Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2022), ngày 16-7, Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM do bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM làm trưởng đoàn, đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương và nghĩa trang Hàng Keo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Đi cùng đoàn còn có lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Côn Đảo; các cựu tù chính trị giam giữ tại Côn Đảo, thân nhân các liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương (đang sinh sống tại TP.HCM).
Các đại biểu viếng Nghĩa trang Hàng Dương. |
Tại nghĩa trang Hàng Dương, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm và dâng hương tưởng nhớ sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước.
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. |
Sau nghi lễ dâng hương, các đại biểu đã đến từng phần mộ thắp hương các liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương: mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Chí Hiếu…
Thay mặt đoàn đại biểu, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP chia sẻ: “Vùng đất thiêng liêng Côn Đảo, là nơi mang đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc. Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của họ đã tiếp thêm ngọn lửa cho phong trào cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh và là bài học giáo dục truyền thống sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Các đại biểu thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại Nghĩa trang Hàng Dương. |
Sau đó, đoàn đã di chuyển đến dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Keo.
Được biết, Côn Đảo là hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi đây, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam giữ, tra tấn và giết hại hàng vạn người con yêu nước của dân tộc từ năm 1862 đến 1975. Thế nhưng các chiến sĩ cộng sản luôn giữ vững tinh thần trung kiên, đấu tranh vì tự do, chính nghĩa và đã để lại nhiều tấm gương sáng ngời trong lịch sử của dân tộc.
Nghĩa trang Hàng Dương hiện là nơi yên nghỉ của gần 2.000 chiến sĩ cách mạng và nhà yêu nước qua nhiều thế hệ, trong đó chỉ có 793 ngôi mộ lưu rõ danh tính, quê quán, phần còn lại là những ngôi mộ chưa đủ thông tin.
Các đại biểu thắp nhang các phần mộ. |
Còn Nghĩa trang Hàng Keo là nơi vùi chôn khoảng 10.000 tù nhân bị thực dân Pháp giết hại tại nhà tù Côn Đảo. Năm 1997, các phần mộ tìm thấy ở đây đã được cải táng di dời về khu D – Nghĩa trang Hàng Dương. Hiện nơi đây chỉ còn lại rừng cây tự nhiên và những hài cốt của tù nhân còn nằm dưới lòng đất chưa tìm thấy.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Hàng Keo. |
Trước khi viếng các nghĩa trang, Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã thực hiện nghi thức chào cờ tại cột cờ vòng xoay Tôn Đức Thắng – Lê Hồng Phong, huyện Côn Đảo.
Sáng cùng ngày, Đoàn cũng tiếp tục tham dự Triển lãm hình ảnh quảng bá du lịch của TP.HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; tặng sách cho trường THCS Lê Hồng Phong, tổ chức các đoàn thăm hỏi gia đình chính sách với các trưởng đoàn gồm: ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP.HCM, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.
Các đại biểu tham quan triển lãm tranh. |
Tại mỗi gia đình, các đại biểu đã bày tỏ lòng khâm phục trước khí phách anh dũng, sự hy sinh to lớn của các thương binh, liệt sĩ tại Côn Đảo cùng các mặt trận trong hai thời kỳ kháng chiến.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thăm hỏi bà Dương Thị Dễ, mẹ liệt sĩ tại Khu dân cư số 5. |
Các đại khẳng định lãnh đạo và nhân dân TP.HCM luôn trân trọng, luôn luôn ghi nhớ, tri ân những gia đình thương binh, liệt sĩ đã đóng góp một phần xương máu để đất nước có ngày hôm nay và tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, nêu cao trách nhiệm để làm cho TP.HCM, cho Côn Đảo ngày càng giàu đẹp hơn.
Bà Tô Thị Bích Châu thăm hỏi ông Nguyễn Đình Bá, thương binh 1/4, khu dân cư số 7. |
Đồng thời, các đại biểu cũng ân cần thăm hỏi đời sống, sức khỏe của các thương binh, vợ liệt sĩ, mẹ liệt sĩ..., các đại biểu chúc các gia đình sống vui, khỏe, hạnh phúc.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM thăm hỏi bà Nguyễn Thị Ni, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. |
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thăm ông Nguyễn Văn Ước, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. |
Tại trường THCS Lê Hồng Phong, các đại biểu đã thăm hỏi, động viên và tặng quà gồm sách, máy tính cho các em học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các em học sinh trường THCS Lê Hồng Phong vui mừng nhận sách giáo khoa. |
Bà Vương Mỹ Lan, hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong bày tỏ đây là những phần quà quý, ý nghĩa giúp làm phong phú thêm kho sách của thư viện trường, giúp giáo viên và học sinh có thêm tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập. Nhất là học sinh khó khăn sẽ có đủ sách giáo khoa cho năm học mới.
Trường được xây dựng vào năm 2016 và đưa vào hoạt động năm 2018. Trường là món quà ý nghĩa TP.HCM dành tặng cho huyện Côn Đảo. Hiện có 650 học sinh đang theo học tại trường. Đến nay, trường đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy vào học. Trong đó, trường có 8 phòng học có màn hình tương tác, các phòng khác đều có tivi, có phòng thực hành, 1 phòng nhạc, 2 phòng tin học và 2 phòng ngoại ngữ.
Biểu diễn dù lượn nghệ thuật. |
Ngoài ra, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM còn phối hợp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động thiết thực khác như: Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ; một số hoạt động thể dục thể thao như biểu diễn thả diều, dù lượn, lướt ván, các trò chơi vận động, hoạt động diễu hành xe đạp...