Bạn đọc Đoàn Ngọc Thành ở tỉnh Phú Yên gởi cho Tuổi Trẻ Online những băn khoăn, lo lắng khi có rất nhiều học sinh vì học lực có hạn nên không thi đỗ vào lớp 10 công lập, trong khi gia đình lại ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện để về TP Tuy Hòa học trường dạy nghề hay trung cấp nghề được.
Không đậu vào lớp 10 công lập, không biết học đâu
"Việc đốc thúc, nhắc nhở, tạo điều kiện cho trẻ em, công dân mọi lứa tuổi được đến trường, được học là trách nhiệm của toàn xã hội, không của riêng ai. Hiện nay nền giáo dục của ta đang có nhiều loại hình giáo dục và đào tạo. Về mặt hệ thống, đó là nỗ lực không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta cảm thấy lo khi vẫn còn một bộ phận học sinh sau khi học hết bậc THCS đã phải nghỉ học, không được đến trường. Các bậc cha mẹ hoang mang, các cấp quản lý xã hội nghĩ gì?" - bạn đọc Thành gởi Tuổi Trẻ Online.
Bạn đọc này cho hay theo thông tin ông có được, chỉ ở các xã Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Hải và một phần xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đã có 164 học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 trường công lập.
"Số học sinh này sẽ đi đâu? Làm gì? Tương lai các em sẽ ra sao khi mà tại địa phương không có trung tâm giáo dục thường xuyên, không có trường tư thục, cũng chẳng có trường nghề để các em theo học?" - ông Thành đặt vấn đề.
Có ý kiến cho rằng các học sinh không đỗ vào lớp 10 thì về TP Tuy Hòa để học các trường dạy nghề của tỉnh, trường trung cấp nghề hay trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên không phải gia đình vùng xa nào cũng có điều kiện về kinh phí cho con đi học xa nhà, chưa kể các em mới 15 tuổi, học lực yếu, ý thức tự giác chưa cao, cha mẹ không yên tâm để con đi xa…
Vì vậy, nhiều phụ huynh mong các cấp quản lý xã hội lưu ý, lãnh đạo ngành giáo dục các cấp có phương án, tạo điều kiện cho con em họ được đến trường.
Không 'bít đường' học tập của học sinh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 22-6, ông Trần Khắc Lễ - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Yên - cho biết theo chủ trương phân luồng thực hiện lâu nay là đến năm 2025 có 25% học sinh tốt nghiệp bậc THCS phải học nghề, học hệ giáo dục thường xuyên.
Hiện nay Phú Yên thực hiện chủ trương này ở mức 20%, mỗi năm khoảng 2.500 học sinh, riêng năm nay khoảng 2.700 học sinh tốt nghiệp THCS không có cơ hội vào các trường THPT công lập. Số học sinh này phải học hệ giáo dục thường xuyên hoặc học trung cấp nghề.
Ông Lễ nói rằng chỉ tiêu, số liệu là vậy, nhưng đúng là hoàn cảnh gia đình một số em rất khó khăn.
"Như hơn 160 học sinh các xã bắc thị xã Sông Cầu không vào được Trường THPT Phan Chu Trinh mà đưa các em vào TP Tuy Hòa là khó, nên phải tìm hướng mở để các em tiếp tục học tập chứ không "bít đường" học vấn của các em" - ông Lễ nói.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên cho hay sở sẽ làm việc với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Sông Cầu phối hợp với Trường THPT Phan Chu Trinh để mở lớp giáo dục thường xuyên ngay tại trường THPT này, tạo điều kiện để các học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập tiếp tục được học tập.
Ông Lễ cũng cho biết một số huyện như Tây Hòa, Phú Hòa… thời gian qua cũng đã mở các lớp giáo dục thường xuyên tại trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, để các học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập được học tập.
Còn học sinh ở những khu vực gần TP Tuy Hòa như thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An thì về TP học hệ trung cấp ở Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên…
Kết quả thi tuyển sinh lớp 10 công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM công bố sáng 20-6 khiến nhiều phụ huynh, học sinh phấn chấn.