Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được một số thông tin phản ánh của bạn đọc liên quan đến tình trạng lừa đảo thông qua việc tuyển dụng cộng tác viên (CTV) thu âm, đọc voice tại nhà. Nội dung rao tuyển với công việc đơn giản lại có thu nhập hấp dẫn khiến nhiều người tin tưởng nên sập bẫy. Thời gian đầu, các đối tượng lừa đảo sẽ cho nạn nhân thu âm và trả phí nhưng sau đó lại dẫn dụ nạn nhân chuyển sang làm nhiệm vụ để nhận hoa hồng...
Với hình thức lừa đảo trên đã có nạn nhân bị lừa mất hàng trăm triệu đồng.
Ứng tuyển thu âm nhưng lại làm công việc khác
Chị VH (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết vừa qua chị bị lừa mất hơn 100 triệu đồng do đã ứng tuyển làm CTV thu âm đọc truyện.
Chị H cho biết tìm được công việc này qua một tài khoản Facebook, thấy rao tuyển thù lao khá hấp dẫn nên chị điền thông tin cá nhân và gửi hồ sơ tuyển dụng. Vừa đăng ký xong thì có một tài khoản Zalo liên hệ phỏng vấn và cho chị vào một nhóm có bốn thành viên, gồm một người quản lý và ba người khác là CTV như chị.
Tràn lan các tài khoản mạng xã hội, các trang, hội nhóm đăng tải tuyển dụng thu âm với thù lao hấp dẫn. Ảnh: TL |
Sau đó họ giao chị làm hai nhiệm vụ, nhiệm vụ đầu tiên là đọc một đoạn văn theo nội dung soạn sẵn, đọc xong họ chuyển chị 40.000 đồng tiền phí. Nhiệm vụ thứ hai, họ yêu cầu chị chuyển khoản để mua hàng với giá hơn 1 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, vài phút sau chị nhận được tiền vốn và 10% hoa hồng cho nhiệm vụ thứ hai.
Hoàn thành hai nhiệm vụ, chị được làm nhiệm vụ chính là chuyển khoản mua hàng. Cứ mỗi nhiệm vụ hoàn thành, chị nhận được tiền vốn và hoa hồng.
Từ số tiền 1 triệu đồng cho một nhiệm vụ, đến khi chị chuyển số tiền 30 triệu đồng cho một nhiệm vụ thì quản lý báo hệ thống có lỗi nên không thể chuyển trả tiền vốn và lãi. Nếu muốn tiếp tục làm để rút số tiền đã nộp trước đó thì phải chuyển thêm 50 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.
“Hơi nghi ngờ nên tôi hỏi riêng các CTV còn lại và họ cũng nói bị tình trạng giống như tôi. Có người cũng đã chuyển 50 triệu đồng, cũng bị báo lỗi hệ thống và bị mất tất cả tiền nộp trước đó. Ngay sau đó, tôi có hỏi lại người quản lý thì họ đã chặn số của tôi, liên hệ qua tài khoản Facebook lúc trước thì cũng bị chặn luôn. Đến lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa mất hết tiền” - chị H nói.
Tương tự, anh NHN (quận Bình Thạnh) cũng cho biết do thấy một tài khoản Facebook có đăng tuyển dụng người đọc voice, thu âm với giá 300.000-500.000 đồng/trang nên anh đã chủ động nhắn tin và xin ứng tuyển.
Theo anh N, thời gian đầu đúng là có thu âm và được nhận thù lao nhưng sau đó họ lại yêu cầu anh làm nhiệm vụ khác. Để làm nhiệm vụ này, anh phải chuyển khoản một số tiền. Sau mỗi nhiệm vụ hoàn thành, anh N đều nhận được tiền gốc đã chuyển và phần lãi.
“Do thấy mỗi lần chuyển tiền đều có tiền lãi nên tôi ham lắm. Số tiền tôi chuyển khoản để nhận nhiệm vụ ngày càng tăng. Đến nhiệm vụ tôi chuyển 200 triệu đồng thì họ tìm đủ lý do như hệ thống bị lỗi, nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu… để không chuyển tiền cho tôi. Sau đó họ chặn tất cả kênh liên lạc trước đây mà hai bên thường làm việc với nhau. Lúc này tôi mới biết mình đã dính vào đường dây lừa đảo. Nguyên nhân cũng do bản thân quá ham tiền lời…” - anh N chia sẻ.
Pháp luật lao động hiện nay cấm người sử dụng lao động yêu cầu người lao động bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Nên trực tiếp đến các nơi tuyển dụng
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Việc làm thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, cho biết hiện nay phương thức và thủ đoạn lừa đảo thông qua tuyển dụng việc làm trên các mạng xã hội của kẻ gian ngày càng tinh vi. Tình trạng này xảy ra tràn lan, mặc dù thủ đoạn lừa đảo là cũ nhưng lại biến tướng nhiều hình thức mới rất tinh vi.
Để chủ động phòng tránh những thủ đoạn lừa đảo trên, người dân khi tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội, đặc biệt với những thông tin tuyển dụng qua mạng cần nâng cao tinh thần cảnh giác.
Cụ thể, người dân nên tỉnh táo trước những tin tuyển dụng hấp dẫn, người tuyển dụng không công khai thông tin hoặc thông tin mập mờ, trụ sở không có. Cẩn thận trước những việc tuyển dụng để làm nhiệm vụ, nhận hoa hồng, chuyển tiền không chủ đích, hối thúc chuyển tiền, khi nhận được tiền thì đưa ra nhiều lý do sau đó không thanh toán, chiếm đoạt tiền...
Cũng theo bà Thảo, khi tìm việc trên mạng cần tìm hiểu kỹ thông tin công ty tuyển dụng, công việc, tài khoản mạng xã hội, thông tin của người đăng tin tuyển dụng… Cảnh giác trước những lời mời chào, giới thiệu có nhiều ưu đãi và thù lao cao. Nên trực tiếp đến công ty tuyển dụng để tìm hiểu, tránh rơi vào tình trạng “cò” lao động hoặc lừa lao động đang tràn lan trên mạng hiện nay.
“Khi muốn tìm việc, mọi người nên đến các đơn vị tuyển dụng có trụ sở làm việc bảo đảm tin cậy, các đơn vị nằm trong hệ thống quản lý của cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Đặc biệt là các đơn vị này không yêu cầu người lao động đóng phí hay chuyển khoản phí tuyển dụng” - bà Thảo nói.•
Mức phạt với hành vi chiếm đoạt tiền
Pháp luật về lao động hiện nay cấm người sử dụng lao động yêu cầu người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Khi phía người tuyển dụng yêu cầu đưa tiền hoặc tài sản bảo đảm thì người dân phải cảnh giác ngay.
Khi phát hiện về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì nên thu thập toàn bộ nội dung tin nhắn, trao đổi giữa các bên, nếu đã thực hiện chuyển khoản thì cần lưu giữ giấy chuyển tiền hoặc sao kê tài khoản. Sau đó tố giác hành vi lừa đảo đến cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý.
Ở mức độ xử phạt hành chính, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021, phạt tiền 2-3 triệu đồng với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản… Ngoài ra còn bị áp dụng xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Ở mức độ xử lý hình sự, căn cứ theo Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017), người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù 2-7 năm; chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân…
Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM