Những đêm nằm ngủ giữa đèo
Thế hệ những người tài xế đầu tiên từ miền xuôi lên Tây Bắc phục vụ từ thập niên 60 của thế kỷ trước chỉ còn vài người trụ lại mảnh đất này.
Ông Nguyễn Văn Hỷ, Nguyễn Văn Tuân học cùng lớp, cùng lên Tây Bắc phục vụ. Lúc ấy, Khu tự trị Thái Mèo chia thành ba tỉnh là Sơn La, Lai Châu và Nghĩa Lộ. Lớp ông Hỷ có 15 người ở Sơn La, 10 người đi Lai Châu và 10 người đi Nghĩa Lộ.
Ngày đầu tiên đến Xí nghiệp vận tải ô tô Sơn La, ông Hỷ được nhận một chiếc xe tải chiến lợi phẩm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiếc xe có cabin bằng ván ép đã mục, trời mưa nước ngấm đầy cabin, máy móc đã lên cos 3 (xoáy nòng xi lanh lần thứ 3). Vài năm sau, cậu tài xế trẻ ngày ấy được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được nhận xe mới và chuyển sang lái xe khách từ ngày ấy.
Chiếc xe khách đầu tiên ông Hỷ cầm lái là hiệu Giải Phóng của Trung Quốc. Ông Hỷ lên tận cửa khẩu Na Sầm (Lạng Sơn) nhận xe về. Chiếc xe tải, có thùng sau rất rộng, xí nghiệp hàn thêm giá, gắn vào mấy hàng ván thế là thành xe "ca" (xe chở khách), có ghế băng bằng gỗ, chở được 40 người.
"Lúc ấy vinh dự lắm - ông Hỷ bồi hồi - Cảm giác cầm lái chiếc xe còn thơm phức mùi sơn, lại là người lái xe an toàn, không hỏng hóc, tai nạn trong 3 năm mới được nhận lái".
Những lái xe của xí nghiệp ngày ấy phải chia nhau ra "nằm vùng" từng tuyến. Ông Hỷ chạy tuyến Sơn La - Sông Mã ba tháng, rồi đổi cho người khác để chạy tuyến Sơn La - Bắc Yên. Ba tháng sau lại chạy tuyến Sơn La - Điện Biên... cứ thế, người tài xế vần chiếc vô lăng xe ca khắp các cung đường nguy hiểm nhất Tây Bắc lúc bấy giờ.
Ông Tuân được giao nhiệm vụ ở địa bàn xa hơn là chạy xe khách tỉnh Lai Châu. Mới đầu ông Tuân cũng lái chiếc Giải Phóng rồi được nhận một chiếc IFA W50 mới coóng. Dân trong nghề gọi là "quan tài bay" vì chiếc xe vuông vức và nguy hiểm như... cỗ quan tài!
"Chạy xe cho nhà nước ngày đó thì tiếng là đúng tiêu chuẩn, đúng tải, đúng số người. Nhưng xe khách thì luôn luôn quá tải. Chuyến nào họ cũng chen nhau lên xe, ngồi đầy trên nóc. Nhưng xe tôi không cho bám cửa, còn phải giăng thép gai quanh xe để cho dân không nhảy xe dọc đường, rất nguy hiểm".
Chiếc "quan tài bay" ông Tuân cầm lái chạy tuyến Mường Lay - Sơn La, Mường Lay - Lào Cai. Tuyến nào cũng phải qua những con đèo tử thần là Pha Đin và Ô Quy Hồ. Những con đèo khác, lái xe chuyên nghiệp như ông Tuân "chấp một mắt". Nhưng đèo Pha Đin vừa dài, vừa dốc, nhiều đoạn cua tay áo, khúc ngoặt rất gấp.
Ông Tuân không thể nhớ nổi bao nhiêu lần phải ngủ lại lưng đèo. Trên xe lúc nào cũng có vài chiếc bếp cồn, nồi, gạo, nước và ít cá, mắm. Tem phiếu mua lương thực cho lái xe lúc nào cũng được ưu tiên.
Quãng đường từ Mường Lay đến thị xã Lào Cai hơn 200km nhưng phải đi mất hai ngày. Ngày đầu tiên đến chân đèo Ô Quy Hồ, ngủ lại dọc đường rồi hôm sau vượt đèo sang thị xã Lào Cai.
"Chuyện đèo trơn, một bánh trôi ngoài vực, xe mất thắng phải tạt vào ta luy dương để dừng lại là chuyện thường. Có khi phải nằm lại mấy ngày ở lưng đèo vì mưa bão, dân mang cả thịt lợn đến cho", ông Tuân kể.
Trận lũ kinh hoàng
Trong khi đó, người tài xế già Nguyễn Văn Hỷ lại bộc bạch: "Lái xe Tây Bắc chúng tôi không ngại đèo dốc, chỉ sợ suối".
Đời cầm lái của ông hãi nhất là con suối Nậm Ớt như con rắn khổng lồ cuốn thành 12 khúc cắt ngang quốc lộ 4G. Đúng 12 đoạn suối ấy là khe núi hẹp, thấp nhất trong vùng. Ba mặt là những dãy Phiêng Pằn, Pá Khoang, Phiêng Pan, tỉnh Sơn La.
Nhìn từ bản đồ địa hình, Phiêng Pằn, Phiêng Pan loe ra như cái miệng phễu khổng lồ, còn cổ phễu chính là khe núi hẹp có dòng Nậm Ớt. Vào mùa mưa, nơi này thường xuyên hứng chịu những cơn lũ quét kinh hoàng.
