Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực quảng bá những lợi ích đi kèm và mời gọi các quốc gia châu Á tham gia vào những hiệp định thương mại mà họ khởi xướng.
Ngày 27/5, một nhóm gồm 14 quốc gia đã nhất trí thiết lập hệ thống cảnh báo sớm những vấn đề trên chuỗi cung ứng. Đây là một phần trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (IPEF) - một sáng kiến kinh tế do Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngay sau đó, từ 2/6, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực ở tất cả 15 nước thành viên. Đây là hiệp định thương mại do Trung Quốc khởi xướng, bao gồm các nền kinh tế Đông Nam Á (ngoại trừ Đông Timor), Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Nhìn qua thì cả IPEF và RCEP vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Các nhà đàm phán Mỹ không mấy mặn mà với việc mở cửa hơn nữa để chào đón các nhà xuất khẩu châu Á, làm giá trị của IPEF sụt giảm rất nhiều. Trong khi đó, RCEP dù có phạm vi rộng nhưng lại hời hợt vì không bao gồm 3 vấn đề lớn là môi trường, doanh nghiệp nhà nước và quyền của người lao động.
Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế này, RCEP hiện đang giúp ích đáng kể cho nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và EU đã sụt giảm lần lượt là 15% và 5% trong 5 tháng đầu năm nay. Nhưng kim ngạch sang thị trường ASEAN lại tăng trưởng 8%. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
RCEP đạt được tiến bộ nhiều nhất trong việc hòa hợp các quy tắc về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với chuỗi cung ứng phức tạp bao phủ trung tâm sản xuất lớn nhất của thế giới. Bằng cách tạo ra 1 thị trường chung duy nhất cho mọi khâu từ đầu vào cho tới thành phẩm cuối cùng, RCEP ngăn chặn được tình trạng hàng chục hiệp định thương mại chồng chéo gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chuyên gia Aditya Gahlaut của ngân hàng HSBC cho rằng, châu Á giống như một mạng lưới cung ứng phi thuế quan, điều rất hấp dẫn đối với vô số các doanh nghiệp nhỏ và khuyến khích dòng vốn đổ vào các nước thành viên.
Dự báo của World Bank cho thấy, RCEP sẽ chỉ giúp thu nhập thực của các nước thành viên tăng khoảng 0,07% đến năm 2035, nhưng lợi ích lớn nhất nằm ở việc cải thiện năng suất khi các xung đột thương mại giảm xuống và quy tắc về xuất xứ được nới lỏng. Đến năm 2035, thương mại giữa các nước thành viên sẽ tăng 12%.
Vẫn còn thời gian để IPEF đuổi kịp RCEP. Một số đồng minh của Mỹ ở châu Á kỳ vọng ông Biden sẽ tái đắc cử vào năm sau và thay đổi quan điểm của Mỹ về sự cần thiết phải thúc đẩy hiệp định thương mại tự do ở châu Á. Nhưng ở thời điểm hiện tại, dự báo đó được cho là quá lạc quan.