Liên hoan nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Hơn 250 nghệ nhân các dân tộc biểu diễn cồng chiêng
Tham gia liên hoan có hơn 250 nghệ nhân, diễn viên cồng chiêng của 7 đoàn cồng chiêng đến từ các địa phương trong tỉnh: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát và Trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học phổ thông Bình Định.
Các nghệ nhân đã mang đến liên hoan nhiều tiết mục đặc sắc, độc đáo, mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc: Chăm, Ba Na, H'rê...
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 2 năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
"Đây là dịp để các diễn viên, nghệ nhân cồng chiêng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy và phát huy nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc của các dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp", ông Tuấn nói.
Đông đảo học sinh tham gia trình diễn cồng chiêng
Tại liên hoan năm nay, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định lần đầu tiên tham gia nhưng lại cử lực lượng trẻ đông đảo nhất, với 45 học sinh đang học cấp III tham gia trình diễn cồng chiêng và múa xoang phụ họa.
Đây chính là nét mới về lực lượng tham gia liên hoan và cũng là niềm hy vọng vào lực lượng kế tục sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng nói riêng, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian tới.
Em Đinh Thị Mỹ Quyên (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Huệ, người Ba Na ở huyện Tây Sơn) cho biết: "Tối hôm nay em rất vui, rất thích vì được tham gia biểu diễn múa xoang trước đông đảo người dân. Em rất yêu những điệu múa của cha ông đã truyền lại. Đó là một niềm tự hào lớn lao".
Trong khi đó, em Đinh Hạo (16 tuổi, học Trường PTTH Nội trú tỉnh Bình Định) hào hứng chia sẻ: "Em rất vui vì được tham gia liên hoan lần này. Tới đây, em được biết thêm rất nhiều kiến thức về cồng chiêng và có thêm nhiều bạn bè, anh chị em. Đó là điều vô cùng đáng quý".
Còn nghệ nhân Đinh Xuân Thẩm (người Ba Na, huyện Hoài Ân) vui mừng nói: "Liên hoan lần này thật ý nghĩa. Lần đầu thấy nhiều bạn trẻ tham gia khiến tôi rất xúc động. Các bạn ấy sẽ là thế hệ kế cận chúng tôi giữ gìn và phát triển nét đẹp văn hóa này cho tương lai. Đó là điều mà chúng tôi mong muốn nhất".
TTO - Chiều 29-11, ông Trần Ngọc Nhung, giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Gia Lai cho biết Lễ hội văn hóa cồng chiêng năm nay quy tụ hơn 1.000 nghệ nhân cồng chiêng của 25 đoàn đến từ năm tỉnh Tây Nguyên.