vĐồng tin tức tài chính 365

Lớp 'VK' ở Học viện Ngoại giao

2023-06-23 09:55
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trao đổi về cuốn sách Vài ngón nghề ngoại giao với các độc giả trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội 2016 - Ảnh: Học viện Ngoại giao

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trao đổi về cuốn sách Vài ngón nghề ngoại giao với các độc giả trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội 2016 - Ảnh: Học viện Ngoại giao

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan được nhớ đến với nhiều vai trò lớn như một chính trị gia, nhà ngoại giao lỗi lạc, nhưng với cá nhân tôi và anh chị em làm công tác xây dựng ngành, ông mãi là một người thầy đáng kính.

Người thầy truyền nghề, truyền lửa

Danh xưng người thầy mà chúng tôi tôn kính dành cho ông hàm chứa tất cả tình cảm kính trọng, cảm phục, biết ơn và tự hào về trí tuệ, tâm huyết, sự tận tụy cống hiến của ông để bồi đắp, vun trồng lớp lớp thế hệ làm nghề ngoại giao.

Là một người trưởng thành đi lên từ thực tiễn công việc, ông luôn quan tâm dìu dắt các đồng nghiệp đi sau, chú trọng phát triển, bồi dưỡng, truyền nghề, truyền lửa cho đội ngũ cán bộ trong ngành.

Học viện Ngoại giao có may mắn được ông đồng hành, gắn bó và hỗ trợ công tác bồi dưỡng cán bộ của Bộ Ngoại giao và cán bộ làm công việc hội nhập quốc tế của các bộ, ngành, địa phương trong suốt 13 năm.

Tư duy, lý luận, kinh nghiệm, tầm nhìn và nhiệt huyết của ông đã tạo nền tảng quan trọng cho chúng tôi đưa lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Ngoại giao phát triển thực sự sôi động, hiệu quả và thực chất.

Dấu ấn của ông để lại trong lĩnh vực bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ chính là khóa bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng đối ngoại do ông trực tiếp là giảng viên chính được Học viện Ngoại giao tổ chức thành công trong giai đoạn 2011-2016. 

Với tên gọi thân mật mà anh chị em đặt cho là "lớp VK", cũng là thương hiệu của lớp, tổng cộng năm khóa bồi dưỡng đã được tổ chức dành cho học viên là lãnh đạo cấp vụ, cán bộ chủ chốt, cán bộ "nguồn" có tiềm năng của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao.

Các nhóm phương pháp và kỹ năng quan trọng được ông chia sẻ cùng các chuyên gia kỳ cựu của Bộ Ngoại giao như đại sứ Hà Kim Ngọc, đại sứ Đặng Đình Quý, đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga... gồm: kỹ năng thuyết trình và chủ trì hội nghị; phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế; kỹ năng xử lý động thái; kỹ năng đàm phán, kỹ năng làm báo cáo trình lãnh đạo cấp cao và kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Mỗi khóa học liên tục trong 5-6 tuần, mỗi tuần một chuyên đề. Với lời dạy tâm huyết rằng "kỹ năng là đòn bẩy đưa kiến thức vào cuộc sống", ông Vũ Khoan đã trao đổi, thảo luận, đúc kết, chắt lọc từ kinh nghiệm trong cuộc đời làm nghề của mình để chia sẻ với anh chị em học viên về "thủ thuật", "kỹ thuật" vận dụng hiệu quả các kỹ năng, phương pháp quan trọng này vào công việc.

Cùng với chuỗi khóa học này có những lớp được tổ chức dành riêng cho thủ trưởng các đơn vị, cũng là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao triển khai hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ mới mẻ này.

Ông Vũ Khoan dành rất nhiều công sức truyền đạt và chia sẻ cho các học viên. Ông cho rằng việc Bộ Ngoại giao tiên phong trong đào tạo kỹ năng cho các cán bộ cấp vụ đã "kích thích" các bộ, ngành và nhiều cơ quan trung ương tiếp cận việc nghiên cứu, học tập về kỹ năng quản lý và kỹ năng lãnh đạo. 

Mô hình học tập này đã có sức lan tỏa tích cực đến nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Ông dạy rằng kiến thức như bể rộng, các học viên "không nên lùi bước trước bất kỳ vấn đề nào mà mình chưa hiểu rõ, chưa nắm được".

Học viên lớp Vũ Khoan khóa 2012-2013 đến thăm thầy (ảnh chụp năm 2013) - Ảnh: Học viện Ngoại giao

Học viên lớp Vũ Khoan khóa 2012-2013 đến thăm thầy (ảnh chụp năm 2013) - Ảnh: Học viện Ngoại giao

Sức hút từ "lớp VK"

Nhiệt tình, say sưa tham gia các lớp của ông, các học viên, dù là những vị đại sứ, thủ trưởng đơn vị với kinh nghiệm dày dặn trong nghề vẫn cảm thấy hấp dẫn một cách "khác thường". Khác thường từ giáo viên tới nội dung, rất thiết thực cho người cần học và được học.

