Năm 2021, Trường đại học FPT bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng vì tuyển sinh không đúng đề án đã công bố. Ông Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng trường Trường đại học FPT - cho biết có ngành đăng ký 1.000 chỉ tiêu nhưng tuyển 1.020 thí sinh.
Ảo tuyển sinh 40%, vượt 3% bị phạt
Theo ông Tùng, việc xử phạt các vi phạm căn cứ vào quy định đã có. Điều này không có vấn đề gì. Tuy nhiên có những điều chưa thực sự hợp lý trong thực tế.
Ông Tùng viện dẫn số liệu năm 2021, sau khi bộ lọc ảo, xác định mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một trường. Tuy nhiên, số lượng thí sinh nhập học trung bình ở các trường chỉ khoảng 60%. Tỉ lệ ảo tuyển sinh trung bình khoảng 40%. Năm 2022 tỉ lệ ảo của hệ thống tuyển sinh giảm xuống còn trung bình 18%.
Cũng theo ông Tùng, từ tỉ lệ ảo của hệ thống và tỉ lệ tuyển vượt bị phạt (3%) đã cho thấy sự bất hợp lý. Một số trường hợp chỉ tuyển vượt vài thí sinh, chứ không phải nhiều.
Thực tế việc tuyển sinh không đủ sẽ gây ra nhiều tác hại hơn so với tuyển vượt chỉ tiêu. Khi tuyển không đủ, nguồn thu của trường bị giảm. Điều này tác động tiêu cực đến việc tổ chức dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, giảng viên, nguồn lực giảng dạy dẫn đến ảnh hưởng chất lượng.
10% sẽ hợp lý hơn
Chia sẻ về tỉ lệ tuyển vượt bị phạt, ông Tùng cho rằng thay vì đong đếm các trường tuyển sinh bao nhiêu như hiện nay, bộ quản lý chất lượng hoạt động đào tạo sẽ hiệu quả hơn. "Tôi nghĩ tuyển sinh vượt 10% bị phạt sẽ hợp lý hơn so với 3% hiện nay" - ông Tùng đề xuất.
Tương tự, ông Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM - cho rằng quy định xử phạt hiện có quá nhiều bất cập.
Theo Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau một năm áp dụng nghị định 127, trong số khoảng 300 trường đại học và cao đẳng sư phạm đã có tới gần 100 trường bị xử phạt vi phạm tuyển sinh. Như vậy, có tới 1/3 cơ sở vi phạm thì chắc chắn cần xem xét lại.
Theo số liệu thực tế, số sinh viên nhập học vào trường cao hơn so với chỉ tiêu được xác định ban đầu là 151 sinh viên (tương đương 3,4% tổng chỉ tiêu).
Tuy nhiên, đến thời điểm 30-5-2023, tổng số sinh viên khóa 2022 chỉ còn 4.533, vượt chỉ tiêu 85 sinh viên (tương đương 1,9% tổng chỉ tiêu ban đầu). Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp còn lại khoảng 90%. "Lẽ ra con số này là 10%, thay vì 3% như hiện nay" - ông Lý nói.
Cùng quan điểm này, ông Lưu Trang - hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) - cho rằng không nên quá cứng nhắc với con số 3% như hiện nay.
Theo ông Trang, những cơ chế mới bắt đầu thu hút thí sinh theo học ngành sư phạm. Trong bối cảnh nhiều thí sinh giỏi chọn xuất khẩu lao động thay vì học đại học, việc tuyển sinh vượt 5-10% cũng không phải vấn đề gì quá lớn.
Tuyển sinh như chơi chứng khoán
Nhiều hiệu trưởng nói rằng chọn điểm G để gọi thí sinh trúng tuyển giống như chơi chứng khoán. Thực sự các trường không thể căn ke được, mong manh đúng sai. Vậy tại sao không quy định chỉ tiêu bình quân? Ví dụ, chỉ tiêu 5.000, năm nay tuyển thiếu thì năm sau tăng một chút, hoặc ngược lại, miễn sao trong ba năm đạt 15.000, 5 năm đạt 25.000.
Sao không xác định chỉ tiêu theo số sinh viên tốt nghiệp - đúng nghĩa đích thực cung ứng nguồn nhân lực?
Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM công bố tăng gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 so với năm ngoái.