Ngày 21-6, phát biểu thảo luận hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Phan Văn Xựng, chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM, dành toàn bộ thời gian để nói về quy định liên quan đến đất quốc phòng.
Theo ông Xựng, dự thảo cơ bản đã quy định đầy đủ các căn cứ và nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng. Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí và quyết định phân định khu vực đất đai ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ hơn, ông đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định tiêu chí, khu vực quản lý nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng.
Quy định này để bảo đảm tính tổng thể và thống nhất, bảo đảm tính bao quát ở khu vực, vị trí, diện tích đất có giá trị về quốc phòng, an ninh nhưng chưa nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.
Mặt khác, quy định như vậy nhằm ràng buộc việc phân định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh tại quy định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện; tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ xác định cụ thể các tiêu chí và phân định khu vực hạn chế tiếp cận đất theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh.
"Quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và công trình quốc phòng ở các vị trí chiến lược quan trọng, mặt khác đây cũng là việc giao cho quân đội quản lý đối với đất của Nhà nước khi có yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội thì cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn", ông Xựng giải thích.
Cũng theo ông Xựng, trong dự thảo, cùng nội dung quy định về thu hồi ngay đất chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh nhưng thẩm quyền, trình tự thu hồi chưa thống nhất.
Cụ thể, điều 80 dự luật quy định trình tự bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Trong khi điều 83 quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng quyết định. Ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để thống nhất.
Đại biểu đoàn TP.HCM cũng cho hay dự luật đã luật hóa điều 7 của nghị quyết số 132 năm 2020 của Quốc hội để giải quyết các vướng mắc, tồn đọng liên quan đến xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với các dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.
Việc bổ sung quy định này để tiếp tục giải quyết các vướng mắc, tồn đọng là cần thiết. Bởi lao động sản xuất là một trong ba chức năng của quân đội.
Mặt khác, thực tiễn các doanh nghiệp quân đội đã và đang hoạt động có hiệu quả, sản xuất các tổ hợp liên quan đến quốc phòng, trang bị cho quân đội, phát triển kinh tế, xã hội, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới, địa bàn khó khăn.
Việc này cũng bổ sung nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ, trang bị, xây dựng doanh trại, nhiệm vụ đối ngoại, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ. Vừa là sự cụ thể hóa nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về biên giới quốc gia, vừa là chiến lược quốc phòng toàn dân, phát huy tầm quan trọng của nhân dân là phên dậu để bảo vệ Tổ quốc.
Mở rộng đối tượng người đồng bào dân tộc được hưởng chính sách đất đai
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nêu ý kiến dự luật đã bổ sung những quy định rất rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, bà đề nghị cần mở rộng đối với đồng bào dân tộc biên giới, biển đảo để tạo điều kiện cho người dân bám đất, bám làng, giữ an ninh, trật tự ở biên giới cùng với các lực lượng khác.
Đồng thời, mở rộng đối với đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, cận nghèo, người khó khăn nhằm đảm bảo cho quyền lợi của người dân để có đất canh tác trên mảnh đất của mình cũng như để đảm bảo người cày có ruộng.
Công ty Tây Nam và Công ty dệt may 7 bàn giao hơn 5.100m2 đất quốc phòng ở phường 13, quận Tân Bình, theo các quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân quận Tân Bình.