Ngày ấy vào khoảng đầu những năm 1980, Xí nghiệp vận tải ô tô Sơn La cử ba chiếc xe đón đoàn người tình nguyện đi Sông Mã xây dựng kinh tế mới. Lúc đó vào giữa hè, đang là mùa lũ. Ba chiếc xe Giải Phóng đón hơn 100 người cùng lỉnh kỉnh nồi niêu, cuốc xẻng đi Sông Mã.
7h sáng xuất phát từ khu tập kết ở đầu quốc lộ 4G (nay thuộc xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La). Đến gần trưa cả ba chiếc xe lò dò qua đoạn suối đầu tiên ở bản Nà Ớt.
Trời nắng chang chang nhưng oi nồng không một làn gió. Nước suối đục lờ nhờ, ông Hỷ căn vệt bánh xe trước lò dò lái qua từng khúc suối. Hết khúc suối thứ 5, một vài khúc củi khô trôi lẫn theo bọt nước xuất hiện.
"Lũ quét!", ông Hỷ thò đầu qua cửa sổ, hét lớn ra hiệu cho xe trước chạy nhanh hơn.
"Chúng tôi bắt buộc phải vượt qua, nếu không phải tìm một chỗ trú thật cao để tránh lũ, đợi nước rút mới đi tiếp", ông Hỷ nói.
Cả ba chiếc dừng lại để người trên xe xuống đi bộ. Phụ xe không kịp xắn quần, lội xuống suối dò đường và hướng dẫn cho lái xe tránh đá hộc, hố ngầm dưới nước.
Lúc phát hiện cơn lũ, nước suối mới ngập tới phần ba bánh xe, tới khúc suối thứ 10 nước đã tràn vào cabin. Hai xe trước buộc dây xích phía trước cho khách kéo để chuẩn bị qua hai đoạn suối cuối cùng. Ông Hỷ bật nắp capô, tháo dây curoa không cho quạt gió quay.
"Nước ngập sâu quá, tôi phải tháo dây để phòng nước bắn lên làm ướt bugi. Giữa suối chết máy thì chỉ có bỏ xe chạy lấy người!", ông Hỷ lý giải.
Đoạn suối thứ 11, xe phía trước do tài xế Lâm cầm lái đã kịp buộc dây cáp sẵn sàng kéo xe ông Hỷ. Đoạn này nước sâu, nhiều đá hộc, xe rất dễ bị trượt bánh. Phụ nữ khuân đồ đạc đi trước, hơn hai chục trai tráng khỏe mạnh theo phía sau đủn xe phụ ông Hỷ.
Vượt qua đoạn sâu nhất, những người đủn xe đã ướt tới ngang túi ngực. Đầu xe đã ở trên dốc, nửa bánh sau vẫn ngập trong nước. Đoạn này dốc trơn, cả hai chiếc xe gào lên, khói xe mịt mù, tiếng lốp rít vào đá trơn ken két.
Chỉ còn vài bước chân, qua gờ cao cuối cùng để chiếc xe thoát khỏi lũ. Bánh sau quay tít, mùi lốp cháy khét lẹt. Bất ngờ một tiếng "khộc" vang lên. Chiếc xe giật nảy phi qua hòn đá trơn cuối cùng, thoát nạn.
Thế nhưng hòn đá trơn to bằng cái mũ cối ấy bị lốp xe quay mạnh, văng ra phía sau đập gãy đùi một người đủn xe. Cả người bị đá bắn và bốn, năm người khác ngã nhào xuống nước. Rất may họ được vớt lên kịp thời, người đàn ông chân gãy ngất xỉu, quần áo toàn bùn đất.
Ba chiếc xe lên tới đỉnh con dốc nhỏ trước, sau là suối. Lúc này nước suối đục ngầu, đặc quánh toàn bọt, cành cây. Tiếng nước chảy ầm ào, tiếng những tảng đá hộc bị nước cuốn đi nghe khùng khục dưới nước. Đoàn người miền xuôi hoảng hồn chứng kiến cơn lũ đầu tiên trong đời.
"Tôi ngồi bệt dưới đường, lúc ấy mới biết mình thoát chết", ông Hỷ nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Người đàn ông gãy chân được nẹp xương đùi bằng hai mảnh đòn gánh. Họ căng tạm vài tấm bạt, lôi nồi niêu, xoong chảo trên xe xuống, phân công người nấu cơm.
"Cơm nấu với nước lũ vàng khè, ăn với cá mắm - ông Hỷ kể - Người bị gãy chân được tiêu chuẩn riêng là nồi cháo cũng nấu bằng nước suối lũ nhưng có thêm vài miếng thịt".
Họ ở đó hai ngày, nước rút, tỉnh điều một xe khác vào chở người bị gãy chân quay lại thị xã xử lý. Cả ba lái xe viết tường trình, lên cơ quan công an khai về vụ việc. Đời lái xe của ông Hỷ nhớ mãi chuyến xe kinh hoàng ấy.
________________________________________
Phà Mỹ Thuận cách Sa Đéc hơn chục cây số, hành khách ngồi chưa ấm chỗ đã phải xuống xe. Chú lơ xe nói: "Mời bà con cô bác xuống xe qua phà, nhớ xe mình số 66A...".
Kỳ tới: Đi xe đò nơi miền Tây sông nước
Cánh tài xế già đến giờ vẫn hay bảo nhau "có phong hai lần anh hùng cũng chẳng dám lái xe khách tuyến Tuyên Quang - Xín Mần (Hà Giang) ngày ấy". Nào đường trơn, vực sâu, nào thủng lốp, nào đạn pháo Trung Quốc rít eo éo trên đầu...