Các học viên đều nhận xét qua lớp học của thầy giáo Vũ Khoan, họ không chỉ học hỏi được từ kho tàng tri thức vô giá của thầy mà còn học được nhân cách, niềm tin và tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm.

Để lại ấn tượng sâu sắc với học viên chính là nghệ thuật của thầy Vũ Khoan biến những điều tưởng chừng phức tạp, vĩ mô thành những đúc kết rất giản dị, cô đọng và dễ nhớ qua cách truyền đạt dí dỏm, đời thường như chính tính cách và con người ông.

Tới nay, rất nhiều cán bộ nguồn có tiềm năng được tham gia "lớp VK" đã đạt những bước tiến tích cực trong nghề, trở thành vụ trưởng các đơn vị chủ chốt của bộ, đại sứ, trưởng cơ quan đại diện tại nhiều địa bàn quan trọng trên thế giới. Có thể nói, những hạt mầm do ông ươm đều đã nở hoa.

Những năm sau vì lý do sức khỏe của ông không cho phép, "lớp VK" không thể tiếp tục. Tuy nhiên, ông vẫn tận tụy, nhiệt huyết chia sẻ tại các chuyên đề, tọa đàm do Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao tổ chức, đưa ra các nhận định mang tầm chiến lược song lại rất cô đọng, súc tích về tình hình thế giới và đối ngoại Việt Nam.

Những năm tháng cuối đời khi không còn có thể đứng lớp trực tiếp, thật cảm động khi ông vẫn tạo điều kiện cho phép chúng tôi kết nối trực tuyến hoặc ghi hình trước bài giảng của ông để phát tại các lớp bồi dưỡng cho cán bộ trong và ngoài bộ.

Tâm huyết với nguồn lực ngoại giao

Không chỉ trực tiếp tham gia giảng dạy, ông Vũ Khoan còn tận tình hỗ trợ Học viện Ngoại giao trong quá trình xây dựng các đề án đào tạo bồi dưỡng lớn về đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước và của ngành ngoại giao.

Ông cẩn thận đọc kỹ các dự thảo, viết trực tiếp các góp ý một cách bài bản, đầy đủ, chi tiết, thẳng thắn góp ý, chỉ ra những điểm còn chưa hoàn thiện với tư duy mạch lạc và suy nghĩ khúc chiết, tầm cỡ.

Chúng tôi cũng có may mắn được tham gia hỗ trợ ông xuất bản các ấn phẩm viết về nghề ngoại giao như Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao, Một vài ngón nghề ngoại giao được độc giả đón nhận nồng nhiệt và đang được Học viện Ngoại giao sử dụng làm các tài liệu tham khảo trong các chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

Những câu chuyện về kỷ niệm của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan với Học viện Ngoại giao còn rất nhiều, không thể kể hết. Tuy ông đã rời xa cõi tạm nhưng hình ảnh, tư duy, nhiệt huyết của ông vẫn luôn đồng hành cùng chúng tôi.

Một vị lãnh đạo đáng kính sau chặng đường dài cống hiến, khi nghỉ công tác vẫn chọn cho mình một lối đi riêng để tiếp tục giúp ích cho đất nước, cho cộng đồng, cho xã hội. "Vui, khỏe, có ích" là hình ảnh đặc trưng về phong cách của nhà ngoại giao, thầy giáo Vũ Khoan trong những năm tháng cuối cuộc đời đáng sống của ông.

Chữ tài đi cùng chữ tâm, ông đã để lại cho các thế hệ đi sau và đặc biệt là những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng như chúng tôi niềm cảm phục, ngọn lửa đam mê để nối tiếp nỗ lực của ông vun trồng những lớp măng mới cho rừng tre ngoại giao Việt Nam.

Thưa ông, mong ông hãy yên nghỉ. Chúng tôi luôn tri ân và tự hào về thầy Vũ Khoan. Noi gương ông, chúng tôi tự hứa sẽ nỗ lực làm tốt và tốt hơn nữa trách nhiệm với ngành, với đất nước.

Người thầy đặc biệt

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khi đó là thứ trưởng thường trực phụ trách Học viện Ngoại giao trong lần dự, phát biểu tại lễ bế giảng một lớp dành cho các thủ trưởng đơn vị đã nhìn nhận: Bộ Ngoại giao may mắn có được "người thầy đặc biệt Vũ Khoan vừa có kiến thức sâu sắc vừa có kinh nghiệm dày dặn, lại rất sâu sát với ngành ngoại giao".

Ông đề nghị các thủ trưởng đơn vị phát huy những kiến thức đã thu được qua lớp của thầy Vũ Khoan, tiếp tục truyền tải, phổ biến cho các cán bộ của đơn vị mình, qua đó khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, học tập để các cán bộ trẻ tự đào tạo, vươn lên đáp ứng yêu cầu công việc.

Tâm và tầm của ông Vũ KhoanTâm và tầm của ông Vũ Khoan

Do tuổi cao sức yếu, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã từ trần vào sáng 21-6 tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), hưởng thọ 86 tuổi.

Xem thêm: mth.73173628032603202-oaig-iaogn-neiv-coh-o-kv-pol/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lớp 'VK' ở Học viện Ngoại giao”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools