Trưa 21/6 giờ Mỹ, những quả vải thiều tươi đầu tiên từ Bắc Giang được bày bán ở các siêu thị như Hong Kong, Tân Bình, Việt Hoa, Linda’s Tropical Fruits, Ca Mau tại Houston, Texas. Giá bán lẻ cho khách hàng là 14-15 USD mỗi pound, hoặc 140 USD cho gói 11 pound (5 kg), tương đương 3,2 triệu đồng.
Đây là số vải thuộc lô hàng 1,08 tấn vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên của mùa vụ năm nay được bán tại thị trường này, theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ. Sản phẩm được cung cấp bởi Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn cầu tại Lục Ngạn và nhập khẩu bởi LNS International Corporation.
Trước đây, vải thiều Việt Nam đến Mỹ theo diện hàng đông lạnh. Từ năm 2020, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận thấy nhu cầu vải tươi và kết nối các nhà xuất - nhập khẩu hai nước để làm việc với cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) tìm hiểu quy trình xuất vải tươi.
Tuy nhiên, các năm gần đây, vải tươi từng được thử nghiệm đưa sang Mỹ nhưng không được thông quan và bán ra thị trường do vướng một số quy định về kiểm dịch. Năm ngoái, LNS cũng từng định đưa vải sang nhưng phía Việt Nam và Mỹ lại không kịp thống nhất quy chuẩn bao gói.
Quy trình đưa vải tươi sang Mỹ không đơn giản. Vải Lục Ngạn đạt chuẩn sẽ được Toàn Cầu thu mua, tuyển lựa và cắt từng quả để xử lý bằng công nghệ của Israel nhằm đảm bảo sản phẩm giữ được độ tươi trong thời gian vận chuyển.
Vải được đóng gói theo quy cách rổ 11 pound (5 kg) rồi vận chuyển từ Bắc Giang lên sân bay Nội Bài để đáp chuyến đầu tiên vào Tân Sơn Nhất. Từ đây, vải được đưa đến trung tâm chiếu xạ Sơn Sơn nhằm loại bỏ vi sinh vật, côn trùng. Sau khi hoàn tất, vải lần nữa được vận chuyển trở lại sân bay Tân Sơn Nhất để đi bằng đường hàng không đến Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Kim Huyền (Jolie Nguyễn), Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch LNS cho biết toàn bộ thời gian từ khi vải được đóng gói ở Bắc Giang đến lúc lên kệ hàng ở Mỹ mất khoảng 5 ngày. "Vải đến Mỹ vẫn giữ được chất lượng tốt, có thể nằm trên kệ hàng siêu thị ít nhất 7 ngày để bán tươi", bà Huyền nói.
Sau khi lô đầu tiên diễn ra thuận lợi, công ty đã đặt hàng lô tiếp theo - 8 tấn vải - để cung cấp đến các siêu thị ở Houston (Texas), California, Seattle (Washington) và Portland (Oregon) và các nơi khác. "Sau lô thử nghiệm đầu tiên thành công, chúng tôi dự kiến nhập 3-4 lô vải tươi nữa cho mùa năm nay, với sản lượng 8-10 tấn mỗi lô", bà Huyền nói.
Vải ở Mỹ không thiếu, được nhập từ Mexico, Australia và hai bang trồng nội địa là Hawaii và Florida. Tuy nhiên, vải thiều Việt Nam được cho là "khác biệt". "Vải thiều Việt Nam rất dậy mùi, cơm dày, hạt nhỏ, ngọt thanh và ít nước. Những loại khác có ở Mỹ thì nước nhiều và vị ngọt hơi chua", bà Huyền đánh giá.
Niên vụ năm 2023, Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 96.000 tấn vải thiều, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng 15,2% so với niên vụ 2022. Thị trường xuất khẩu chính gồm: Trung Quốc, EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Đông Nam Á, một số nước ở khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có một trung tâm chiếu xạ tại TP HCM được cơ quan chức năng Mỹ cấp phép xử lý cho hàng nhập vào nước này. Điều này khiến quy trình logistics kéo dài và đội thêm chi phí. "Để đưa được hàng vào siêu thị Mỹ, cứ mỗi một đồng bỏ ra mua vải thì chúng tôi phải tốn thêm hai đồng cho tất cả chi phí logistics", bà Huyền nói.
Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston-Texas lưu ý để có các lô hàng xuất khẩu với số lượng lớn và ổn định, vai trò của các đối tác nhập khẩu, phân phối và vận tải, dịch vụ liên quan là rất quan trọng. Ngoài giá trị các thương hiệu, doanh nghiệp cần chú ý nghiên cứu sâu về thị trường, đảm bảo tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm trong việc xuất khẩu các lô hàng.
Viễn Thông