Cung cấp thông tin tin cậy, đa chiều
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Theo đó, công bằng, công khai, minh bạch là một trong những nguyên tắc trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, theo quy định tại Luật Chứng khoán. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp cần thực hiện tốt việc công bố đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin của tổ chức mình.
Thực tế, trong cả một năm dài, đại hội cổ đông là dịp dễ dàng nhất để cổ đông tiếp cận được với thông tin hoạt động cũng như ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Đặc biệt, sau thời gian dịch bệnh, kinh tế khó khăn khiến tình hình tiêu thụ và đơn hàng suy giảm, lãi suất cao, thị trường trái phiếu biến động mạnh…, cổ đông rất muốn lắng nghe những tâm tư, chia sẻ khó khăn của lãnh đạo doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bức tranh dễ nhất, gần nhất vẫn có những trường hợp cổ đông khó tiếp cận được với doanh nghiệp. Nhiều công ty niêm yết lựa chọn việc tổ chức đại hội ở những địa điểm xa xôi, di chuyển bất tiện song không kèm phát trực tuyến khiến những cổ đông nhỏ lẻ dù muốn tham gia cũng khó. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lại rút ngắn thời gian thảo luận trong đại hội, không trả lời nhiều vấn đề được cổ đông quan tâm hoặc trả lời qua loa khiến nhiều cổ đông thất vọng.
Không chỉ nhà đầu tư, thực trạng hiện nay cho thấy nhiều nhà báo, phóng viên tham gia đại hội cổ đông để thông tin hoạt động của doanh nghiệp đến thị trường cũng không nhận được sự hợp tác, thậm chí bị gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Trong khi hiện nay, kênh tiếp cận thông tin chính của nhà đầu tư vẫn là từ báo chí.
Ngược lại, có những doanh nghiệp luôn giữ tinh thần cầu thị, tổ chức đại hội trực tiếp dành cho những cổ đông có thể đến tham gia, đồng thời phát trực tuyến tạo điều kiện tất cả cổ đông theo dõi và thực hiện quyền của mình. Những doanh nghiệp này cũng thường trả lời rất đầy đủ (trong thẩm quyền và phạm vi cho phép) các câu hỏi từ phía cổ đông, các tổ chức và truyền thông, báo chí đưa ra.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023, cổ đông Công ty cổ phần Thế giới di động (mã MWG) được đối thoại trực tiếp với ban lãnh đạo Công ty trong phần thảo luận kéo dài suốt 2 giờ đồng hồ. Ban lãnh đạo MWG không ngần ngại giải đáp hầu hết các câu hỏi cả trực tiếp và trực tuyến nhận được từ cổ đông.
Tương tự, lãnh đạo Công ty cổ phần Thế giới số - Digiworld (mã DGW) hay Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM - HSC (mã HCM) cũng rất cởi mở với cổ đông khi sẵn sàng trả lời các vấn đề được cổ đông quan tâm. Đây là nền tảng cơ sở để nhà đầu tư quyết định việc có đồng hành cùng với doanh nghiệp hay không.
Trong những sự kiện đó, báo chí là đơn vị đứng giữa lắng nghe tiếng nói từ các phía để đưa ra những bài viết đa chiều, thông tin khách quan, phản ánh các góc độ quan trọng để thị trường hiểu hơn về doanh nghiệp.
Ngoài những hoạt động mang tính thường niên như đại hội cổ đông, số lượng doanh nghiệp có bản tin IR hay những buổi gặp gỡ, chia sẻ về tình hình của Công ty hàng quý còn khá ít ỏi. Con số này thường chỉ nằm trong 30 - 50 doanh nghiệp đầu ngành.
Nhà đầu tư cá nhân là lực lượng chủ yếu trên thị trường chứng khoán trong nước, trong khi họ thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với lãnh đạo doanh nghiệp, trong việc tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp. Chính khoảng trống thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư thường bị hành động theo tin đồn và chịu tổn thất từ các hành vi “đè giá gom hàng”, hay “làm giá cổ phiếu” của “tay to”.
Báo chí đã nhiều lần chỉ ra các rủi ro trong đầu tư thông qua việc tìm hiểu hoạt động kinh doanh, phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư nắm được vấn đề và tránh rơi vào những “cạm bẫy” đã vạch ra sẵn. Nhiều bài báo phân tích sâu doanh nghiệp cũng là cơ sở để nhà đầu tư đưa ra quyết định rót tiền sáng suốt.
Lên tiếng bảo vệ nhà đầu tư
Nhờ báo chí lên tiếng đưa tin những sự vụ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời sửa sai. Qua những vụ việc như vậy, cổ đông, nhà đầu tư cũng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình, từ đó tạo áp lực với ban lãnh đạo doanh nghiệp để họ thực hiện tốt hơn hoạt động quản trị, quan hệ cổ đông.
Còn nhớ, trong mùa đại hội cổ đông 2020, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Saigonres (mã SGR) thông báo, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Hội đồng quản trị chỉ mời các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 2.000 cổ phiếu trở lên tham dự đại hội. Còn các cổ đông sở hữu dưới 2.000 cổ phiếu sẽ chỉ được gửi ý kiến về văn phòng Công ty.
Thông báo này khiến cộng đồng đầu tư xôn xao, vì điều này đồng nghĩa với việc cổ đông nhỏ sẽ bị hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là hành động phân biệt đối xử giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ.
Ngay lập tức, báo chí cũng vào cuộc phản ánh, nhiều chuyên gia lên tiếng không đồng tình với cách làm của SGT. Chỉ 2 ngày sau đó, công ty này đã đưa ra nghị quyết khác về tổ chức đại hội cổ đông, trong đó không có bất cứ giới hạn nào đối với chủ sở hữu cổ phần.
Gần đây, Báo Đầu tư thực hiện chùm bài “Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát”, “Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử”, phản ánh bức xúc của nhiều nhà đầu tư trái phiếu. Chùm bài được viết từ đơn kêu cứu của nhiều trái chủ của các công ty thuộc hệ sinh thái hoặc có dính dáng đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (An Đông, Quang Thuận, Thiên Phúc…).
Với kiến thức, nghiệp vụ chuyên nghiệp và quá trình điều tra ròng rã kéo dài 2 tháng, Báo Đầu tư đã vạch ra nhiều điểm bất thường trong thương vụ “bắt tay” giữa TVSI và SCB.
Nhà báo Ngô Nguyên, tác giả vệt bài chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến “cơn uất nghẹn” này là bởi một số quy định luật pháp dường như đang không bảo vệ nguồn tiền, tức người cho vay, mà lại “ưu ái” cho người đi vay, tức doanh nghiệp phát hành.
Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy báo chí sẵn sàng đồng hành và lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho những nhà đầu tư yếu thế.