Mỹ cần Trung Quốc để duy trì sản xuất
Theo tạp chí Asia Times ngày 19-6, do ít đầu tư vào ngành sản xuất trong khoảng 20 năm qua, Mỹ đang phải nhập khẩu hầu hết trang thiết bị phục vụ ngành này. Năm 2022, Mỹ nhập siêu lên đến 1.000 tỉ USD. Trong đó, có khoảng 300 tỉ USD từ nhập khẩu tư liệu sản xuất - tức máy móc, nguyên vật liệu để làm ra các sản phẩm khác.
Số liệu của tạp chí Asia Times cho thấy Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp tư liệu sản xuất lớn nhất của Mỹ, với trị giá trong tháng 4-2023 lên đến 33 tỉ USD. Các mặt hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc rất đa dạng, trải dài từ máy móc công nghiệp đến vi mạch điện tử.
Nhìn rộng hơn, trong năm 2022, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Mỹ số thiết bị điện tử trị giá gần 140 tỉ USD. Trị giá máy móc công nghiệp, nồi hơi và thiết bị phục vụ nhà máy điện được Mỹ nhập từ Trung Quốc cũng lên đến 125 tỉ USD.
Bên cạnh Trung Quốc, Mexico cũng là một trong những nước xuất khẩu tư liệu sản xuất vào Mỹ nhiều nhất. Tạp chí Asia Times khẳng định một phần không nhỏ mà Mỹ đang nhập khẩu từ Mexico lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Thực tế này cũng xảy ra với nhiều đối tác thương mại khác của Mỹ, tiêu biểu trong đó là Ấn Độ.
Những số liệu trên cho thấy nền sản xuất của Mỹ hiện phụ thuộc khá nhiều vào hàng hóa đến từ Trung Quốc. Do đó, việc cắt đứt đột ngột nguồn hàng nhập khẩu này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung lập tức và rất tai hại với nhiều ngành công nghiệp Mỹ.
Việc chia tách kinh tế Mỹ khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vì thế cũng mang lại rủi ro vô cùng lớn.
Mọi ngả đường đều dẫn đến Trung Quốc
Bài toán chia tách Mỹ khỏi Trung Quốc trở nên phức tạp hơn nếu Mỹ muốn giảm nhập siêu. Để giảm nhập siêu, Mỹ sẽ phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào tư liệu sản xuất.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất của Mỹ hiện tại lại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trên. Từ đó, Mỹ buộc phải tăng cường mua sắm từ thị trường bên ngoài.
Nói cách khác, để giảm nhập siêu trong thời gian dài, Mỹ cần tăng cường nhập khẩu trong thời gian ngắn. Khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục là bạn hàng quan trọng của Mỹ.
Thực tế cho thấy để vực dậy ngành công nghiệp sản xuất, thời gian qua, Chính phủ liên bang Mỹ đã cung cấp nhiều chương trình hỗ trợ xây nhà máy sản xuất chip và nhà máy năng lượng xanh. Dưới ảnh hưởng của các chương trình này, số nhà máy được xây mới ở Mỹ đang tăng đáng kể.
Số nhà máy sản xuất tăng dẫn đến nhu cầu tư liệu sản xuất ngày một cao. Nguồn máy móc, nguyên vật liệu nội địa không đủ đang buộc Mỹ phải đẩy mạnh nhập khẩu máy móc, trang thiết bị từ nước ngoài.
Do đó, tạp chí Asia Times kết luận thay vì chia tách khỏi kinh tế Trung Quốc với cái giá rất đắt, Mỹ nên dồn lực đầu tư vào các ngành mũi nhọn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng đến việc "nhảy cóc" vượt Trung Quốc trong những ngành công nghiệp chiến lược.
Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất hai nước cần duy trì một mối quan hệ "mang tính xây dựng", sau cuộc hội đàm ngày 18-6 tại Bắc Kinh.