiều người dân khi mua nhà, giao tiền cho chủ đầu tư, phải trông ngóng từng ngày xem dự án xây dựng đến đâu, khi tòa nhà đã có hình hài mới bớt lo.
Theo tờ trình của Chính phủ, so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có một số điểm sửa đổi, bổ sung như sau:
Bổ sung quy định nguyên tắc trong kinh doanh dịch vụ bất động sản; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản; điều kiện đối với người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản.
Bổ sung điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tư vấn bất động sản; điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản; quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến dịch vụ tư vấn bất động sản; phạm vi, nguyên tắc kinh doanh dịch vụ tư vấn, quản lý bất động sản.
Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản; thù lao của cá nhân môi giới bất động sản; quyền của tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản; phạm vi, nguyên tắc kinh doanh dịch vụ tư vấn, quản lý bất động sản; nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản; nội dung hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; đăng ký hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
So với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có một số điểm mới về quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản nhằm điều tiết, bình ổn thị trường bất động sản trong các trường hợp khi thị trường tăng trưởng "nóng", "đóng băng".
Đồng thời điều chỉnh, bổ sung quy định về: Nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; xử lý vi phạm; trách nhiệm của các cơ quan trung ương và địa phươn