Chiều 22.6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại TP.HCM. Đoàn công tác đến thực tế tại Trường mầm non TP.HCM (Q.3), hẻm 491 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) và Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tại buổi làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng 1, báo cáo với đoàn công tác, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, dịch bệnh tay chân miệng hiện là vấn đề nổi trội và có xu hướng gia tăng tại TP.HCM và các tỉnh phía nam. Các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân tay chân miệng nặng được các tỉnh chuyển về. Các loại thuốc Immunoglobulin, Pentaglobin (chế phẩm từ huyết tương) và Phenobarbital đang khan hiếm nên Sở đã kiến nghị Bộ Y tế tìm nguồn cung.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, so với các đợt dịch bệnh tay chân miệng vào các năm 2011, 2018 và 2022, thì 6 tháng đầu năm 2023 bệnh tay chân miệng không nhiều, chỉ bằng 1/4, nhưng bệnh nhân nặng nhiều, tăng 2,5 lần.
"Sau dịch Covid-19 hiện nay nguồn cung toàn cầu thuốc Immunoglobulin, Pentaglobin, Phenobarbital khan hiếm. Nguồn dự trữ của các bệnh viện có hạn, nếu bung ra xài hết thì trong vòng 2 tuần nữa sẽ hết", PGS-TS Thanh Hùng nói.
PGS-TS Thanh Hùng đề nghị Bộ Y tế phân bổ lại chuyển tuyến bệnh tay chân miệng cho 4 bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để chia sẻ nguồn lực. Bộ Y tế giao cho 1 đơn vị nghiên cứu điều chế huyết tương thay thế các thuốc khan hiếm (Immunoglobulin, Pentaglobin) để điều trị tay chân miệng. Đồng thuận hướng dẫn điều trị bệnh tay chân miệng trong trường hợp nguồn cung cấp các thuốc hạn chế. Hỗ trợ phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế.
Phải dự kiến sơ bộ thuốc hiếm để mua sắm
Theo đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thuốc Phenobarbital đã về nước và chờ phân bổ cho các đơn vị. Còn với các loại thuốc khác dự kiến tháng 8.2023 sẽ đó.
Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh là đặc thù vì không lường trước được thời điểm xảy ra, nhu cầu là bao nhiêu. Từ tháng 12.2022, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các bệnh viện dự trù thuốc điều trị tay chân miệng. Phải xác định được nhu cầu, dự báo để đặt hàng. Vì có nhiều loại thuốc, sinh phẩm khi về nước cần 1 tháng mới sử dụng được sau khi kiểm định.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao công tác điều trị bệnh tay chân miệng nói riêng và các dịch bệnh khác của Bệnh viện Nhi đồng 1, giúp giảm biến chứng, tử vong ở trẻ em. Bên cạnh đó, bệnh viện còn thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, truyền thông…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp xây dựng hướng dẫn, tổ chức nghiên cứu để có thể có thuốc mới, thuốc thay thế sẵn có, các biện pháp điều trị mới… Đề nghị Sở Y tế TP.HCM tổng hợp lại các ý kiến đề xuất và có công văn chính thức gửi Bộ để Bộ phân công lại các bệnh viện hỗ trợ các tỉnh.
"Về việc thiếu các loại thuốc, dự kiến nhu cầu là rất khó nhưng bắt buộc phải làm. Với thuốc hiếm, nếu không dự kiến nhu cầu thì lúc nào cũng bị động. Đề nghị bệnh viện dự kiến nhu cầu sơ bộ, Sở Y tế tổng hợp, chủ động kết nối các nhà cung ứng để họ sản xuất hoặc nhập khẩu. Về phía Bộ, với thuốc hiếm chưa cấp phép lưu hành thì sẽ có công văn gửi ngay cho Cục Quản lý dược để tìm kiếm các nhà sản xuất, nhập khẩu, đề nghị nộp hồ sơ cấp phép để chủ động trong công tác điều trị", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Liên quan đến phụ cấp phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp.