Theo Hãng thông tấn KCNA, Triều Tiên xem chuyến thăm của ông Blinken là thất bại trong chính sách gây áp lực với Trung Quốc của Washington.
Hôm 19-6, ông Blinken và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau và đồng ý ổn định sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nước để tránh xung đột.
Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc khuyến khích Triều Tiên ngừng phóng tên lửa vì Bắc Kinh nắm giữ "vị thế độc nhất" để thúc ép Bình Nhưỡng tham gia đối thoại.
Trong một bài bình luận sau đó của KCNA, ông Jong Yong Hak - một nhà phân tích các vấn đề quốc tế của Triều Tiên, bình luận rằng chuyến thăm hiếm hoi này nhằm mục đích cầu xin hạ nhiệt căng thẳng vì "nỗ lực gây áp lực và kiềm chế Trung Quốc có thể trở thành một chiếc boomerang, giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế Mỹ".
Ông Jong tuyên bố chuyến thăm của ông Blinken "là một chuyến xin xỏ đáng hổ thẹn của kẻ khiêu khích thừa nhận thất bại trong chính sách gây áp lực lên Trung Quốc".
Bài bình luận này còn nhận định phải chịu trách nhiệm về việc làm leo thang căng thẳng trong khu vực với "các tổ hợp chống Trung Quốc", chẳng hạn như 'bộ tứ QUAD' với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia và hiệp ước AUKUS với Anh và Úc.
"Đây là đỉnh điểm của hành động nước đôi và sự trơ trẽn đặc trưng của Mỹ khi khiêu khích trước rồi mới nói về cái gọi là 'kiểm soát có trách nhiệm đối với sự khác biệt về quan điểm'", ông Jong tuyên bố trong bài bình luận trên KCNA.
Trong một diễn biến khác, ông Daniel Kritenbrink - trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - dự kiến sẽ đến thăm Hàn Quốc vào ngày 21-6.
Theo Hãng tin Yonhap, ông Kritenbrink sẽ thông báo cho các quan chức Seoul về nội dung hai ngày đàm phán ở Trung Quốc. Ông Kritenbrink cũng có mặt trong chuyến đi Bắc Kinh.
Dường như không có đột phá nào khi ông Blinken khép lại chuyến công du được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hai cường quốc.