Theo Hãng tin AFP, ngày 19-6 (giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã thăm Tòa án hình sự quốc tế (ICC) tại thành phố The Hague ở Hà Lan. Trọng tâm của chuyến thăm là thảo luận những biện pháp chống lại Nga và "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Matxcơva tại Ukraine.
Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết ông Garland đến châu Âu "để trao đổi với các nhà đồng cấp quốc tế về việc bắt Nga phải chịu trách nhiệm cho những hành động của họ, cũng như về các ưu tiên thực thi pháp luật chung khác".
Bộ này cũng mô tả việc ông Garland thăm tòa ICC là "chuyến thăm lịch sử".
Về phần mình, Tòa án hình sự quốc tế đã đăng lên Twitter video về cuộc họp giữa ông Garland với chủ tịch tòa Piotr Hofmanski và công tố viên Karim Khan.
Ông Khan chính là người đã chuẩn bị lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh hồi tháng 3-2023.
Chào đón ông Garland đến The Hague, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra đăng trên Twitter: "Chúng tôi bàn về những nỗ lực chung trong việc đền bù nạn nhân của cuộc chiến ở Ukraine".
Theo Hãng tin AFP, khi thành lập, ICPA sẽ tập trung vào những cáo buộc chống lại hành động của Nga tại Ukraine.
Sau khi kết thúc chuyến thăm Tòa án hình sự quốc tế, ông Garland sẽ đến Thụy Điển để họp với các bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 20-6.
Tòa án hình sự quốc tế từng phát lệnh bắt ông Putin
Ngày 17-3, Tòa án hình sự quốc tế phát lệnh bắt ông Putin và Ủy viên về quyền trẻ em Liên bang Nga - bà Maria Lvova-Belova, với cáo buộc "có thể liên quan tội ác chiến tranh" khi đưa trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Nga một cách bất hợp pháp.
Động thái trên nhận sự hoan nghênh của các nước phương Tây như Mỹ, Đức…
Ở chiều ngược lại, Matxcơva không tham gia ICC, do đó đã tuyên bố các lệnh bắt trên "vô nghĩa". Ngày 20-3, Ủy ban điều tra Nga - nơi chịu trách nhiệm điều tra các tội phạm nghiêm trọng của nước này - tuyên bố mở vụ án hình sự chống lại công tố viên Karim Ahmad Khan và các thẩm phán tòa ICC có liên quan đến lệnh bắt ông Putin.
Sau đó, ngày 25-3, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin đã đề xuất việc sửa luật để cấm tất cả hoạt động của tòa ICC và trừng phạt những người hỗ trợ, ủng hộ cơ quan này tại Nga.
Washington cũng chưa từng phê chuẩn Quy chế Rome - văn bản thành lập Tòa án hình sự quốc tế. Chính Nhà Trắng cũng từng áp lệnh cấm vận lên ICC khi tòa này điều tra các tội ác chiến tranh của quân Mỹ tại Afganishtan.
Ngày 19-5, truyền thông Nga đưa tin Nga đã phát lệnh bắt giữ công tố viên người Anh Karim Khan của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).