Tiểu bang nước Mỹ bị dế tấn công
Hàng triệu con dế Mormon đã tràn đến Elko, Nevada, Mỹ. Loài côn trùng sống trên mặt đất, không biết bay này di cư thành từng đàn lớn dường như đang xâm chiếm các khu dân cư bằng cách bao phủ các tòa nhà, vỉa hè và lòng đường.
Các nhân viên khách sạn Shilo Inns Elko đã sử dụng hỗn hợp thuốc tẩy, xà phòng rửa chén, nước nóng và giấm cũng như máy phun áp lực để xua đuổi nhưng những con côn trùng "cứng đầu" này vẫn nhảy nhót sống sót.
Cuối cùng, Tổng giám đốc của Shilo Inns Kimmy Hall nói với đội ngũ nhân viên còn đang bị choáng ngợp của mình rằng: "Chúng ta không thể thắng chúng nhưng chúng ta có thể cầm chân chúng".
Đó là tâm trạng ở Elko, một thành phố có khoảng 20.000 cư dân, đang bị loài dế Mormon di cư tấn công.
"Bạn có thể thấy chúng đang di chuyển, bò đầy ra đường và điều đó chỉ khiến bạn nổi da gà", Phóng viên CBS Stephanie Garrett chia sẻ.
Bộ Giao thông Vận tải Nevada thậm chí đã cảnh báo, người dân lái xe xung quanh Elko nên giảm tốc độ ở những khu vực mà các phương tiện đã nghiền nát dế Mormon: Càng nhiều dế di chuyển qua đường và bị xe cán qua, các lớp tích tụ trên đường càng dày, để lại một hỗn hợp sền sệt màu đất sét khiến đường càng dễ trơn trượt.
Số lượng và độ tràn lan của dế trên đường nhiều đến mức cơ quan này phải dùng máy cày để dọn sạch những tàn dư sót lại.
Bệnh viện khu vực Nevada Đông Bắc của Elko thì sử dụng mọi phương án để đảm bảo dế không cản đường bệnh nhân nhập viện.
"Chỉ nguyên việc đưa bệnh nhân vào bệnh viện, chúng tôi đã cử người đi cùng theo máy thổi lá và chổi", Steve Burrows, Qiám đốc quan hệ cộng đồng của bệnh viện,nói: "Có thời điểm, chúng tôi thậm chí còn sử dụng một chiếc máy kéo có gắn máy xới tuyết chỉ để cố gắng đẩy những đàn dế rẽ hướng khác cho chúng tiếp tục di chuyển".
"Cái gai" của người Mỹ
Theo Đại học Nevada, Reno, mặc dù được gọi là dế nhưng về mặt sinh học, dế Mormon không thuộc họ dế mèn mà thuộc họ muồm muỗm, gần giống với châu chấu. Chúng không bay mà thay vào đó là đi bộ hoặc nhảy.
Chúng đẻ trứng vào mùa hè, ngủ đông rồi nở vào mùa xuân. Nhưng năm nay, do mùa đông mưa bất thường nên dế Mormon nở muộn. Đặc biệt, miền Tây Nam nước Mỹ đang trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng và điều này tạo nên môi trường thuận lợi cho sự bùng phát của loài dế Mormon.
Mỗi chu kỳ bùng phát của loài này có thể kéo dài trong 4 đến 6 năm, trước khi bị các loài côn trùng và động vật ăn thịt khác kiểm soát trở lại.
Những con dế dài khoảng 5cm có thân hình mũm mĩm không cắn người nhưng chúng gây ra cảm giác khó chịu.
"Thật điên rồ", Charles Carmichael, người dân Elko nói. "Cứ như vùng hoang dã vậy. Lâu lắm rồi tôi không phun thuốc diệt dế cho nhiều ngôi nhà như thế này".
Ông Carmichael cho biết, lũ dế đã tàn phá các khu vườn, chui vào nhà và bằng cách nào đó chui vào ba lô và tóc của mọi người.
Ngoài việc phun thuốc, ông còn dựng hàng rào nhựa nhẵn xung quanh vườn vì dế không thể leo lên các bề mặt nhẵn.
Dế Mormon được cho là cái gai đối với nông dân ở miền tây nước Mỹ trong hơn một thế kỷ qua.
Kể từ những năm 1930, Bộ nông nghiệp Mỹ đã được giao nhiệm vụ ngăn chặn châu chấu và dế Mormon cho các bang. Các bang miền Tây như Montana, Utah và Idaho cũng đã chi hàng triệu USD cho công việc này.